024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Chuẩn hóa kiểm soát rủi ro quỹ tín dụng

 

chuan hoa kiem soat rui ro quy tin dung

Kiểm soát rủi ro quỹ tín dụng (Ảnh minh họa)

NHNN đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo Thông tư quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng là hợp tác xã, gồm Ngân hàng Hợp tác xã và các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND).

Trong đó, ban soạn thảo bổ sung nhiều quy định liên quan đến xếp hạng tín dụng nội bộ, cấp tín dụng và quản lý nhóm nợ. Đồng thời yêu cầu cao hơn trong việc ứng dụng công nghệ số để kiểm soát rủi ro.

TS. Lê Hà Diễm Chi - giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM - người có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến hoạt động quản lý rủi ro tại các QTDND cho rằng, việc NHNN bổ sung các quy định nêu trên sẽ khiến hệ thống tín dụng hợp tác xã tránh những nguy cơ phát sinh nợ xấu.

Theo TS. Chi, hệ thống QTDND với quy mô gần 1.200 đơn vị, một phần của tài chính vi mô có đóng góp quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, hoạt động quản trị rủi ro ở nhiều QTDND vẫn chưa được chú trọng.

Thống kê trong giai đoạn 2018-2021 số QTDND bị rơi vào trạng thái kiểm soát đặc biệt do yếu kém trong quản trị tăng lên hàng năm (từ mức 2% lên 2,5%). Điều này cho thấy nhu cầu bổ sung pháp lý để quản lý chặt chẽ hơn rủi ro tại các QTDND là vô cùng cần thiết.

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết, hiện nay đối với các TCTD không phải là hợp tác xã, NHNN đã có Thông tư 11/2021/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, hệ thống QTDND vẫn áp dụng những văn bản pháp lý cũ, như Thông tư số 21/2019/TT-NHNN ngày 14/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về Ngân hàng Hợp tác xã, QTDND và quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020).

Vì vậy, để thống nhất trong quá trình thực hiện, các khái niệm về khoản nợ, nợ xấu, nợ quá hạn, mức trích lập và việc sử dụng dự phòng rủi ro, việc xây dựng dự thảo Thông tư cần được tham chiếu Thông tư 11/2021/TT-NHNN để điều chỉnh cho phù hợp.

Bên cạnh đó, để đảm bảo quản lý tốt hơn chất lượng tín dụng, dự thảo Thông tư quy định: các QTDND có tổng tài sản từ 500 tỷ đồng trở lên phải xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để xếp hạng khách hàng.

Song song đó, các QTDND cũng cần ban hành quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý nợ. Trong đó, các quy định về điều kiện, hạn mức cấp tín dụng, hồ sơ, trình tự, thủ tục, quy trình thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng, quản lý nợ… đều phải được thể hiện rõ ràng.

Theo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, các quy định chặt chẽ này sẽ nâng cao năng lực về quản trị rủi ro của TCTD là hợp tác xã, QTDND phù hợp với định hướng về phát triển hệ thống QTDND theo Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND và Quyết định 209/QĐ-NHNN phê duyệt Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” của NHNN.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội QTDND cho rằng, thời gian qua, các quy trình về kiểm soát, kiểm toán nội bộ đã được các QTDND xây dựng và thực hiện theo đúng hướng dẫn của NHNN. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số QTDND có biểu hiện chạy theo lợi nhuận (QTDND mô hình tương trợ giữa các thành viên), các quy chuẩn về kiểm soát, kiểm toán nội bộ chưa được coi trọng; quy trình thủ tục và quan điểm lãnh đạo của QTDND về tầm quan trọng của hoạt động kiểm soát, kiểm toán nội bộ vẫn còn khác nhau giữa các QTDND.

Do đó, nếu NHNN ban hành Thông tư mới bổ sung các quy định về quản lý rủi ro tín dụng và các quy chuẩn xếp hạng tín dụng khách hàng; quy định về trích lập dự phòng; cũng như yêu cầu các QTDND tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý rủi ro sẽ khiến hệ thống QTDND tiếp cận gần hơn với các NHTM và các loại hình TCTD khác trong quản trị vốn, quản lý chất lượng tín dụng và chuyển đổi, số hóa hệ thống dữ liệu.

Trong thời gian tới, khi NHNN tiếp tục hoàn thiện pháp lý đối với hoạt động của các QTDND thì các rủi ro liên quan đến kiểm soát nội bộ, quản lý chất lượng tín dụng sẽ ngày càng chặt chẽ và thống nhất hơn. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống QTDND, Ngân hàng Hợp tác xã, trở thành kênh dẫn vốn gần gũi, kịp thời đáp ứng nhu cầu tín dụng vi mô ở các địa phương, nhất là các khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Trích nguồn

Đỗ Cường

16/11/2022
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368