024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Bảo vệ người gửi tiền là động lực để sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi

 

bao ve nguoi gui tien la dong luc de sua doi luat bao hiem tien gui

Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đảm bảo tối đa quyền lợi của người gửi tiền.

Chính sách bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam đã có quá trình triển khai từ hơn 20 năm nay. Khuôn khổ pháp lý cao nhất quy định về hoạt động bảo hiểm tiền gửi đã được nâng cấp từ Nghị định lên thành Luật vào năm 2012, và mới đây, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cho biết đang tổng hợp, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Luật Bảo hiểm tiền gửi - khuôn khổ pháp lý nhằm bảo vệ người gửi tiền

Luật Bảo hiểm tiền gửi (Luật số 06/2012/QH13) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Đây là lần đầu tiên chính sách bảo hiểm tiền gửi được luật hóa. Trước năm 2012, khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam mới tới mức Nghị định của Chính phủ.

Luật Bảo hiểm tiền gửi ra đời đã quy định đầy đủ các nội dung về hoạt động bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam, xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, người được bảo hiểm tiền gửi, quy định cụ thể về tiền gửi được bảo hiểm, thời điểm chi trả bảo hiểm… qua đó góp phần nâng cao hiệu quả bảo hiểm tiền gửi, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền.

Sau khi Luật Bảo hiểm tiền gửi được Quốc hội thông qua, các văn bản hướng dẫn thi hành cũng nhanh chóng được các cơ quan chức năng ban hành. Nhờ vậy, các quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực.

Thực hiện quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi, 100% tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm tiền gửi đều đã tham gia và nộp phí đầy đủ. Các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đều được cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi và bản sao chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi để niêm yết tại điểm giao dịch theo quy định.

Với quy định về người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân có tiền gửi tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, Luật Bảo hiểm tiền gửi đã hướng tới bảo vệ cho đa số người gửi tiền quy mô nhỏ, hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin về hoạt động tài chính, ngân hàng, đồng thời phù hợp với năng lực thực thi của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam.

Luật Bảo hiểm tiền gửi đã quy định rõ tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam, phù hợp và bám sát với chính sách ngoại hối của Việt Nam trong thời gian qua. Việc quy định về một số loại tiền gửi không được bảo hiểm đối với cá nhân có quyền lợi trực tiếp liên quan đến hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đã nâng cao trách nhiệm của những cá nhân này, góp phần hạn chế rủi ro đạo đức.

Một trong những nội dung quan trọng được Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định là hạn mức trả tiền bảo hiểm. Đây là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi của người gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.

Hạn mức trả tiền bảo hiểm đóng vai trò quan trọng, gắn bó thiết yếu tới quyền lợi của người gửi tiền. Luật Bảo hiểm tiền gửi không ấn định hạn mức cụ thể mà trao thẩm quyền quy định hạn mức bảo hiểm tiền gửi cho Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo yếu tố linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ.

Từ sau khi Luật Bảo hiểm tiền gửi được ban hành, hạn mức trả tiền bảo hiểm đã trải qua 2 lần thay đổi: từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng, áp dụng từ ngày 5/8/2017 với khả năng bảo vệ toàn bộ đối với hơn 87% người gửi tiền trong toàn hệ thống; và tăng từ 75 triệu đồng lên 125 triệu đồng, có hiệu lực từ ngày 12/12/2021, có khả năng bảo vệ toàn bộ đối với khoảng 91% người gửi tiền trong toàn hệ thống.

Đối với việc trả tiền bảo hiểm tiền gửi, từ sau thời điểm Luật Bảo hiểm tiền gửi có hiệu lực, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền tại 01 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi: Qũy tín dụng nhân dân Trần Cao (Hưng Yên) vào tháng 11/2013. Đáng chú ý, từ năm 2013 tới nay, số lượng tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị đổ vỡ đã giảm mạnh so với giai đoạn trước đó, thể hiện vai trò quan trọng của Luật Bảo hiểm tiền gửi cũng như những nỗ lực của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam trong việc triển khai Luật, góp phần giữ an toàn hệ thống.

Ông Vũ Văn Long, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam chia sẻ, với tư cách là tổ chức được giao nhiệm vụ làm đầu mối trực tiếp triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã thực hiện tổng thể nhiều biện pháp nhằm bảo vệ người gửi tiền.

Trong điều kiện bình thường, tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo sát quá trình thành lập, hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi gặp vấn đề, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam tham gia kiểm soát đặc biệt cũng như hỗ trợ quá trình phục hồi. Khi tình huống xấu xảy ra, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi không thể trở lại hoạt động bình thường, chính sách bảo hiểm tiền gửi đóng vai trò như một tấm đệm giảm chấn, hạn chế những tổn thất mà người gửi tiền có thể gặp phải, hoàn trả số tiền bảo hiểm theo hạn mức được Thủ tướng Chính phủ quy định.

Người gửi tiền cần được coi là trung tâm

Theo thông tin từ Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, hiện nay, cơ quan này đang chủ động, tích cực tổng kết quá trình thực thi Luật Bảo hiểm tiền gửi trong 10 năm qua, xác định những khó khăn, vướng mắc để đề xuất sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

 

bao ve nguoi gui tien la dong luc de sua doi luat bao hiem tien gui

Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam Vũ Văn Long khẳng định, từ trước khi có Luật tới khi Luật Bảo hiểm tiền gửi được ban hành tới nay, chính sách bảo hiểm tiền gửi luôn thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng, Chính phủ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Do đó, trong quá trình nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam luôn coi người gửi tiền là một trong những đối tượng trung tâm. Các nội dung sửa đổi cần hướng tới đảm bảo tối đa quyền lợi của người gửi tiền.

Theo đó, một số vướng mắc đã bộc lộ trong quá trình triển khai Luật Bảo hiểm tiền gửi thời gian vừa qua cũng như những trở ngại, hạn chế tiềm ẩn sẽ được xác định. Luật Bảo hiểm tiền gửi sửa đổi, bổ sung cần phù hợp với thực tiễn hoạt động, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm kiến tạo hành lang thông thoáng cho việc triển khai hữu hiệu chính sách bảo hiểm tiền gửi.

Trong tương quan với các Luật có liên quan như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD, Luật Phá sản… Luật Bảo hiểm tiền gửi sửa đổi, bổ sung sẽ đồng bộ hóa để thống nhất về mặt quy định cũng như trách nhiệm, trình tự, thủ tục thực hiện. 

Bên cạnh đó, cần nâng cao vị thế, vai trò của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam để tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi cần được trao thêm các công cụ nhằm hỗ trợ cho quá trình phục hồi của TCTD gặp vấn đề, cũng như các công cụ xử lý có trật tự khi TCTD không thể phục hồi.

Như vậy, quyền lợi của người gửi tiền không bị ảnh hưởng, đồng thời tổ chức bảo hiểm tiền gửi hạn chế được rủi ro, tổn thất về mặt tài chính, giảm thiệt hại đối với nền kinh tế nói chung. Phương án phá sản TCTD chỉ là phương án cuối cùng khi không thể áp dụng biện pháp nào khác, khi đó Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam sẽ đứng ra chi trả cho người gửi tiền theo hạn mức quy định.

Có thể nói, thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi, người gửi tiền sẽ được gia tăng các “lớp bảo vệ” nhằm giảm chấn, giảm tổn thương ngay cả khi xảy ra những diễn biến bất lợi đối với tổ chức tín dụng.

Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi sẽ củng cố cơ sở pháp lý, khai thông vướng mắc để Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và sự phát triển an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng.

Trích nguồn

Ninh Cơ

23/11/2022
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368