024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
NHNN sẽ giám sát việc giảm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

 

Trao đổi với báo chí chiều ngày 9/8 về các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) của ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: Từ nay đến cuối năm, bên cạnh yêu cầu các ngân hàng báo cáo thường xuyên kết quả, NHNN sẽ giám sát việc giảm lãi suất của các ngân hàng có thực chất không, số lượng giảm như thế nào, có thực hiện theo cam kết không. Việc triển khai quyết liệt giảm lãi suất thể hiện trách nhiệm cao đối với xã hội và thực hiện tinh thần của Thủ tướng Chính phủ trước sự cấp bách của nền kinh tế nói chung, DN nói riêng.

 

nhnn se giam sat viec giam lai suat ho tro nguoi dan doanh nghiep

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú trao đổi với báo chí về các giải pháp hỗ trợ người dân và DN của ngành Ngân hàng

Nền kinh tế nói chung, DN nói riêng đã và đang trải qua giai đoạn khó khăn dưới tác động phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Trong bối cảnh như vậy, ngành Ngân hàng đã có những giải pháp nào để chia sẻ, hỗ trợ người dân, DN, thưa Phó Thống đốc?

Phải nói rằng, tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng gay gắt diễn ra trên diện rộng tại 42 tỉnh, thành phố. Hiện rất nhiều tỉnh, thành đã và đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên đã tác động rất lớn đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các loại hình DN. Và khó khăn này cùng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra đồng thời các giải pháp tháo gỡ cũng được đề cập tới trong nhiều Nghị quyết, chương trình hành động để đạt được mục tiêu kép vừa chống dịch bảo vệ sức khoẻ người dân cũng như đảm bảo việc không để nền kinh tế bị giảm sút, gián đoạn.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần nỗ lực, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, để hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra.

Ngay từ khi có dịch Covid-19, một trong những giải pháp NHNN triển khai rất quyết liệt, đồng bộ đó là ban hành Thông tư 01 và sau đó là Thông tư 03 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nếu chỉ tính riêng khoản nợ đã được các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay khoảng gần 800 nghìn khách hàng với dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng. Mức độ hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi DN.

Mặc dù các giải pháp trên đã và đang phát huy hiệu quả nhưng nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro phát sinh từ dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trước thực trạng này, trong thời gian tới, NHNN điều chỉnh Thông tư 01, Thông tư 03 theo hướng rõ ràng hơn cả về thời điểm được cơ cấu cũng như kéo dài thời hạn được phép cơ cấu các khoản nợ cho các DN. Chính sách mới phù hợp với thực trạng, từng đối tượng, loại hình, ngành nghề DN khác nhau để đưa ra mức độ cơ cấu phù hợp.

Khi điều chỉnh chính sách này, NHNN muốn tính đến câu chuyện dài hơi hơn, không chỉ giảm bớt khó khăn trước mắt cho DN trong thời điểm giãn cách. Mà cả khi kết thúc giãn cách, DN có điều kiện để nhanh chóng phục hồi cùng với nền kinh tế. Chính vì thế, NHNN sẽ sửa lại hoặc ban hành Thông tư mới thay thế nhằm tạo sự rõ ràng, chủ động hơn, đồng thời khẳng định sự quyết liệt hỗ trợ DN, nền kinh tế của ngành Ngân hàng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, việc cơ cấu lại khoản nợ, lãi đến hạn mà DN khó khăn chưa trả được sẽ liên quan đến nguồn lực tài chính của các NHTM. Do vậy, những văn bản tháo gỡ khó khăn thông qua cơ cấu, tỷ lệ trích lập dự phòng… phải phù hợp đảm bảo hài hoà lợi ích chia sẻ khó khăn cho DN nhưng cũng không để cho các NHTM bị giảm sút năng lực tài chính. Từ đó, không ảnh hưởng đến sự ổn định của từng TCTD cũng như hệ thống ngân hàng trong tương lai cả ngắn hạn và trung hạn.

Thưa Phó Thống đốc, vào giữa tháng 7/2021 vừa qua, 16 NHTM lớn đã đồng thuận cam kết giảm lãi suất sau lời hiệu triệu của NHNN và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho thấy hệ thống ngân hàng luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn với DN?

Có thể nói, ngoài các biện pháp cơ cấu các khoản nợ, lãi đến hạn và không chuyển nhóm nợ thì việc giảm lãi suất cho vay là một trong những giải pháp thiết thực nhất, cụ thể nhất đối với DN lúc này. Thời gian qua, các ngân hàng đã tích cực giảm lãi trực tiếp, gián tiếp cho cả khoản vay cũ, mới. Thống kê sơ bộ kể từ khi dịch bùng phát năm 2020 đến nay, tổng số chi phí giảm lãi cho DN, nền kinh tế của các TCTD khoảng 18.830 tỷ đồng. Song, như đã nói ở trên, nền kinh tế đang đối mặt nhiều khó khăn trước tình trạng dịch căng thẳng nên nhiệm vụ đặt ra giảm lãi suất cho DN là rất căn cơ, thiết thực. Chính vì thế, NHNN đã chỉ đạo các NHTM trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm đồng hành cùng DN giảm tích cực hơn nữa lãi suất cho DN bằng 2 cách. Một là, tiết giảm chi phí hoạt động. Hai là, chia sẻ từ nguồn lợi nhuận.

Đành rằng ngân hàng cũng là DN nhưng trong lúc này trách nhiệm chia sẻ với DN, người dân là trách nhiệm chung của xã hội. Trên tinh thần đó, NHNN đã chỉ đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi 16 NHTM có quy mô lớn thống nhất đồng thuận cam kết giảm thêm khoảng 20.300 tỷ đồng lãi suất cho vay. Con số chi phí hỗ trợ thực tế tuỳ thuộc quy mô mỗi ngân hàng và từng đối tượng khách hàng. Đối tượng khách hàng nào khó khăn nhiều, giảm lãi suất nhiều, đối tượng nào ít thì giảm ít.

 

nhnn se giam sat viec giam lai suat ho tro nguoi dan doanh nghiep

Giảm lãi suất cho vay sẽ hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh

Nhưng quan điểm của NHNN đối với việc giảm lãi suất lần này rất quyết liệt, đảm bảo phải làm thật. Theo đó, từ nay đến cuối năm, bên cạnh yêu cầu các ngân hàng báo cáo thường xuyên kết quả, NHNN sẽ giám sát việc giảm lãi suất của các ngân hàng có thực chất không, số lượng giảm như thế nào, có thực hiện theo cam kết không. Việc triển khai quyết liệt giảm lãi suất thể hiện trách nhiệm cao đối với xã hội và thực hiện tinh thần của Thủ tướng Chính phủ trước sự cấp bách của nền kinh tế nói chung, DN nói riêng.

Gần đây nhất, thực hiện vai trò chủ đạo, 4 NHTM Nhà nước gồm VietinBank, Agribank, BIDV, Vietcombank mỗi ngân hàng đã cam kết và sẵn sàng dành thêm 1.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay đối với các DN, người dân tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch cũng như các tỉnh, thành phải thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… Đây là những giải pháp rất cụ thể thiết thực giúp vơi bớt khó khăn cho DN trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Bên cạnh giảm lãi suất, NHNN cũng đã và đang chỉ đạo các TCTD triển khai giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tiền tệ tín dụng khác cho DN. Ước tính tổng số phí mà các TCTD giảm cho khách hàng trong thời gian vừa qua khoảng 1.100 tỷ đồng. Thời gian tới, NHNN chỉ đạo các tổ chức trung gian thanh toán tiếp tục giảm phí tạo thuận lợi để các NHTM giảm thêm phí hỗ trợ cho khách hàng.

Gần đây, đã có những ý kiến đề xuất NHNN giảm thêm lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho ngân hàng có thêm nguồn lực hỗ trợ người dân, DN. Quan điểm của NHNN đối với vấn đề này như thế nào, thưa Phó Thống đốc?

NHNN luôn cân nhắc và tính toán khi nào điều kiện chín muồi để thực hiện giảm lãi suất điều hành hay là có sự thay đổi đối với các công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Bởi khi đưa ra quyết định thay đổi không chỉ theo ý chí chủ quan của nhà điều hành mà phụ thuộc vào tính khách quan của nền kinh tế. Cụ thể ở đây, để đưa ra mức độ điều chỉnh, thời điểm nào phải được tính toán dựa trên yêu cầu của thực tiễn mà trước hết phải đảm bảo được những yêu cầu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Tiếp nữa đảm bảo ổn định vĩ mô, hài hòa lợi ích DN, người dân, hoạt động của ngân hàng để đảm bảo sự ổn định tài chính của NHTM.

Trong năm 2020, NHNN đã 3 lần thực hiện giảm lãi suất điều hành. Đến thời điểm hiện nay, nhìn chung mặt bằng lãi suất vẫn đang ổn định, tương đối phù hợp với diễn biến thực tế. Việc duy trì lãi suất tiền gửi như hiện nay để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.

Hơn nữa trong điều kiện thực tế hiện nay, vốn khả dụng của các NHTM, hay đúng hơn thanh khoản của các NHTM rất dồi dào thể hiện qua lãi suất thị trường liên ngân hàng đang ở mức thấp. Chưa kể, cầu tín dụng của nền kinh tế chưa tăng cao trong thời điểm giãn cách xã hội. Do đó, NHNN nhận thấy việc giảm hệ thống lãi suất điều hành chưa thích hợp.

NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu theo dõi rất chặt chẽ để khi nào công cụ lãi suất điều hành phát huy tác dụng thì NHNN sẽ có điều chỉnh kịp thời. Quan điểm xuyên suốt của NHNN điều hành lãi suất hợp lý theo hướng tạo điều kiện cho DN, người dân khắc phục khó khăn trước mắt, vừa có tính ổn định để nhanh chóng phục hồi sau khi kết thúc dịch. Bên cạnh đó, NHNN vẫn luôn quan tâm đề phòng đảm bảo các giải pháp điều hành hài hòa với yếu tố lạm phát. Do đó, giải pháp ưu tiên là tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cũng như đảm bảo sự ổn định của tỷ giá, lãi suất.

Một trong những gói hỗ trợ đang được tích cực triển khai hỗ trợ người dân, DN đang gặp khó khăn đó là gói hỗ trợ an sinh xã hội 26 nghìn tỷ đồng. Phó Thống đốc có thể cho biết ngành Ngân hàng đã tham gia triển khai gói hỗ trợ này ra sao?

Rút kinh nghiệm từ gói 62 nghìn tỷ đồng, gói hỗ trợ lần này đã đi vào cuộc sống khẩn trương hơn, quyết liệt hơn. Ở góc độ của ngành Ngân hàng, NHNN theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai quyết liệt với tinh thần vướng mắc đến đâu tháo gỡ đến đó. Từ khi hoàn thiện cơ chế đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân khá tích cực được khoảng 150 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do đây là chính sách ưu tiên, ưu đãi nên vẫn phải đảm bảo nguyên tắc tránh lợi dụng chính sách. Do đó, phía ngành Ngân hàng rất mong có sự phối hợp của các bộ ngành, nhất là chính quyền địa phương, để đảm bảo giải ngân đúng đối tượng hiệu quả.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc Thường trực!

Nhóm phóng viên thực hiện

10/08/2021
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368