Đến nay, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng khoảng 9% - đây là mức tăng tốt và được dự báo sẽ khá thuận lợi trong việc chỉ tiêu này cán mốc mục tiêu cả năm. Tuy nhiên, nợ xấu cũng tăng, vì thế, theo các chuyên gia, chất lượng tăng trưởng tín dụng cần được chú trọng để tránh dẫn đến tình trạng nợ xấu gộp cao hơn nữa, dẫn đến việc gia tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Nguồn: FiinRatings, Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa tư liệu.
Tín dụng “hết sức trôi chảy”
Thông tin về tăng trưởng tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tại buổi họp báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 17/10, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, vốn cho nền kinh tế luôn dồi dào, các ngân hàng thương mại thừa thanh khoản, đảm bảo vốn. “Không có nhu cầu vay vốn nào đảm bảo điều kiện vay mà không được vay. Điều hành hạn mức tín dụng năm 2024 “hết sức trôi chảy”, thông thoáng, không vướng mắc gì” - Phó Thống đốc cho hay.
Bình luận về con số tín dụng đến nay đạt khoảng 9% (8,53% - tính đến 27/9), các chuyên gia đến từ BSC Research cho rằng, con số này tiếp tục đi đúng tiến độ so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15% trong năm 2024 của NHNN. Ngoài ra, với áp lực tỷ giá được giải tỏa, NHNN đã dừng hoạt động hút tín phiếu từ cuối tháng 8/24, tuy nhiên vẫn tiếp tục duy trì việc bơm thanh khoản qua kênh OMO và giữ nền lãi suất liên ngân hàng kì hạn qua đêm ở mức tương đối cao trong các ngày cuối tháng 9/2024 (loanh quanh 4% rồi giảm dần). BSC Research cho rằng, điều này nhất quán với bức tranh tín dụng tăng tốc.
Các chuyên gia của BSC Research dự báo, tăng trưởng tín dụng và huy động cả năm nay sẽ đạt lần lượt 14% và 10%, trong đó, động lực chính đến từ nhóm tư nhân, xoay quanh các ngân hàng được hưởng lợi về mặt hạn mức tín dụng sau văn bản điều chỉnh của NHNN vào cuối tháng 8/2024.
Còn theo MBS Research, tăng trưởng tín dụng kỳ vọng sẽ đạt 14% trong năm 2024 với kịch bản tăng trưởng GDP là 6,5% cho cả năm. Cho vay bán lẻ dự kiến sẽ phục hồi mạnh hơn trong chặng cuối năm 2024 dẫn dắt bởi tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô nhờ hiệu ứng từ lãi suất cho vay thấp. Hoạt động cho vay mua nhà cũng sẽ giữ tốc độ tăng trưởng tương tự như trong nửa đầu năm chủ yếu nhờ sự phục hồi của giao dịch bất động sản thứ cấp.
“Đối với mảng khách hàng doanh nghiệp, chúng tôi dự báo hoạt động nhập khẩu và xây dựng hạ tầng sẽ là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2024” - các chuyên gia của MBS Research cho hay.
...nhưng cần chú trọng chất lượng
Theo nhận định từ các chuyên gia của FiinRatings, tăng trưởng tín dụng cao hơn của năm trước, song mức độ tăng trưởng có sự phân hóa giữa các nhóm khách hàng. Cụ thể, tín dụng bán lẻ vẫn phục hồi chậm do những khó khăn chung của thị trường đối với cầu tiêu dùng của người dân và các hoạt động cho vay mua nhà, vay tiêu dùng, vay sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng khá cao so với năm trước, cụ thể tăng đáng kể ở các ngành bất động sản, nuôi trồng, một số ngành sản xuất…
Theo đơn vị này, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra trong các tháng còn lại của năm 2024 sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự biến động và đà phục hồi của các ngành trọng điểm như bất động sản, năng lượng, bán lẻ và tiêu dùng, các ngành hướng tới xuất khẩu như dệt may, nông sản, thủy sản. Ngoài ra, NHNN tạo điều kiện bằng việc cho phép chủ động tăng room tín dụng đối với các ngân hàng đạt từ 80% chỉ tiêu giao từ đầu năm. Tuy nhiên, “do tín dụng tăng trưởng tập trung vào lĩnh vực doanh nghiệp, nhất là ngành bất động sản, chất lượng tăng trưởng tín dụng cũng cần được chú trọng để tránh dẫn đến tình trạng nợ xấu gộp cao hơn nữa dẫn đến việc gia tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng” - FiinRatings lưu ý.
Thông tin về tình hình tăng trưởng tín dụng, NHNN cho biết, với thanh khoản tốt và còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay đối với nền kinh tế. Đặc biệt vào thời điểm quý cuối năm, nhiều dự án có tiến độ giải ngân tăng nhanh hơn.
Mặc dù vậy, bên cạnh những triển vọng tích cực, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho hay, cần theo dõi sát xu hướng nợ xấu đang tăng lên, nhất là sau ảnh hưởng của bão Yagi. “Hiện nay, nhiều khoản nợ đang trong diện được cơ cấu lại theo các quy định. Số lượng nợ xấu nằm trong số nợ đang cơ cấu lại không phải con số nhỏ, cộng với tác động từ cơn bão. Đây là vấn đề đòi hỏi phải có phương án xử lý trong thời gian tới” - đại điện NHNN nhấn mạnh.
Lãi suất tiền gửi sẽ duy trì ở mức hiện tại Theo BSC Research, mục tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ là ưu tiên của cơ quan điều hành trong 3 tháng cuối năm, nhất là sau ảnh hưởng tiêu cực từ Bão Yagi, do đó kì vọng rằng mặt bằng lãi suất tiền gửi của nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ được duy trì ở mức hiện tại đến hết năm (trung bình khoảng 4,7% với kì hạn 12 tháng), phù hợp với định hướng của NHNN trong việc hỗ trợ nhu cầu vay vốn của nền kinh tế. |
Duy Thái