![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) có nhiều quy định nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, như việc phân chia lại nguồn thu từ đất; đồng thời tăng tính chủ động của ngân sách địa phương, như việc nâng trần nợ vay của địa phương.
Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) sáng 26/5, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với việc sửa đổi Luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay, đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP), đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTW, tính chủ động của NSĐP.
Tăng cường phân cấp và chủ động trong điều hànhDự thảo Luật bỏ quy định tại Điểm b, khoản 4, Điều 19 về thẩm quyền của Quốc hội trong quyết định ngân sách nhà nước trong chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, có mức chi cụ thể cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, khoa học và công nghệ. Dự thảo cũng cho phép Chính phủ điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, hiện đang thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nhằm tăng cường phân cấp và tạo chủ động cho Chính phủ trong điều hành. |
Đồng thời, việc sửa Luật góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực ngân sách nhà nước để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phát triển đất nước, đạt các mục tiêu đến năm 2030 và 2045; cắt giảm, đơn giản quy trình, thủ tục trong quy trình ngân sách và tăng cường trách nhiệm giải trình của đơn vị sử dụng ngân sách.
Về các nội dung cụ thể, nhiều đại biểu tán thành các quy định mới về tăng trần vay nợ của địa phương, đổi mới phân cấp nguồn thu, tăng tỷ lệ dự phòng, cho phép ứng trước…
Theo đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang), dự thảo Luật quy định mức dư nợ tối đa với địa phương không nhận hỗ trợ từ NSTW là 120% và với địa phương có nhận hỗ trợ là 80% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp là cần thiết, qua đó sẽ tăng tính chủ động cho các địa phương.
“Quy định như vậy là rất thông thoáng, tạo điều kiện cho địa phương, đặc biệt là những địa phương có nguồn thu thấp, giúp địa phương có thêm nguồn chi cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội” - đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng nêu quan điểm.
Tuy nhiên, một số ý kiến lưu ý, cần kiểm soát chặt chẽ khả năng vay và trả nợ của địa phương, tránh tình trạng vay vượt khả năng dẫn đến NSTW phải can thiệp, gây ảnh hưởng tới trần nợ công quốc gia.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu quan tâm về các chính sách trong phân cấp thẩm quyền chi ngân sách và dự toán ngân sách. Một số đại biểu chưa đồng tình vì cho rằng, các quy định này có thể ảnh hưởng đến thẩm quyền của Quốc hội trong quyết định ngân sách. Một số ý kiến cho đây là những điểm rất mới, tạo sự linh hoạt trong điều hành kinh tế - xã hội đi cùng với phân cấp về nguồn lực.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang), đề xuất của Chính phủ có căn cứ thực tiễn và ý kiến đa số thẩm tra cũng đúng nguyên tắc. Để dung hòa vấn đề này, đại biểu đề nghị mở rộng thêm phạm vi, mức độ cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh dự toán so với luật hiện hành; thu hẹp phạm vi mà Chính phủ đang đề xuất ở mức hợp lý. “Nhiều khi việc điều chỉnh số tiền nhỏ, nhưng ra ngoài phạm vi thẩm quyền, nên phải chờ trình lên tới Quốc hội thì cũng rất bất cập” - đại biểu nói.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng nêu ý kiến về tỷ lệ phân chia nguồn thu từ đất giữa NSTW và NSĐP là 20% – 80% và 30% - 70%, so với quy định hiện hành là NSĐP hưởng 100%. Tán thành việc phải nâng cao vai trò chủ đạo của NSTW, song một số ý kiến đề nghị cân nhắc thời điểm và bối cảnh.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, nhiều quy định trong dự thảo, bao gồm quy định tỷ lệ phân chia nguồn thu từ đất, là để thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Kết luận 93 của Bộ Chính trị về vai trò chủ đạo của NSTW.
Theo đó, NSTW phải giữ vai trò chủ đạo. Đến năm 2030, NSTW phải chiếm từ 58% đến 60% trong tổng chi ngân sách. Để đạt yêu cầu này thì phải triển khai thực hiện từ năm 2026, Bộ trưởng nêu rõ.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bộ Tài chính sẽ rà soát, nghiên cứu và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi quy định để Hà Nội được giữ lại 100% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của Luật Thủ đô.
Đối với việc tăng trần nợ vay của địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định: “Bộ Tài chính đã nghiên cứu rất kỹ”. Hiện nay trần nợ công Quốc hội cho phép là 60% GDP. Đến hết năm 2024 tỷ lệ này mới là 34,7% GDP. Do đó, việc điều chỉnh mức dư nợ của NSĐP cũng đã được đánh giá kỹ lưỡng trên cơ sở tương quan với các chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội quyết định trong giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng tình với ý kiến các đại biểu Quốc hội về việc nâng trần nợ công nhưng phải kiểm soát được, Bộ trưởng cho biết, các góp ý về nội dung này sẽ được tiếp thu, quy định tại nghị định hướng dẫn.
Liên quan đến phân cấp, phân quyền trong chi ngân sách và dự toán, đại diện cơ quan soạn thảo khẳng định, đây là vấn đề phát sinh từ thực tiễn, được quy định vào luật để tạo chủ động, linh hoạt và kịp thời trong quản lý cũng như điều hành ngân sách, cắt giảm thủ tục hành chính… Đặc biệt là, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, HĐND, UBND; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và cơ chế, chế tài xử lý nghiêm các vi phạm, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Việc điều chỉnh về phân cấp, phân quyền này là sự đột phá rất lớn. Thực tế hiện nay, trong các cơ quan vẫn còn cách hiểu khác nhau, đặc biệt là liên quan đến quy định tại Hiến pháp. Nội dung này sẽ được tiếp tục nghiên cứu rất thận trọng, báo cáo cấp có thẩm quyền, báo cáo Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội thông qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay.
Bố trí kinh phí cho các quỹ về phát triển khoa học, công nghệ và xây dựng pháp luậtQuan tâm đến quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, một số ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ bố trí hay hỗ trợ kinh phí cho quỹ; loại hình quỹ được bố trí kinh phí; thẩm quyền ban hành, thành lập các quỹ… Tại báo cáo giải trình, Bộ Tài chính cho biết, dự thảo Luật quy định ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, chỉ hỗ trợ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật và phải phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước. Để thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW, số 66-NQ/TW, khoản 12 Điều 8 dự thảo Luật bổ sung quy định, ngân sách nhà nước bố trí kinh phí cho các quỹ thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật theo quy định của pháp luật chuyên ngành, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước. Như vậy, ngân sách nhà nước bố trí kinh phí cho các quỹ để thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, hỗ trợ xây dựng chính sách pháp luật mà không phân biệt loại hình quỹ. Về thẩm quyền thành lập quỹ được quy định tại Khoản 20 Điều 4 của dự thảo Luật. Việc quyết định thành lập từng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được quy định tại các luật chuyên ngành và văn bản hướng dẫn. Đối với các quỹ an sinh xã hội (quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm thất nghiệp), pháp luật hiện hành quy định là các quỹ tài chính ngoài ngân sách, hoạt động độc lập và đảm bảo nguyên tắc tự cân đối để đảm bảo sự bền vững và hiệu quả. Trường hợp, thiếu hụt nguồn, cơ quan quản lý quỹ phải trình cấp thẩm quyền giải pháp đảm bảo cân đối quỹ. |
Hoàng Yến