024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Lấy lại đà cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

 

Lấy lại đà cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về cơ cấu lại DNNN để đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN. Ảnh: ST

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã đạt được những kết quả nhất định song cổ phần hóa DNNN vẫn trễ hẹn so với mục tiêu đề ra. Để đẩy mạnh cổ phần hóa, cần đổi mới cách thức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn DNNN trong thời gian tới.

Cổ phần hóa được 180 doanh nghiệp

Về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, số liệu của Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho thấy, lũy kế giai đoạn 2016 – 2020, đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 180 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đạt 30% kế hoạch). Số doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa theo kế hoạch là 89 doanh nghiệp, trong đó những đơn vị còn nhiều đơn vị lớn như: Hà Nội, TPHCM, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Xây dựng.

Để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn thời gian tới, Bộ Tài chính đã đề ra nhiều giải pháp như: Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 - 2025; Xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của giai đoạn 2011- 2020; Tiếp tục đẩy mạnh, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại các DNNN theo hình thức chủ yếu là cổ phần hóa, thoái vốn các DNNN, đảm bảo công khai, minh bạch, đem lại hiệu quả cao nhất cho nhà nước; Củng cố mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cơ cấu lại của các DNNN...

Đối với thoái vốn, lũy kế tổng số thoái vốn giai đoạn 2016 – 2020 đã thoái 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng, gấp 6,5 lần giá trị sổ sách, (cao hơn so với giai đoạn 2011 – 2015 cả về giá trị và hiệu quả thoái vốn), trong đó bao gồm số thoái vốn của SCIC tại 136 doanh nghiệp (giá vốn 6.758 tỷ đồng, thu về 37.185 tỷ đồng). Có nhiều thương vụ thoái vốn đạt hiệu quả cao như SCIC thoái vốn tại Vinamilk, Bộ Công Thương thoái vốn tại Sabeco. Riêng trong tháng 1/2021 đã thu về 2.100 tỷ đồng từ thoái vốn.

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, trong giai đoạn 2016-2020, hệ thống các cơ chế chính sách pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN đã được ban hành đầy đủ, đồng thời tiếp tục được ban hành, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, đảm bảo chặt chẽ hơn, công khai minh bạch. Cả giai đoạn 2016 – 2020, các bộ, ngành đã xây dựng, trình Chính phủ đã ban hành 30 Nghị định, 3 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 Quyết định, các bộ đã ban hành 19 Thông tư về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN.

Tuy nhiên, những tồn tại liên quan đến cơ chế chính sách vẫn là rào cản làm chậm tiến trình cổ phần hóa. Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, một số cơ chế, chính sách là nhiệm vụ trong giai đoạn 2016 – 2020 được ban hành, sửa đổi, hoàn thiện theo hướng chặt chẽ hơn, đảm bảo đầy đủ thủ tục, cơ sở pháp lý, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai khi cổ phần hóa, thoái vốn, do đó việc rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục mất nhiều thời gian do lịch sử pháp lý đất đai phức tạp. Chưa kể, đa số các DN không chủ động triển khai các chính sách của nhà nước, đến khi phải thực hiện cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành, song các văn bản hướng dẫn thi hành Luật còn bất cập, chưa cụ thể nên ảnh hưởng đến việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công...

Về nguyên nhân cổ phần hóa chậm, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và DNNN chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện; chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập.

Cần có danh sách ưu tiên cổ phần hóa

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, để đẩy nhanh cổ phần hóa trong giai đoạn 2021 -2025, điều quan trọng trước hết là mỗi bộ, ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ cần phải xem xét danh sách ưu tiên cổ phần hóa, cụ thể là DN nào nên đẩy mạnh cổ phần hóa trong từng thời kỳ, có lộ trình, bước công việc cụ thể cho quá trình cổ phần hóa các DN, từ đó có sự chỉ đạo tập trung trong cổ phần hóa, thoái vốn ở các DN này. Có như vậy mới tập trung được lực lượng để thẩm định, kiểm tra, giám sát, tránh sơ suất do định giá và các vấn đề khác làm ảnh hưởng. “Bên cạnh đó, phải quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành đối với việc cổ phần hóa các DN trong ngành. Đối với các DN đã được đưa vào danh sách cổ phần hóa, có lịch trình, thời gian thì phải quy trách nhiệm cho lãnh đạo DN. Nếu không thực hiện được lịch trình quy định thì phải cụ thể trách nhiệm về sự chậm trễ này”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh đề xuất.

Về định hướng cơ cấu lại DNNN thời gian tới, ông Nguyễn Hồng Long cho rằng, cần đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn; nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng vốn DNNN. Thu hẹp diện doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, chỉ giữ mô hình công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước đối với một số DNNN thuần túy cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích và khó thu hút đầu tư bên ngoài. Đồng thời, đổi mới cách thức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, nhất là các biện pháp liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu và giá trị truyền thống của doanh nghiệp cổ phần hóa.

Trích nguồn

Hoài Anh

04/03/2021
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368