024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Công khai, minh bạch trong xác định giá trị doanh nghiệp

 

Thời gian qua, quá trình cổ phần hóa (CPH) tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, những tồn tại, vướng mắc trong vấn đề xác định giá trị DN đã gây cản trở cho tiến trình CPH thời gian gần đây. Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với LS. Bùi Quang Nghiêm - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Nghiêm & Chính xung quanh vấn đề này.

cong khai minh bach trong xac dinh gia tri doanh nghiep
LS. Bùi Quang Nghiêm

Việc xác định giá trị DN là yếu tố vô cùng quan trọng đối với quá trình CPH. Vậy, làm thế nào để xác định giá trị của DN một cách chính xác, thưa luật sư?

Trước tiên, có thể khẳng định cả về mặt lý thuyết cũng như trên thực tế, rất khó để xác định giá trị của DN một cách chính xác bởi các yếu tố làm cơ sở cho việc định giá như lãi suất, triển vọng kinh doanh và lợi nhuận DN… luôn biến động theo thời gian và phải ước tính, dự báo. Hơn nữa, giá bán vốn CPH của Nhà nước còn phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế vĩ mô cũng như thị trường chứng khoán.

Đơn cử, đối với những DN niêm yết trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu là dữ liệu quan trọng để đánh giá DN có đáng đầu tư hay không tại thời điểm nhất định. Còn xét về đầu tư dài hạn, giá trị DN được đánh giá thông qua các giá trị cốt lõi như tình hình tài chính, lợi nhuận, doanh thu, thương hiệu…

Tuy nhiên, giá cổ phiếu luôn biến động theo từng phiên giao dịch, thậm chí là từng giờ, từng phút. Trong khi giá trị DN cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố đã nêu trên, nên giá trị của DN không phải bất biến mà luôn thay đổi, phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan của cơ chế chính sách, tác động của kinh tế vĩ mô… Thậm chí là niềm tin của bên muốn mua, bên cần bán cổ phần của DN tại thời điểm xác lập giao dịch, mua bán. Như vậy, rõ ràng giá trị DN chỉ có thể xác định mang tính chất tương đối, rất khó có thể chính xác hoàn toàn bởi các yếu tố là cơ sở để xác định luôn có sự thay đổi, biến động.

Vậy, phải chăng chính vì điều này đã dẫn đến hệ quả thời gian qua việc định giá giá trị DN khi tiến hành CPH còn chưa chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế và phải xác định lại sau kiểm toán, từ đó gây nên thất thoát và thậm chí nhiều vụ việc đã bị xử lý hình sự, thưa ông?

Muốn xác định giá trị DN một cách tương đối chính xác, sát với giá trị thực tế, sát với giá thị trường khi CPH nhằm tránh gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước chỉ có một cách là đem tài sản bán trên thị trường niêm yết hoặc đấu giá công khai.

Theo lý thuyết kinh tế có 4 phương pháp xác định giá trị DN là dựa trên giá trị tài sản; chiết khấu dòng tiền thông qua tổng doanh thu có thể đem lại, dòng tiền ra vào; khả năng sinh ra lợi nhuận và căn cứ theo giá cả thị trường thông qua giao dịch, mua bán công khai “thuận mua, vừa bán” sẽ hình thành, xác định được giá trị thực của DN.

Khi CPH phải xác định được tất cả các yếu tố như tài sản hiện có, doanh số bán ra, lợi nhuận thu về… tại thời điểm gần nhất để xác định một cách tương đối chính xác giá trị DN. Song quan trọng để có thể ấn định được mức giá rao bán vẫn phải đem ra đấu giá công khai làm cơ sở định đoạt giá trị tài sản Nhà nước, minh bạch tất cả tài sản mà DNNN đang sở hữu, cả tài sản hữu hình, bao gồm đất đai và tài sản vô hình như thương hiệu, văn hóa... để hình thành lên giá trị của một DN.

Còn đối với tình trạng xác định giá trị DN chưa chính xác, thấp hơn giá trị thực tế, gây nên lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước chủ yếu là do yếu tố từ con người quản lý, tham gia vào quá trình định giá chưa làm tròn trách nhiệm, thậm chí xuất phát từ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, không muốn công khai, minh bạch, tính đúng, tính đủ giá trị của DN nhằm đạt được những mục đích khác, dẫn đến không ít trường hợp đã gây hậu quả nghiêm trọng, phải đem ra xử lý hình sự sau khi kiểm toán vào cuộc xác định lại giá trị của DN. Vì vậy, phải kiểm soát chặt chẽ hành vi của những người có quyền tác động và ra quyết định đối với việc xác định giá trị DN để tiến hành CPH.

Trong quá trình CPH DNNN thời gian qua, tình trạng định giá đất đối với DN chưa phù hợp với giá thị trường, không bảo đảm tính công khai, minh bạch, đã gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước. Vậy, theo ông cần làm gì để có thể “bịt” lỗ hổng này, giúp quá trình CPH đạt hiệu quả?

Có thể nói, quá trình CPH thời gian qua bị chậm trễ, ách tắc là do việc xử lý liên quan đến phần tài sản đất công trong tính toán, xác định giá trị DN. Đây chính là vấn đề tồn tại của Luật Đất đai 2013. Vì vậy, cần nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến đất đai để có thể xác định giá trị DNNN công khai, minh bạch, thúc đẩy quá trình CPH sớm đạt được kỳ vọng mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.

Xin cảm ơn ông!

Ngày 16/6/2022, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Nghị quyết 18) về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Một trong những nhiệm vụ, giải pháp đáng chú ý được đề ra tại Nghị quyết số 18/NQ-TW là hoàn thiện cơ chế xác định giá đất.

Theo đó, sẽ bỏ khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; Quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất. Trung ương xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất. Có cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác định giá đất, bảo đảm tính độc lập của hội đồng thẩm định giá đất.

Theo các chuyên gia, hiện nay giá đất trong khung, bảng giá đất đang có khoảng cách rất xa với giá đất trên thị trường, đặc biệt là ở những đô thị lớn. Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thất thu ngân sách Nhà nước từ thuế sử dụng đất, cũng như việc tính giá trị quyền sử dụng đất khi CPH DNNN.


Bùi Tuyết thực hiện

16/08/2022
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368