024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Dự thảo luật giá (sửa đổi): Chính phủ quy định chi tiết danh mục hàng định giá để linh hoạt thực hiện

 

Các mặt hàng do Nhà nước định giá được thẩm định phương án giá chặt chẽ, đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, hợp lệ.

Các mặt hàng do Nhà nước định giá được thẩm định phương án giá chặt chẽ, đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, hợp lệ.

Theo dự thảo Luật Giá (sửa đổi), việc quy định về danh mục hàng hóa, dịch vụ được định giá sẽ giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết danh mục trên cơ sở các nguyên tắc được quy định chặt chẽ tại Luật, nhằm tăng cường sự linh hoạt trong thực tiễn triển khai.

Đã ngăn tình trạng độc quyền, tăng giá bất hợp lý

Danh mục mặt hàng Nhà nước quản lý, điều hành giá hiện tại cơ bản là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước trong việc quản lý giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước; gắn với đó là việc phân công, phân cấp quản lý giá giữa bộ, ngành, địa phương đã bước đầu phân định được rõ hơn về nhiệm vụ, xác định trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương. Qua đó, thể hiện được tính minh bạch, công khai, hợp lý, góp phần lớn trong việc điều hành giá, kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.

Thực hiện thẩm quyền được giao, các bộ, ngành đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định giá một số hàng hóa thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như khung giá đất, khung giá cho thuê mặt nước, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân,...

Đồng thời, các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền các quy định về giá đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý của mình như giá truyền tải điện, giá phát điện... Một số dịch vụ thuộc lĩnh vực hàng không, hàng hải, bưu chính viễn thông, y tế (dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh)... Các mặt hàng do Nhà nước định giá được thẩm định phương án giá chặt chẽ, đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, hợp lệ, có xem xét đến khả năng chi trả của người tiêu dùng và tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Công tác định giá của Nhà nước đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng được thực hiện hiệu quả, ngăn ngừa tình trạng độc quyền tăng giá bất hợp lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng và giảm trừ tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá.

Hoạt động thẩm định giá Nhà nước đã góp phần chống lãng phí, tiết kiệm ngân sách nhà nước đối với việc mua, bán hàng hóa, dịch vụ sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định đối với khung giá đất

Về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, phương pháp, hình thức định giá, tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) sẽ củng cố nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ nhà nước định giá đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn yêu cầu quản lý và các nguyên tắc thị trường.

Đồng thời, giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết danh mục; đẩy mạnh phân công, phân cấp nhiệm vụ định giá cho các bộ, ngành, địa phương, qua đó phân định rõ về nhiệm vụ, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ gắn với chuyên môn, chuyên ngành. Phân định rõ về thẩm quyền ban hành, hướng dẫn chi tiết phương pháp định giá chung và phương pháp định giá cho các hàng hóa, dịch vụ đặc thù. Tại dự thảo Luật cũng đã thể chế hóa các hình thức, phương pháp định giá mới theo cơ chế thị trường để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện.

Quy định cụ thể phương pháp định giá

Tại dự thảo Luật đã quy định 2 nhóm phương pháp ứng với từng trường hợp cụ thể như sau: Trường hợp thứ nhất, phương pháp định giá là các cách thức, quy trình kỹ thuật để xác định giá hàng hóa, dịch vụ theo các cách tiếp cận từ so sánh giá thị trường, từ các yếu tố hình thành giá và từ thu nhập. Trường hợp thứ hai là hàng hóa, dịch vụ có tính đặc thù không thể áp dụng phương pháp định giá chung quy định tại Khoản 1 Điều này. Bộ quản lý ngành, lĩnh vực có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành phương pháp định giá riêng.

Tại nội dung chính sách đã đề xuất giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết danh mục trên cơ sở các nguyên tắc được quy định chặt chẽ tại Luật, nhằm tăng cường sự linh hoạt trong thực tiễn triển khai.

Theo Bộ Tài chính, vấn đề này còn có nhiều ý kiến khác nhau trong khâu xây dựng chính sách. Khi tiến hành soạn thảo Luật, trên cơ sở đánh giá kỹ hơn cho thấy để có thể khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, thì giải pháp tối ưu là vẫn tiếp tục kế thừa để quy định chi tiết danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại Luật gắn với đó là quy định rõ hình thức, thẩm quyền trách nhiệm định giá của các cấp cơ quan quản lý (tương tự như danh mục tại Luật Phí, lệ phí).

Quy định này mặc dù thay đổi so với phương án chính sách đề xuất áp dụng (Chính phủ quy định chi tiết danh mục trên cơ sở các nguyên tắc đã đề ra tại Luật nhằm tăng cường tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện), nhưng cũng đã được đánh giá tác động chi tiết tại Báo cáo đánh giá tác động chính sách. Đồng thời, để khắc phục được các tồn tại, hạn chế như đã phân tích, tại dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về quy trình trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh danh mục.

Về thẩm quyền và trách nhiệm định giá được quy định bám sát định hướng chính sách về việc tăng cường phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về giá nói chung cũng như định giá nhà nước nói riêng. Theo đó, sẽ bỏ cấp định giá do Chính phủ thực hiện; đối với cấp Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định đối với khung giá đất (trường hợp Luật Đất đai sửa đổi bỏ các quy định về khung giá đất thì tại Luật Giá sẽ được cập nhật tương ứng để đảm bảo đồng bộ, thống nhất).

Bộ Tài chính trình Chính phủ thống nhất với việc thay đổi phương án soạn thảo Luật so với phương án được lựa chọn tại Báo cáo đánh giá tác động chính sách.

Về nguyên tắc định giá được kế thừa như hiện hành và có chỉnh lý nhằm thể hiện rõ vai trò của Nhà nước sẽ chỉ định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục và tôn trọng quyền tự định giá của tổ chức, cá nhân với các hàng hóa, dịch vụ khác.

Trích nguồn

Minh Anh

28/07/2022
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368