024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Mỗi doanh nghiệp phải là một trung tâm đổi mới, sáng tạo.

 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN từ đầu năm đến nay nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá cao về đổi mới sáng tạo. Đặc biệt phong trào khởi nghiệp về đổi mới sáng tạo đã lan rộng trên cả nước và được Chính phủ và các địa phương quan tâm phát triển.

 

Ảnh minh họa

Theo đại diện Bộ KH&CN, trong những năm qua, Bộ luôn xác định DN là trung tâm của đổi mới sáng tạo (ÐMST), trong đó chú trọng đổi mới công nghệ để tăng năng suất, khả năng cạnh tranh của DN, quốc gia. Các chính sách, pháp luật về KH&CN đã tập trung thúc đẩy DN đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất.

Thứ trưởng KH-CN Bùi Thế Duy cho biết, năm 2020, trong các tháng giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, nhưng số lượng bằng sáng chế, đơn sở hữu trí tuệ, bằng phát minh sáng chế vẫn tiếp tục tăng và số được công nhận cũng tăng hơn so với năm 2019. Có thể thấy rõ trong thời gian qua, sự quan tâm về ĐMST của các bộ, ngành, địa phương, nhà nước, DN tư nhân là rất lớn. Hàng loạt dự án, cơ sở nghiên cứu của DN tư nhân, trung tâm ĐMST đã được hình thành.

Sự thay đổi này được đánh giá khách quan thông qua chỉ số GII từ năm 2017 đến nay liên tục tăng. Trong bối cảnh khó khăn của năm 2020 khi nền kinh tế của các quốc gia đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đang nổi lên như một hình mẫu về các giải pháp KH&CN để chống dịch bệnh.

Trong đó, những năm gần đây, Hà Nội luôn đi đầu trong việc phát triển khoa học công nghệ và ĐMST. 

Đại diện UBND TP. Hà Nội chia sẻ, thành phố được xác định là trung tâm khoa học công nghệ của cả nước, bên cạnh 4 trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục. Mục tiêu xây dựng Hà Nội là trung tâm ĐMST, nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu cả nước; tiến tới là trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trên một số lĩnh vực. Thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển khoa học, công nghệ với tinh thần để mỗi DN phải là một trung tâm ĐMST và mỗi chính sách ban hành đều lấy DN là trung tâm, đưa khoa học, công nghệ trở thành một trong những đột phá có tính chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV TP. Hà Nội cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng của giai đoạn 2021 - 2025 là tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào động lực là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tận dụng tối đa thành quả của cuộc CMCN 4.0 để nâng cao năng suất lao động. Thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân để tạo động lực phát triển kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phấn đấu Hà Nội trở thành Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước.

Theo đó, thành phố phấn đấu đến năm 2025, sẽ hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo và 150 DN khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm. Đặc biệt chú trọng thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, hình thành Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội, tạo nhiều không gian hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, thực hiện kết nối khởi nghiệp sáng tạo trong nước và quốc tế.

Để nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy phát triển nhận thức, tư duy về đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo của Thủ đô, mới đây Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Chương trình Phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020, do ngân sách thành phố Hà Nội hỗ trợ một phần kinh phí.

Có thể thấy, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang được kỳ vọng sẽ thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và ban hành các văn bản liên quan nhằm hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp. Nhiều cơ sở hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST đã được hình thành và đi vào hoạt động, góp phần thiết lập một hệ sinh thái năng động và thu hút nhiều nguồn lực trong nước, quốc tế cho khởi nghiệp. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, thực tế số DN có hoạt động ÐMST ở Việt Nam vẫn còn ít. Nguyên nhân bởi  nhiều DN quy mô nhỏ gặp khó khăn khi đổi mới công nghệ do nguồn lực tài chính hạn chế. Ngoài ra, một số bất cập trong chính sách cũng ảnh hưởng đến hoạt động ÐMST của DN. Do đó để phát triển mạnh hơn nữa về ĐMST, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách để tiếp tục đưa DN trở thành trung tâm của hệ thống ÐMST. Nhà nước cần hỗ trợ DN triển khai các dự án đổi mới công nghệ, ÐMST, nghiên cứu và phát triển thông qua các Chương trình KH&CN quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia...

Theo đánh giá của WIPO, năm 2020 hệ thống ĐMST của Việt Nam có kết quả nổi bật về trình độ phát triển của thị trường, xếp hạng 39, tăng 30 bậc từ vị trí 69 năm 2019. Trong đó, tiến bộ đáng chú ý là về liên kết ĐMST, với kết quả tốt hơn ở chỉ số Hợp tác Viện trường - DN (tăng 10 bậc, từ vị trí 75 lên 65) và chỉ số Quy mô phát triển của cụm công nghiệp (tăng 32 bậc, từ vị trí 74 lên 42). Năng lực hấp thụ tri thức tăng 13 bậc so với năm 2019, xếp hạng 10 - là thế mạnh của Việt Nam nhờ sự dẫn đầu về nhập khẩu công nghệ cao - hạng 4 và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) - hạng 19.

 

Trích nguồn

Nguyễn Minh

23/09/2020
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368