024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Năm 2020, nỗ lực hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa.

Theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2020, theo danh mục sẽ có tổng số 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa (hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp), trong đó có một số doanh nghiệp lớn như Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam… Để tiến trình cổ phần hóa đúng theo tiến độ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2007 hướng dẫn cổ phần hóa doanh nghiệp để xử lý những vướng mắc về đất đai cho các doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa.

Sắp trình dự thảo mới

Theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công thì toàn bộ các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (trong đó gồm cả doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa và doanh nghiệp không thuộc diện cổ phần hóa) đều phải xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất (Nghị định 167/2017/NĐ-CP đã quy định cụ thể về đối tượng, hồ sơ, trình tự, phương án xử lý, thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất).

Đối với các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa, Nghị định 126/2017/NĐ-CP đã quy định doanh nghiệp thực hiện rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định cổ phần hóa nhưng chưa quy định cụ thể về nội dung, trình tự, thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa.

Trong quá trình triển khai cổ phần hóa, trên thực tế còn có sự “lúng túng” trong triển khai xây dựng trình duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và việc triển khai xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa. Hầu hết các doanh nghiệp cổ phần hóa đều đang thực hiện xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 167/2017/NĐ-CP. Quá trình sắp xếp này đòi hỏi các địa phương phải thực hiện rà soát, kiểm tra chặt chẽ.

image
Ông Phạm Văn Đức – Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp

Ông Phạm Văn Đức – Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết: Để tách bạch rõ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công với phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa của doanh nghiệp cổ phần hóa, theo phân công của Chính phủ, Bộ Tài chính đã rà soát xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2007 hướng dẫn cổ phần hóa doanh nghiệp. Dự thảo này sẽ được Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành trong quý I năm 2020, tạo điều kiện thuân lợi cho các doanh nghiệp cổ phần hóa và các cơ quan liên quan triển khai trong thời tới.

Theo ông Đức, một trong những nội dung sửa đổi là hướng dẫn cụ thể thêm trình tự, thủ tục, nội dung, thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công (doanh nghiệp cổ phần hóa phải được phê duyệt tại phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước). Đồng thời quy định bổ sung để giúp cho doanh nghiệp cổ phần hóa, cơ quan đại diện chủ sở hữu và địa phương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) có ý kiến kịp thời, đầy đủ, chính xác và đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật quản lý tài sản công đối với diện tích đất của doanh nghiệp sử dụng khi cổ phần hóa. Theo đó, căn cứ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công; nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp theo phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương (nếu có), các địa phương có ý kiến về các diện tích đất trên địa bàn mà doanh nghiệp tiếp tục sử dụng khi cổ phần hóa sau đó chủ sở hữu doanh nghiệp sẽ phê duyệt phương án này. Các địa phương sẽ có ý kiến thống nhất phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa đối với các diện tích đất không có thay đổi so với phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có ý kiến về sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương (nếu có), hình thức sử dụng đất, mục đích sử dụng đất đối với các diện tích đất có thay đổi so với phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt và các diện tích đất doanh nghiệp được giao, nhận chuyển nhượng và thuê đất hợp pháp theo quy định của pháp luật phát sinh từ sau thời điểm phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (nếu có).

Trường hợp đề xuất phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương (nếu có) hoặc khác với mục đích sử dụng đất theo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt thì doanh nghiệp phải điều chỉnh lại phương án sử dụng đất đối các diện tích đất này cho phù hợp. Trường hợp doanh nghiệp không điều chỉnh lại phương án sử dụng đất đối các diện tích đất này thì phải trả lại cho nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai để sử dụng vào mục đích khác. Giá trị còn lại của tài sản trên diện tích đất phải trả lại cho Nhà nước (nếu có) doanh nghiệp cổ phần hóa bàn giao cho địa phương tiếp nhận, quản lý; đồng thời hạch toán giảm tài sản, giảm vốn nhà nước theo giá trị còn lại của tài sản trên sổ sách kế toán tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) chịu trách nhiệm chỉ đạo, khẩn trương có ý kiến về diện tích đất doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng khi cổ phần hóa và giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật về đất đai để làm cơ sở cho việc xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định; đồng thời chịu trách nhiệm chỉ đạo tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm có ý kiến chính thức về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa dẫn tới phải tổ chức xác định lại giá trị doanh nghiệp.

Quyết tâm vượt qua khó khăn

Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp, đến nay đã có 01 doanh nghiệp (Công ty sách và thiết bị trường học tỉnh Đắk Nông đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa), như vậy còn 92 doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện để hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa trong năm 2020 (trong đó, thành phố Hồ Chí Minh có 38 doanh nghiệp và thành phố Hà Nội có 13 doanh nghiệp).

Mục tiêu cổ phần hóa các doanh nghiệp nêu trên đã được xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ này (Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ). Để triển khai mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2007 thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP để tạo khung khổ pháp lý hoàn thiện cho quá trình cổ phần hóa. Đối với các đặc thù của doanh nghiệp lớn cổ phần hóa, hiện Bộ Tài chính đã tổng hợp và dự kiến báo cáo Chính phủ bổ sung cơ chế chính sách trong quý I năm 2020. Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai công tác cổ phần hóa theo quy định. Bản thân các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa cũng đều triển khai các bước có liên quan để chuẩn bị công tác cổ phần hóa (như sắp xếp cơ sở nhà đất, xử lý tài chính, thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa...).

Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa còn lớn nhưng với quyết tâm chính trị của các cấp, các ngành và bản thân doanh nghiệp, đặc biệt là việc vào cuộc tổ chức thực hiện quyết liệt của các cơ quan đại diện chủ sở hữu (các Bộ, ngành, Ủy ban quản lý vốn nhà nước, địa phương) và doanh nghiệp thì đến cuối năm 2020 có khả năng hoàn thành mục tiêu công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa các đơn vị này.

Đánh giá về tiềm năng của các doanh nghiệp sắp thực hiện cổ phần hóa, ông Đức cho rằng, theo danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ nêu trên thì còn có 92 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, trong đó có một số doanh nghiệp lớn như Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tổng công ty Lương thực miền Bắc…đây đều là những doanh nghiệp lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả nên việc thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước mua cổ phần theo đánh giá là khá cao. Theo cơ chế cổ phần hóa hiện hành, các doanh nghiệp này đều sẽ được công khai, minh bạch thông tin khi thực hiện bán cổ phần sẽ giúp cho các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu mua cổ phần. Mặt khác, dựa trên danh sách các doanh nghiệp cổ phần hóa nêu trên, các nhà đầu tư quan tâm có thể liên hệ với doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu để làm việc nắm bắt thêm đầy đủ các thông tin trước khi quyết định mua cổ phần.

Trích nguồn

Kim Chung

11/02/2020
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    P.Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 3, tòa B Cao ốc Văn phòng VG Building. Số 235 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân, TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368