Tại Việt Nam, đại bộ phận nhà đầu tư đã dần quen với khái niệm về sự “đắt” hay “rẻ” hoặc rủi ro và lợi nhuận khi đầu tư vào cổ phiếu. Tuy nhiên, đối với trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, quá trình chỉ mới bắt đầu, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.
Nhà đầu tư cá nhân có thể đưa ra quyết định đầu tư nhờ việc hiểu rõ hơn về rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng. Ảnh tư liệu
Ngày 15/8 tại Hà Nội, FiinGroup và FiinRaings đồng tổ chức hội thảo Làm sao để biết được một trái phiếu “đắt” hay “rẻ”, nhằm chia sẻ những kết quả nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam về đường cong lãi suất, tỷ lệ chậm trả trái phiếu cũng như cơ sở dữ liệu so sánh khác làm cơ sở cho việc hình thành và phát triển hạ tầng mềm cho sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Trần Phú Việt - Trưởng phòng Phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm Bộ phận Dữ liệu tài chính FiinGroup cho biết, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 240 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến ngày 13/8/2024, tăng 102% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp quy mô lưu hành đạt 1,21 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 11,7% GDP năm 2023.
Về cơ cấu phát hành, trái phiếu do ngân hàng phát hành đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 68%; trái phiếu bất động sản đạt 43,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,54% tổng giá trị phát hành tính từ đầu năm 2024. Lãi suất danh nghĩa bình quân huy động ở mức 7,47% trong gần 8 tháng 2024 và giảm 66 điểm so với mức bình quân 8,13% của năm 2023. Kỳ hạn bình quân trái phiếu riêng lẻ ở mức 3,8 năm cho gần 8 tháng 2024 và giảm so với mức bình quân 4,7 năm của 2023.
Số dư nợ trái phiếu (cả gốc và lãi) đến hạn trong năm 2024 ở mức 315 nghìn tỷ đồng và năm 2025 đạt đỉnh ở mức 334 nghìn tỷ đồng. Riêng trái phiếu bất động sản, số dư nợ đến hạn năm 2024 hiện ở mức 60 nghìn tỷ đồng và năm 2025 ước tính ở mức 135 nghìn tỷ đồng.
Ông Việt thông tin thêm, tình hình chậm trả đã giảm khá nhiều so với đỉnh điểm năm 2023, đặc biệt là trái phiếu bất động sản do các tổ chức phát hành đã chủ động đàm phán với nhà đầu tư tái cơ cấu nợ trái phiếu.
Về thị trường thức cấp, thanh khoản bình quân 4.300 tỷ đồng/ngày từ đầu năm 2024, trong đó 86,68% là từ trái phiếu riêng lẻ. Giao dịch mua lại vẫn diễn ra sôi động, một phần do hoạt động cơ cấu lại kỳ hạn và lãi suất của các tổ chức phát hành, một phần do thực hiện giảm áp lực dư nợ trái phiếu hoặc tái cơ cấu nợ trái phiếu của các doanh nghiệp. Thị trường thứ cấp được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng về thanh khoản do sự cải thiện về minh bạch thông tin và nhu cầu kinh doanh kỳ hạn tại Việt Nam.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch FiinGroup cho biết, khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, người ta đã quen với khái niệm mua trái phiếu, nắm giữ và hưởng lãi suất. Lãi suất dễ hiểu và “thân thiện” với mọi người. Tuy nhiên, nhà đầu tư có lẽ chưa thực sự quen với khái niệm đầu tư trái phiếu, tức là mua và bán trước khi trái phiếu đến hạn. Với nhà đầu tư cá nhân, việc ước lượng giá trái phiếu doanh nghiệp khi mua bán lưng chừng là vô cùng trừu tượng. Trong khi đó, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp còn hạn chế và ở quy mô nhỏ vì nhiều lý do khác nhau.
“Trái phiếu doanh nghiệp có một “đời sống” phong phú và đầy đủ trước đến hạn. Nó được trao tay, và mỗi lần trao tay, trái phiếu lại kiến tạo lợi nhuận, hoặc thua lỗ. Khái niệm lợi suất được sinh ra trong bối cảnh đó. Đây không phải là khái niệm mới mẻ, nhưng nó chưa quen thuộc tại thị trường Việt Nam, với những nhà đầu tư cá nhân” - ông Thuân nói.
Bên cạnh đó, mức giá của mỗi trái phiếu doanh nghiệp khi giao dịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó cơ bản nhất là khả năng trả nợ của chính doanh nghiệp khi trái phiếu đáo hạn. Khả năng này, được đo bằng cách xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp.
Chủ tịch FiinGroup cho rằng, việc có thể có phương pháp chuẩn hóa để ước lượng lợi nhuận và rủi ro là nền tảng để xây dựng một danh mục đầu tư trái phiếu hiệu quả và bền vững. Ngoài mức lãi suất danh nghĩa hoặc tuyệt đối, nhà đầu tư nên tham khảo thêm dữ liệu về tỷ suất đến ngày đáo hạn, chênh lệch tỷ suất với các lớp tài sản khác hoặc trong từng trái phiếu cụ thể, cũng như xác suất chậm trả để đưa ra quyết định đầu tư phù hợp với mục tiêu đầu tư và khẩu vị rủi ro.
“Nhà đầu tư cá nhân có thể đưa ra quyết định đầu tư tốt hơn nhờ việc hiểu rõ hơn về rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào người tư vấn” - ông Thuân nói thêm.
Trong khi đó, nhà đầu tư tổ chức có thể bắt đầu triển khai và ứng dụng các mô hình theo chuẩn quốc tế trong hoạt động đầu tư và quản trị rủi ro, cũng như tận dụng thanh khoản trên thị trường thứ cấp để điều chỉnh danh mục kịp thời và hoạt động theo quản trị danh mục đúng nghĩa thay vì làm theo thương vụ riêng lẻ như hiện nay. Tổ chức tư vấn có thể sử dụng tham chiếu làm cơ sở cho việc tư vấn nhất là mức lãi suất phát hành cho khách hàng của họ cũng như hỗ trợ cơ sở gia tăng hiệu quả hoạt động dựng sổ và tìm kiếm nhà đầu tư cho một lô trái phiếu cụ thể.
Mặt khác, doanh nghiệp phát hành có thể tham khảo làm cơ sở cho tối ưu chiến lược vốn và hỗ trợ xác định lãi suất phát hành một cách phù hợp, phù hợp với "khẩu vị" đầu tư của nhóm nhà đầu tư mà họ nhắm đến.
Dự báo sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn tới, các chuyên gia của FiinGroup cho rằng, trái phiếu ngân hàng sẽ là chủ đạo. Lãi suất vẫn cơ bản trên nền thấp nhưng nhiều tổ chức phát hành đang cân nhắc sử dụng vay dài hạn ngân hàng hay phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư phi ngân hàng; thị trường đang mong đợi hỗ trợ chính sách từ Ngân hàng Nhà nước trong việc cấp phép cho các ngân hàng cung cấp dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo.
Báo cáo nghiên cứu “Đường cong lợi suất và lịch sử chậm trả trái phiếu theo điểm xếp hạng tín nhiệm”, FiinRatings đã lưu ý, những trái phiếu ngân hàng có thanh khoản cao nhất thường là các trái phiếu có kỳ hạn còn lại khoảng 2 - 3 năm, với kỳ hạn gốc khoảng 5 - 7 năm. Việc mua lại trước hạn trái phiếu vừa hỗ trợ ngân hàng không phải khấu trừ vốn cấp 2 (Thông tư 41/2016/NHNN), đồng thời có thêm dư địa phát hành trái phiếu mới có kỳ hạn trên 5 năm để bổ sung nguồn vốn cần thiết nhằm đáp ứng quy định về an toàn vốn.