024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế trong giai đoạn hậu dịch Covid – 19.

 

Giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế trong giai đoạn hậu dịch Covid – 19

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Khó khăn lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu cũng như nền kinh tế Việt Nam hiện nay là bị ảnh hưởng sâu rộng của dịch Covid-19.

Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới tăng trưởng âm và GDP của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 cũng tăng trưởng thấp. Nhiều giải pháp của Chính phủ đã được đưa ra nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó, có thể kể đến các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và mở rộng vốn tín dụng ngân hàng an toàn, hiệu quả.

Bối cảnh kinh tế và động thái điều hành của Chính phủ

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu công bố ngày 24/6/2020 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế toàn cầu ước giảm 4,9% trong năm 2020. Nếu con số trên thành hiện thực thì đây là mức suy giảm tệ nhất của kinh tế thế giới kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục hội nhập sâu rộng với cộng đồng khu vực và thế giới, kinh tế toàn cầu suy giảm tác động lớn đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam. Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó tập trung các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và mở rộng vốn tín dụng ngân hàng an toàn, hiệu quả.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19...

Các bộ ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt, kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, biện pháp điều hành nói trên. Các giải pháp huy động vốn cho nền kinh tế đã được triển khai tích cực. Tuy nhiên, đến hết tháng 6/2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức thấp, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt được kỳ vọng và tín dụng ngân hàng đối với nền kinh tế tăng rất thấp so với mục tiêu của cả năm.

Tình hình tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng vốn

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2020 Việt Nam chỉ đạt mức tăng 1,81%, đây là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%; khu vực dịch vụ tăng 0,57%.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 19/6/2020, tổng phương tiện thanh toán đối với nền kinh tế tăng 4,59% so với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,05%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 4,35% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,09%). Trong khi đó, tăng trưởng dư nợ tín dụng của hệ thống TCTD đối với toàn nền kinh tế đạt 2,45% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,22%) và đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất nếu so với cùng thời kỳ giai đoạn 2016-2019.

Tín dụng tăng trưởng chậm là điều phải chấp nhận trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, khi mà nhiều doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hệ thống ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay do lo ngại nợ xấu.

Trong khi đó, theo số liệu của Kho bạc Nhà nước (KBNN), tính đến ngày 15/6/2020, lũy kế giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản của toàn bộ nền kinh tế qua KBNN thuộc kế hoạch năm 2020 đạt hơn 135.809 tỷ đồng, bằng 30,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN. So với cùng kỳ năm 2019, số lượng vốn giải ngân đã tăng hơn 41.502 tỷ đồng về giá trị, tăng 4% về tỷ lệ so với kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước giải ngân là 128.726 tỷ đồng, bằng 32,8% kế hoạch; vốn ngoài nước kiểm soát, xác nhận qua KBNN làm cơ sở rút vốn ngoài nước là hơn 7.083 tỷ đồng, bằng 12,5% kế hoạch.

Giải ngân vốn đầu tư qua KBNN thuộc kế hoạch năm 2019 kéo dài sang năm 2020 là hơn 13.407,5 tỷ đồng/81.931,59 tỷ đồng, đạt 16,4% kế hoạch vốn năm 2019 chuyển sang năm 2020 được xác nhận chuyển nguồn qua hệ thống KBNN. Đến ngày 30/6/2020, lũy kế vốn đầu tư giải ngân thuộc kế hoạch năm 2020 là hơn 153.676 tỷ đồng, đạt 34,2% kế hoạch, so với cùng kỳ năm 2019, tăng hơn 46.526 tỷ đồng về giá trị, tăng 4,4% về tỷ lệ so với kế hoạch vốn. Trong đó, vốn trong nước giải ngân tính đến hết tháng 6/2020 đạt hơn 145.513 tỷ đồng, bằng 37% kế hoạch giao kiểm soát chi qua KBNN.

Theo kế hoạch vốn năm 2020 Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN là 449.525 tỷ đồng (không bao gồm vốn cấp thẳng qua Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, phần cấp bù lãi suất qua Ngân hàng Phát triển; Ngân hàng Chính sách và phần vốn điều lệ cấp qua Vụ Tài chính ngân hàng là 21.075 tỷ đồng). Như vậy, với kế hoạch giải ngân vốn đầu tư nói trên, thì kết quả đạt được hết tháng 6/2020 còn quá thấp so với chỉ tiêu của cả năm. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn của ngành Ngân hàng

Từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1,0-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng TCTD, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN; giảm 0,6-0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên trợ, hiện ở mức 5,0%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân. Theo đó, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm so với đầu năm.

Về điều hành tỷ giá, mặc dù thị trường quốc tế diễn biến phức tạp nhưng tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước ổn định, thanh khoản thông suốt, TCTD mua ròng từ khách hàng, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Về triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do dịch Covid -19 gây ra, sau hơn 2 tháng triển khai quyết liệt, tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ. Tính đến ngày 22/6/2020, tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 258.000 khách hàng với dư nợ gần 177.000 tỷ đồng.

Các TCTD đã miễn, giảm lãi suất cho hơn 421.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,26 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đạt 1,13 triệu tỷ đồng cho hơn 238.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5- 2,5% so với trước dịch. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 154.000 khách hàng với dư nợ hơn 3.875 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75.000 khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 1 triệu khách hàng với dư nợ gần 39.000 tỷ đồng...

Ngoài ra, toàn hệ thống Ngân hàng cũng đã tích cực trong việc miễn, giảm phí một số dịch vụ thanh toán để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19. Ước tính, tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng.

Để hạn chế rủi ro nợ xấu phát sinh ở ngân hàng do ánh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian qua, các ngân hàng tiếp tục kiểm soát cho vay chặt chẽ. Theo đánh giá sơ bộ, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng với dịch Covid-19 đã lên tới 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.

Trong giai đoạn hiện nay, lãi suất liên ngân hàng tuần qua tiếp tục giảm ở các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần, lần lượt là - 0,07%; - 0,13% và - 0,20%, đưa lãi suất các kỳ hạn tiếp tục xuống mức thấp, lần lượt là 0,18%/năm, 0,26%/năm và 0,39%/năm. So với thời điểm cuối tháng 3/2020, lãi suất mà các NHTM vay mượn nhau qua đêm đã giảm gần 400 điểm. Điều đó cho thấy, thanh khoản của hệ thống TCTD đang rất dồi dào, đây cũng là điều kiện để giảm lãi suất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.

Huy động vốn cho đầu tư công

Vốn đầu tư công có tỷ trọng lớn là từ phát hành trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước (KBNN) thực hiện theo kế hoạch. Tính từ đầu năm 2020 đến cuối tháng 6/2020, KBNN đã huy động được 84.587 tỷ đồng trái phiếu chính phủ thông qua hình thức đấu thầu, với lãi suất có xu hướng giảm, tiết kiệm cho chi phí của ngân sách nhà nước và thời hạn ngày càng dài, tạo điều kiện thuận lợi cân đối ngân sách nhà nước.

Tại phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ do KBNN phát hành diễn ra gần đây tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có tổng khối lượng gọi thầu 8.500 tỷ đồng tại các kỳ hạn 5, 10, 15 và 20 năm. Kết quả, phiên đấu thầu đã huy động được tổng cộng 10.480 tỷ đồng. Trái phiếu kỳ hạn 5 năm gọi thầu 1.500 tỷ đồng, huy động được 130 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 1,95%/năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 17/6/2020). Trái phiếu kỳ hạn 10 năm gọi thầu 4.000 tỷ đồng, huy động được 4.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 2,98%/năm, thấp hơn 0,02%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 17/6/2020).

Phiên thầu phụ trái phiếu kỳ hạn 10 năm huy động được thêm 2.000 tỷ đồng. Trái phiếu kỳ hạn 15 năm gọi thầu 2.500 tỷ đồng, huy động được 2.350 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 3,15%/năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 17/6/2020). Phiên thầu phụ trái phiếu kỳ hạn 15 năm huy động được thêm 1.250 tỷ đồng. Trái phiếu kỳ hạn 20 năm gọi thầu 500 tỷ đồng, huy động được 500 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 3,42%/năm, thấp hơn 0,03%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 17/6/2020). Phiên thầu phụ trái phiếu kỳ hạn 20 năm huy động được thêm 250 tỷ đồng.

Một số đề xuất, khuyến nghị

Như vậy, có thể khẳng định, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức hấp thu vốn tín dụng và vốn đầu tư công của nền kinh tế Việt Nam có rất nhiều khó khăn. Để góp phần mở rộng tín dụng an toàn và giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch đối với nền kinh tế giai đoạn hậu Covid-19, tác giả bài viết đề xuất một số khuyến nghị, cụ thể:

Một là, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của dịch Covid-19; quyết liệt trong giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn các thủ tục về chọn nhà thầu cũng như thanh quyết toán vốn đầu tư công.

Hai là, NHNN tiếp tục chủ động và linh hoạt trong điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng đối với một số NHTM đảm bảo cho vay an toàn, nghiên cứu sẽ tiến tới bỏ hạn mức tín dụng vào thời điểm phù hợp đối với các NHTM đã đáp ứng được tiêu chuẩn Basel II, có tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Ba là, các NHTM tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng đến các lĩnh vực ưu tiên, như xuất khẩu, nông nghiệp – nông thôn, DNNVV; tiếp tục rà soát các quy định nội bộ liên quan đến hoạt động cho vay, đẩy mạnh phát hành trái phiếu huy động vốn trung dài hạn đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định, phát triển dịch vụ tiện ích, tăng nguồn thu từ dịch vụ phi tín dụng và có điều kiện giảm lãi suất cho vay vốn.

Bốn là, các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc, hỗ trợ các TCTD xử lý nợ xấu có hiệu quả, hỗ trợ mở rộng vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội an toàn và đúng đối tượng, hướng dòng vốn tín dụng của các NHTM đến các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020;

2. Chính phủ, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020;

3. Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19;

4. Chính phủ, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trích nguồn

TS. Bùi Hồng Điệp - Khoa Tài chính Kế toán - Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh

03/12/2020
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368