Nhiều doanh nghiệp cho rằng, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) là cần thiết và đã có những bước thay đổi. Tuy nhiên, cần tiếp tục làm rõ và điều chỉnh một số nội dung nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả và tính chủ động của các doanh nghiệp.
Phát huy sử dụng vốn nhà nước hiệu quả
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật số 69/2014/QH13.
Đồng thời đây là bước để hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; tạo môi trường và hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp; đảm bảo doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường trong các ngành, nghề kinh doanh theo yêu cầu của Nhà nước.
Việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng nhằm nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tương xứng với nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; đảm bảo doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế; huy động và phát huy hết các nguồn lực của khu vực kinh tế nhà nước nói chung, doanh nghiệp nhà nước nói riêng cho phát triển kinh tế - xã hội. |
Hội thảo lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, tại hội thảo, bà Lê Ngọc Thùy Trang - Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC), cho rằng đây là dự thảo quan trọng bởi vì doanh nghiệp nhà nước hiện nay đang nắm giữ khối lượng tài sản rất lớn và kỳ vọng Luật Quản lý sử dụng vốn này làm sao để thực sự phát huy việc sử dụng vốn nhà nước hiệu quả. Đồng thời, dự thảo luật này có những quy định thay đổi nhằm vào các nội dung về sản xuất kinh doanh và quản lý nhà nước.
Đại tá Nguyễn Năng Toàn - Chủ tịch Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, nhận thấy sự cần thiết sửa đổi, thay thế Luật 69 và 6 nhóm chính sách thể hiện trong nội dung dự thảo là sự đổi mới mạnh mẽ.
Quang cảnh hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Lạc
Đồng quan điểm, ông Võ Hữu Hạnh - Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, cũng cho rằng về cơ bản, dự thảo luật lần này đã có những đánh giá tổng quát, bám sát cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn; thể hiện tinh thần quyết tâm đổi mới nhằm khắc phục một số tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như đã báo cáo, tại Tờ trình số 79/TTr- BTC ngày 17/4/2024 của Bộ Tài chính.
"Bên cạnh đó, dự thảo đã thể chế hóa một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo mới, đảm bảo phù hợp với sự thay đổi của hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; qua đó, góp phần đưa doanh nghiệp nhà nước tiếp tục phát triển nhanh, phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội" - ông Hạnh nói.
Cần tiếp tục điều chỉnh, giúp doanh nghiệp phát triển lành mạnh
Tại hội thảo, bà Lê Ngọc Thùy Trang đã có ý kiến đóng góp cho dự thảo luật, cụ thể:
Thứ nhất, Ban soạn thảo cần lưu ý để thống nhất về vấn đề nhân sự, lần này luật quy định luôn về nhân sự trong khi trước đây các nội dung về nhân sự vận hành do Bộ Nội vụ ban hành như Nghị định 159.
Bà Lê Ngọc Thùy Trang - Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC), phát biểu tại hội thảo. Ảnh Nguyễn Lạc
Tuy nhiên ở dự thảo này, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ quyết định các nhân sự chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV), chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) và thành viên HĐTV. Luật 69 cũng có nội dung này, có nghĩa rằng hội đồng thành viên sẽ bổ nhiệm chức danh tổng giám đốc, nhưng thực tế không phải vậy mà chức danh này vẫn do các cơ quan chủ sở hữu bổ nhiệm. Nếu chúng ta thay đổi về nhân sự theo quyết định của dự thảo luật này thì cần phải có sự thống nhất của Bộ Chính trị để ban hành các quy trình về các quy định, thẩm định của Đảng.
Thứ hai, vấn đề về lương, theo dự thảo thì tiền lương, tiền thưởng của chủ tịch HĐTV và thành viên HĐTV là lấy lợi nhuận sau thuế. Bà Lê Ngọc Thùy Trang cho rằng, cần xem lại để phù hợp các quy định về Luật Kế toán, Luật Doanh nghiệp. Đã gọi là lương thì là thuộc về chi phí lao động thì tức là phải vào chi phí chứ không thể vào lợi nhuận sau thuế. Còn nếu lấy từ lợi nhuận sau thuế thì phải tính vào tiền thưởng.
Còn theo ông Đặng Đức Hiền - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, chúng ta nên làm rõ khái niệm về vốn nhà nước. Dự thảo luật có ghi rõ: vốn nhà nước là vốn cổ phần của doanh nghiệp, nhưng hiện nay còn một số vấn đề về liên đến doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, qua công tác kiểm kê, phát hiện thừa thiếu hoặc qua việc cho biếu, tặng thì chưa thấy đề cập trong phần vốn nhà nước.
Thêm nữa, dự thảo luật có quy định đối tượng áp dụng (Điều 2) theo hướng mở rộng bao gồm chủ thể, khách thể và quan hệ có liên quan. Tuy nhiên tại Khoản 1 Điều 2, phương án 1 có dẫn thêm chủ thể chịu sự điều chỉnh của dự án luật là “người đại diện chủ sở hữu vốn của doanh nghiệp”. Với chủ thể này sẽ được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tại các doanh nghiệp không có hoặc không liên quan đến vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, do đó, đề nghị xem xét lại vấn đề này. Trong trường hợp nếu không bỏ thì đề nghị sửa đổi người đại diện chủ sở hữu vốn của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư.
“Tôi góp ý thêm về vấn đề cơ cấu quản lý tổ chức doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư (theo quy định các điều 59, 60, 61, 62, đến 72) của dự thảo luật. Trước hết, điều 59 quy định cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước, tuy nhiên theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên hiện nay chỉ áp dụng với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ, hoặc doanh nghiệp có chủ sở hữu 100% vốn điều lệ là là vốn nhà nước đầu tư trực tiếp. Còn các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp có tỷ lệ dưới 100% vốn điều lệ, hoặc doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác phải được tổ chức theo loại hình công ty TNHH hai thành viên, công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc công ty cổ phần đại chúng thì xử lý như thế nào? Tôi đề xuất phải sửa đổi xem xét lại điều khoản này cho phù hợp với từng loại hình của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư” - ông Hiền nêu ý kiến.
Đại tá Nguyễn Năng Toàn - Chủ tịch Tổng công ty Tân Cảng Sài gòn chia sẻ, từ thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, Tổng công ty Tân Cảng Sài gòn nhận thấy dự thảo luật còn có một số nội dung cần làm rõ. Một số nội dung chưa phù hợp cần tiếp tục điều chỉnh nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả và tính chủ động của các doanh nghiệp trên cơ sở chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Cụ thể như:
Về việc xác định vốn nhà nước tại doanh nghiệp và phân cấp toàn diện cho "Người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp" thực hiện quyền, nghĩa vụ và chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật đối với doanh nghiệp cấp 2.
Việc xem doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp (doanh nghiệp cấp 2) là doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là chưa phù hợp với chính nguyên tắc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại dự thảo luật, định hướng tăng cường phân cấp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
“Đề nghị xem doanh nghiệp cấp 2 là doanh nghiệp không có vốn nhà nước đầu tư khác và xem xét loại bỏ khái niệm doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác và xác định rõ đây là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư được khóa lại tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp (doanh nghiệp cấp 1), theo Khoản 8 Điều 4 dự thảo luật và phân cấp toàn diện cho doanh nghiệp cấp 1 (trực tiếp là người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp) thực hiện quyền, nghĩa vụ và chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật đối với doanh nghiệp cấp 2” - ông Nguyễn Năng Toàn nhấn mạnh.
Về phân phối lợi nhuận sau thuế, chi tiền lương, thưởng của người do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn/doanh nghiệp cử, giới thiệu, thuê làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp: Tại Khoản 1 Điều 15, Khoản 1 Điều 18 và quy định rõ hơn tại Điều 73 của dự thảo luật đề xuất việc chi trả tiền lương, thưởng của người do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn/doanh nghiệp cử, giới thiệu, thuê làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp được trích từ nguồn lợi nhuận sau thuế.
Đại diện Tân Cảng Sài Gòn cũng cho rằng điều này chưa phù hợp, vì những lý do như sau: Theo luật, đây là khoản chi phí hợp lý của doanh nghiệp; không đảm bảo phản ánh nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu và chi phí tại doanh nghiệp và không phản ánh đúng quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và lao động; đối với doanh nghiệp lỗ phải sử dụng ngân sách chi, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước, không phản ánh tiền lương, tiền công đảm bảo nguyên tắc thị trường (theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018). Việc hạch toán lợi nhuận thường theo quý và quyết toán theo năm dẫn đến việc trả lương không kịp thời, đầy đủ cho đối tượng nhận chi trả.
Theo ông Nguyễn Năng Toàn, đối với doanh nghiệp cấp 2, tiền lương, thưởng của người do các nhà đầu tư khác (không phải chủ đầu tư nhà nước) cử, giới thiệu, thuê làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp hạch toán vào chi phí. Việc quy định các khoản chi này từ nguồn lợi nhuận sau thuế hoặc quỹ đầu tư phát triển để chi là không phù hợp do các nguồn này thuộc các chủ sở hữu vốn (cổ đông, thành viên góp vốn) được hưởng lợi ích theo tỷ lệ góp vốn, trong khi đó lại sử dụng một phần để chi lương, thưởng cho người được cử, giới thiệu, thuê làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp cấp 2 của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp (doanh nghiệp cấp 1). Do đó chưa tạo ra sự bình đẳng giữa chủ đầu tư nhà nước và các chủ đầu tư khác tại doanh nghiệp và chưa đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. |
Lạc Nguyên