Sau hơn hai năm triển khai Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030, những kết quả về cải cách, hiện đại hóa hoạt động nghiệp vụ... của toàn hệ thống đã tạo bước đệm vững chắc để ngành Kho bạc Nhà nước tiếp tục “chinh phục” các mục tiêu mới. Tất cả các cải cách của ngành đều hướng tới chuyển đổi phương thức quản lý và cung cấp dịch vụ kho bạc.
Công chức Kho bạc Nhà nước Khánh Hòa hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ chi ngân sách nhà nước. Ảnh tư liệu
Hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy trình nghiệp vụ
Thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2030, KBNN đã tập trung hoàn thiện, ban hành các quy trình nghiệp vụ (kiểm soát chi, thủ tục thu - nộp ngân sách...) để hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho cán bộ kho bạc trong tác nghiệp, cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các giao dịch với kho bạc. KBNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan, tập trung xây dựng mã định danh các khoản thu do cơ quan thuế quản lý. Song song với đó, KBNN đã nghiên cứu xây dựng mã định danh đối với các khoản thu không do cơ quan thuế, hải quan quản lý và ban hành danh mục mã loại hình thu phạt vi phạm hành chính.
"Kim chỉ nam" để Kho bạc Nhà nước thực hiện cải cách Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là “ kim chỉ nam” định hướng để Kho bạc Nhà nước thực hiện các hoạt động cải cách, hiện đại hóa trong thời gian tới. |
Để cải cách công tác kiểm soát chi, hướng tới kho bạc số, KBNN đã xây dựng và triển khai quy trình liên thông chứng từ chi thường xuyên giữa các chương trình ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, TABMIS (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) và Hệ thống thanh toán điện tử. Đồng thời, KBNN đã triển khai diện rộng quy trình thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước giúp giảm thiểu thời gian và chi phí hoạt động của cả đơn vị sử dụng ngân sách và Kho bạc. Trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 17/2024/TT-BTC hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua KBNN, đảm bảo bao quát được toàn bộ các nguồn chi phải kiểm soát, phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan; phân định rõ trách nhiệm giữa đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và KBNN trong việc kiểm soát, thanh toán.
Đặc biệt, KBNN đã triển khai thí điểm Quy trình liên thông chi đầu tư giữa các ứng dụng của KBNN (Dịch vụ công trực tuyến KBNN, đầu tư giao dịch, TABMIS và Thanh toán điện tử với ngân hàng). Theo đó, các đơn vị KBNN chỉ cần thực hiện kiểm soát hồ sơ chứng từ trên một hệ thống ứng dụng, sau đó tự động giao diện liên thông với các hệ thống ứng dụng và tự động sinh ra lệnh thanh toán trên hệ thống Thanh toán điện tử ngân hàng, từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động, hạn chế tối đa các rủi ro nghiệp vụ.
Các cơ chế chính sách khác cũng được KBNN tập trung xây dựng trong thời gian qua. Cụ thể là hoàn thành lộ trình tổng thể hoàn thiện công tác lập Báo cáo tài chính nhà nước; nghiên cứu, xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Báo cáo tài chính nhà nước và thông tư hướng dẫn. Đồng thời, KBNN đang tập trung xây dựng khuôn khổ pháp lý về quản lý ngân quỹ, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước và xây dựng dự thảo các thông tư hướng dẫn, tạo tiền đề cho việc cải cách quản lý ngân quỹ theo hướng an toàn và hiệu quả.
Kết nối với 19 ngân hàng thương mại
Cùng với hoàn thiện chính sách và quy trình nghiệp vụ, thời gian qua, KBNN đã hoàn thành xây dựng “Kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin hướng tới kho bạc số”. Theo đánh giá từ KBNN, đây là bản quy hoạch kiến trúc tổng thể có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện đại hóa kho bạc nhằm tăng cường hoạt động hiệu lực, hiệu quả của toàn hệ thống theo mô hình quản lý, quản trị hiện đại, phục vụ các đơn vị tổ chức, người dân và doanh nghiệp.
Với mục tiêu đến năm 2025 đưa KBNN vận hành dựa trên dữ liệu số và đến năm 2030 hoàn thành xây dựng kho bạc số, KBNN đã xác định và xây dựng lộ trình, các bước đi phù hợp để chuyển đổi từ TABMIS và các hệ thống công nghệ thông tin hiện tại sang Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS).
Bên cạnh đó, KBNN đã nghiên cứu tích hợp dữ liệu, kết nối trao đổi thông tin giữa các chương trình ứng dụng trong và ngoài Kho bạc; thực hiện các nhiệm vụ định tuyến, chuyển đổi và xác thực dữ liệu truyền - nhận giữa các chương trình ứng dụng, hình thành “xương sống” của hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin KBNN.
Theo thông tin từ KBNN, đến hết tháng 9 vừa qua, KBNN đã kết nối, thanh toán song phương, phối hợp thu với 19 hệ thống ngân hàng thương mại với số lượng tài khoản cần xử lý trên hệ thống là 3.459 tài khoản.
Đến nay, KBNN đã cung cấp 100% thủ tục hành chính lĩnh vực kho bạc thông qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia phục vụ 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia DVCTT. Đồng thời, triển khai công nghệ ký số từ xa, giúp người dùng của các đơn vị sử dụng ngân sách có thể ký số trên cả máy tính cá nhân cũng như thiết bị di động.
Xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, kỹ năng
Trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, KBNN đã nghiên cứu và trình Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức KBNN (thay thế cho Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg). Đồng thời dự thảo trình Bộ Tài chính các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của KBNN các cấp và các đơn vị thuộc KBNN theo hướng tập trung quản lý điều hành; nâng cao khả năng nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách.
Để đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, xây dựng được đội ngũ công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, kỹ năng, có năng lực sáng tạo đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, KBNN đã xây dựng và ban hành “Đề án đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức hệ thống KBNN thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030”...
Ông Nguyễn Văn Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Pháp chế, KBNN cho biết, những kết quả trên không chỉ tác động tích cực đến sự phát triển của KBNN mà còn giúp các cơ quan, đơn vị và người dân thuận lợi trong phối hợp công tác cũng như giao dịch với KBNN
Tuy nhiên, theo ông Quang, trong triển khai Chiến lược và Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 còn đặt ra nhiều thách thức đối với toàn hệ thống. Do vậy, để đảm bảo hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, trong giai đoạn 2025-2030, bên cạnh việc thực hiện theo đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ, cùng với sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính, hệ thống KBNN sẽ đồng thời đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, lợi ích cũng như ảnh hưởng, thách thức để nâng cao nhận thức, sự ủng hộ, chia sẻ, đồng hành từ người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị và đặc biệt là sự đồng lòng, quyết tâm của đội ngũ công chức KBNN trong quá trình cải cách, hiện đại hóa, xây dựng KBNN hội nhập và phát triển.
Năm 2030 sẽ có mô hình kho bạc 2 cấp Thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030, Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy với mục tiêu hình thành mô hình kho bạc 2 cấp vào năm 2030. Trong đó, cơ quan Kho bac Nhà nước tại trung ương là cấp xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức điều hành; các đơn vị kho bạc trực thuộc là cấp thực hiện. |
Hạnh Thảo