024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Thủ tướng kêu gọi các ngân hàng tiếp tục chia sẻ khó khăn cùng DN, người dân và nền kinh tế

 

thu tuong keu goi cac ngan hang tiep tuc chia se kho khan cung dn nguoi dan va nen kinh te

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn các ngân hàng thương mại (NHTM) cùng chia sẻ với Đảng, Nhà nước, nhân dân, tạo ra nguồn lực, sức mạnh phát triển mới, bởi đất nước có hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc thì ngành Ngân hàng mới phát triển.

Sáng 4/8, nhân dự sự kiện “Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo NHNN và lãnh đạo các NHTM. Cùng tham dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, các đồng chí trong Ban lãnh đạo NHNN; lãnh đạo một số NHTM.

Tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian qua, NHNN đã điều hành các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, đảm bảo mục tiêu hỗ trợ thanh khoản hợp lý cho các tổ chức tín dụng (TCTD) góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế cũng như kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó, giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới biến động, tạo điều kiện để TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp; cũng như tiếp tục chỉ đạo TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên tinh thần đảm bảo mặt bằng lãi suất ổn định tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân.

NHNN cũng điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát trên cơ sở điều hành hạn mức tín dụng đặt ra 14%. Đến nay kết quả tín dụng tăng khá nhanh, tính đến thời điểm hiện nay, tăng 9,42% so với cùng kỳ (năm 2021 tăng 6,64%). Đặc biệt, tín dụng tăng đều cho các lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt lĩnh vực càng khó khăn do dịch tăng trưởng nhanh hơn. Các ngân hàng cũng chú trọng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục kiểm soát rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...

Đặc biệt, trước khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong suốt 2 năm qua, NHNN đã ban hành nhiều chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp.

Có thể kể đến như việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch (theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các Thông tư sửa đổi, bổ sung). Lũy kế đến cuối tháng 6/2022 (thời điểm kết thúc chính sách), các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ trên 722 nghìn tỷ đồng cho hơn 1 triệu khách hàng hưởng lợi chính sách này; miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ hơn 92 nghìn tỷ đồng cho gần 562 nghìn khách hàng.

Giảm lãi suất từ nguồn lực của các TCTD trong suốt 2 năm đến nay khoảng 50 nghìn tỷ đồng - là chính sách thiết thực đối với doanh nghiệp, người dân trong giai đoạn phòng chống dịch vừa qua. Bên cạnh đó, hệ thống đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới. Lũy kế đến cuối tháng 6/2022, tổng số tiền lãi các TCTD đã giảm, hạ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là khoảng 50.000 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 6/2022, tổng số phí các TCTD đã miễn/giảm cho khách hàng là 8.630 tỷ đồng. Ngoài ra, còn dành nguồn lực tái cấp vốn để NHCSXH cho vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất…

Riêng công tác an sinh - xã hội trong 2 năm qua, ngành Ngân hàng đóng góp với tổng số tiền ủng hộ từ khi có dịch COVID-19 đến nay là khoảng hơn 8.000 tỷ đồng trích từ lợi nhuận, thu nhập của NHTM trong đó hỗ trợ y tế cho phòng chống dịch khoảng 4.000 tỷ đồng.
 

thu tuong keu goi cac ngan hang tiep tuc chia se kho khan cung dn nguoi dan va nen kinh te

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Lắng nghe báo cáo của NHNN, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao những kết quả mà ngành Ngân hàng đã đạt được trong thời gian qua. Theo Phó Thủ tướng, trong 7 tháng đầu năm tình hình thế giới cũng như trong nước nhiều biến động, tác động của dịch giảm dần lại đến xung đột chính trị ở một số khu vực, đặc biệt là xung đột giữa Nga - Ukraina và điều hành chính sách tiền tệ của NHTW một số nước thay đổi rất đột ngột, diễn biến trên tác động đến Việt Nam rất lớn, tuy nhiên với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính sách tiền tệ của NHNN và các công cụ khác đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững lạm phát trong điều kiện kinh tế thế giới có dấu hiệu suy giảm, tăng trưởng âm, lạm phát rất cao. 

Phó Thủ tướng cho rằng, NHNN có hai chức năng lớn là ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, đảm bảo thanh khoản nền kinh tế, trong đó có an toàn hệ thống NHTM, hai nhiệm vụ này trong thời gian qua đã được làm rất tốt dù trong bối cảnh khó khăn.

Tuy nhiên trong thời gian tới, tình hình có nhiều diễn biến phức tạp, điều hành chính sách tiền tệ phải hết sức thận trọng, linh hoạt. Vừa đảm bảo hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không ảnh hưởng tới lạm phát, thanh khoản của hệ thống.

 

thu tuong keu goi cac ngan hang tiep tuc chia se kho khan cung dn nguoi dan va nen kinh te

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại cuộc họp

“Hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro” với nền kinh tế

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của NHNN, các NHTM và toàn ngành Ngân hàng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như công tác phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.

Thủ tướng chúc mừng các NHTM tham dự buổi làm việc đã kinh doanh hiệu quả trong bối cảnh vừa qua đồng thời chia sẻ với các khó khăn, thách thức mà ngành Ngân hàng và các NHTM gặp phải khi vừa chống dịch, vừa làm tròn trách nhiệm xã hội, vừa duy trì hoạt động kinh doanh.

Đồng thời, Người đứng đầu Chính phủ gửi lời cảm ơn sự đóng góp tích cực, quan trọng của các ngân hàng với công tác phòng, chống dịch COVID-19 về vaccine, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế…, thể hiện trách nhiệm xã hội rất cao trong những lúc đất nước gặp khó khăn, thách thức, với tình cảm, tinh thần nhân văn cao cả theo truyền thống, đạo lý “lá lành đùm lá rách”, càng khó khăn, thách thức càng đoàn kết, thống nhất của dân tộc ta.

Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, đất nước ta đã đạt được những kết quả tích cực, rất đáng trân trọng về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển, chúng ta vẫn đang làm chủ được tình hình. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức là rất lớn và nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, như áp lực lạm phát còn rất lớn, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thu hẹp thị trường…

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cương quyết chỉ đạo NHNN thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, tập trung, hiệu quả.

Thủ tướng đề nghị NHNN cùng các NHTM góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương nói trên, đồng thời gửi lời đề nghị, kêu gọi tới các NHTM tham gia cuộc làm việc, với 2 thông điệp chính được nhấn mạnh. 

Thứ nhất, các ngân hàng nỗ lực tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất, chi phí cho vay, chia sẻ khó khăn, rủi ro, hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng và nền kinh tế trong bối cảnh rất khó khăn, thách thức hiện nay.

Thứ hai, các ngân hàng chủ động, tích cực hơn nữa trong tham gia các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là tín dụng phát triển nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp.

Nhấn mạnh quan điểm “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro”, cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ, các ngân hàng hoạt động trong một hệ sinh thái chung của nền kinh tế; đất nước có ổn định, phát triển, nhân dân có hạnh phúc, ấm no thì các ngân hàng mới phát triển bền vững. Người dân và doanh nghiệp là một phần quan trọng hệ sinh thái của ngành Ngân hàng.

“Chúng ta không thể sống một mình, đi một mình, người ta nói là muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Các ngân hàng tồn tại và phát triển được như ngày nay nhờ nỗ lực nội tại là chính, nhưng cũng nhờ đất nước ta bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác, ổn định và phát triển, thực hiện đường lối hội nhập và đối ngoại đúng đắn, phù hợp, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Ngược lại, nếu nền kinh tế không ổn định, phát triển, đời sống người dân không được bảo đảm, thì các ngân hàng cũng không đang tâm, không yên tâm và khó có thể phát triển”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng giao NHNN xây dựng cơ chế, chính sách để các ngân hàng tự nguyện, tự giác tham gia, thực hiện những đề nghị và kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, trên tinh thần phát huy đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và tình cảm với quê hương, đất nước, nhân dân, bảo đảm thực hiện một cách bài bản, thống nhất, hiệu quả, người dân, doanh nghiệp và đất nước được thụ hưởng, không ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô, lan tỏa tinh thần nhân văn cao cả tới toàn xã hội.

 

thu tuong keu goi cac ngan hang tiep tuc chia se kho khan cung dn nguoi dan va nen kinh te

Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú báo cáo tình hình hoạt động của ngành Ngân hàng

Tại cuộc gặp, đại diện các NHTM bày tỏ ủng hộ, nhất trí cao với các phát biểu của Thủ tướng và khẳng định sẽ nỗ lực, tích cực góp phần thực hiện các đề nghị này của Người đứng đầu Chính phủ, đồng thời nêu một số đề xuất, kiến nghị để hệ thống ngân hàng hoạt động và phát triển vững mạnh, an toàn, ổn định.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho biết, chủ trương của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển ngành Ngân hàng đi kèm với hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp là một chủ trương rất đúng. Bản thân các ngân hàng nhận thức vấn đề này như một trách nhiệm đi kèm với hoạt động kinh doanh của mình. Thực tế, các ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt là nhờ vào chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và nhờ vào sự phục hồi kinh tế nhanh chóng cuối năm ngoái và đầu năm nay, nếu kinh tế không phục hồi thì ngân hàng cũng không thể hoạt động hiệu quả và ngược lại, nếu ngân hàng hoạt động tốt thì cũng là một tiền đề tốt cho sự phục hồi của nền kinh tế trong thời gian tới.

Đại diện ngân hàng cho biết luôn gắn mình với sức khỏe của nền kinh tế và người dân, đều đã tham gia tích cực vào sự hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong thời gian qua và sẽ tiếp tục thực hiện tốt.

 

thu tuong keu goi cac ngan hang tiep tuc chia se kho khan cung dn nguoi dan va nen kinh te

Quang cảnh buổi làm việc

Trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết ngành Ngân hàng trong đó có Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ tiến hành họp bàn, mỗi ngân hàng có đặc thù khác nhau và cách thức hỗ trợ khác nhau nhưng sẽ có báo cáo của các ngân hàng đăng ký tham gia. Thống đốc cũng đề nghị lãnh đạo các ngân hàng tích cực triển khai, “nói đi đôi với làm” trong thời gian tới.

Trích nguồn

Bài: Quỳnh Trang, ảnh: Đức Khanh

05/08/2022
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368