024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Bước đột phá trong quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

 

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được trình Quốc hội sáng 23/11 có nhiều điểm mới quan trọng, đột phá, qua đó tạo môi trường và hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Dự thảo Luật sửa đổi những bất cập liên quan đến xếp loại doanh nghiệp để tạo công bằng, công khai, minh bạch. Ảnh: tư liệu

Không can thiệp vào công tác điều hành doanh nghiệp

Cụ thể, về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dự thảo Luật đã quy định quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng mới hoàn toàn là Nhà nước chỉ quy định thẩm quyền, trách nhiệm theo đúng phần vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp (theo dòng vốn đầu tư phù hợp với thẩm quyền của tỷ lệ sở hữu vốn góp tại doanh nghiệp) với vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác.

Phân cấp để tạo cơ chế quản lý linh hoạt, chủ động

Theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và tinh thần Hội nghị lần thứ 10 Trung ương khóa XIII, dự thảo Luật đã báo sát theo hướng chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền, còn lại việc phân cấp giao Chính phủ quy định.

Theo đó, tại các Điều, khoản quy định tại dự thảo Luật giao cho Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền và không quy định cụ thể lại Luật; Việc giao Chính phủ quy định cụ thể tạo ra một cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp và mức độ sở hữu vốn nhà nước, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp và cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đây được coi là điểm cải cách và mang tính đột phá, gắn với việc tăng cường phân công phân cấp.

Nhà nước không quản lý trực tiếp pháp nhân doanh nghiệp, để doanh nghiệp hoạt động theo nguyên tắc thị trường và các quy định của pháp luật doanh nghiệp như các loại hình doanh nghiệp khác. Đây là nội dung căn bản và đổi mới toàn diện về phương thức, cách thức quản lý, khắc phục những hạn chế, bất cập tại Luật số 69/2014/QH13 trước đây.

Tiếp đó, về phân cấp, phân quyền, dự thảo quy định theo hướng phân công rõ, phân cấp mạnh, không can thiệp vào công tác điều hành của doanh nghiệp. Hiện nay, có 28 doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Việc phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp như hiện nay làm tăng khối lượng công việc, sự vụ của Thủ tướng Chính phủ, giảm vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu - cơ quan đóng vai trò là “nhà đầu tư Nhà nước” tại doanh nghiệp.

Để khắc phục vướng mắc bất cập này, khoản 4 Điều 5 dự thảo Luật quy định về nguyên tắc quản lý và đầu tư vốn nhà nước như sau: phân công, phân cấp việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và lãnh đạo doanh nghiệp; không làm hạn chế quyền của doanh nghiệp.

Chương IV dự thảo Luật xác định các dự án đầu tư của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật đầu tư phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và theo quy định của pháp luật đầu tư công phải được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư được thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền của pháp luật đầu tư và pháp luật đầu tư công, không phải phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật này.

Các dự án đầu tư của doanh nghiệp còn lại ngoài việc thực hiện theo pháp luật đầu tư và pháp luật đầu tư công giao cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định chủ trương dự án đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thuộc nhóm A theo quy định của Luật Đầu tư công, hoặc có tổng mức đầu tư bằng mức từ 50% vốn điều lệ ghi trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp còn lại giao doanh nghiệp chịu trách nhiệm quyết định đầu tư.

Đánh giá doanh nghiệp theo kết quả tổng thể, toàn diện

Một đổi mới hết sức quan trọng nữa tại dự thảo luật là về đánh giá, xếp loại doanh nghiệp. Hiện nay, việc đánh giá doanh nghiệp và người quản lý trong doanh nghiệp nhà nước được quy định tại Điều 59 Luật số 69/2014/QH13; Điều 28, Điều 29 và Điều 30 Nghị định 87/2015/NĐ-CP. Theo đó, việc đánh giá hiệu quả và xếp loại doanh nghiệp thực hiện trên cơ sở so sánh giữa kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được cơ quan đại diện chủ sở hữu giao với kết quả thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai vẫn có hiện tượng đánh giá theo tình huống phát sinh cụ thể, chẳng hạn như kết quả tổng thể tốt nhưng có 1 dự án thua lỗ, doanh nghiệp bị cơ quan chức năng nhận xét việc quản lý yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ.

Cùng với đó, quy định về xếp loại doanh nghiệp khắt khe. Ví dụ, doanh nghiệp có thể bị xếp loại B nếu vi phạm một trong các trường hợp như: bị nhắc nhở 1 lần bằng văn bản về việc nộp báo cáo không đúng quy định, không đúng hạn; bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền trong năm tài chính thực hiện việc đánh giá xếp loại doanh nghiệp... Kết quả xếp loại ảnh hưởng trực tiếp đến mức trích quỹ lương, thưởng gây bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp và dư luận.

Do đó, tại dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã khẳng định rõ: “Đánh giá theo mục tiêu và kết quả tổng thể, toàn diện; có loại trừ thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, tác động của yếu tố khách quan”. Cùng với đó, dự thảo sửa đổi những bất cập liên quan đến xếp loại doanh để tạo sự công bằng, công khai minh bạch và xử lý vướng mắc cho doanh nghiệp.

Khi đánh giá theo kết quả tổng quát, theo kế hoạch kinh doanh được giao sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp để mạnh dạn quyết định đầu tư. Việc quyết định đầu tư có thể có rủi ro nhưng về tổng thể vẫn bảo toàn vốn. Đồng thời, phù hợp với tình hình thực tế theo từng thời kỳ, do được căn cứ theo kế hoạch kinh doanh được giao hàng năm, trong đó đã tính đến cả các nhiệm vụ chính trị được giao…

Gỡ vướng mắc trong sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước

Để tăng quyền chủ động cho cơ quan chủ sở hữu, đảm bảo linh hoạt, hiệu quả, dự thảo đã xác định nguyên tắc sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo hướng hoạt động sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp là quá trình thực hiện thường xuyên tại các doanh nghiệp đã và đang hoạt động, được thực hiện đồng thời với việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định tại Luật này.

Việc thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả đầu tư vốn tại doanh nghiệp; đảm bảo linh hoạt, kịp thời, phù hợp với cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu quản lý vĩ mô nền kinh tế đối với từng ngành, nghề, lĩnh vực nhà nước đầu tư vốn trong từng thời kỳ.

Không thực hiện xác định trong giá trị doanh nghiệp khi chuyển nhượng phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với tài sản là các công trình, dự án kết cấu hạ tầng đang được giao doanh nghiệp quản lý, khai thác do Nhà nước đầu tư có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Việc quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư thực hiện theo quy định pháp luật về đất đai.

Trước đây, Luật số 69/2014/QH13 quy định cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp dưới 3 hình thức và Chính phủ quy định hình thức, nội dung, trình tự, thủ tục cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Quá trình thực hiện cho thấy còn vướng mắc đối với việc xác định giá trị các tài sản là công trình, dự án kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh khi chuyển đổi sở hữu, việc xử lý tài chính khi thực hiện giải thể các công ty nông lâm nghiệp, việc sáp nhập các đơn vị chưa có vốn nhà nước đầu tư.

Việc chuyển giao một phần vốn, tài sản giữa các doanh nghiệp với nhau; việc chuyển giao dự án, công trình đầu tư từ cơ quan, tổ chức, quản lý dự án, công trình đầu tư công về doanh nghiệp bản chất là việc nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp bằng các tài sản, không phải hoạt động chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Do đó, quy định như dự thảo sẽ góp phần khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên.

Hoàng Yến

28/11/2024
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    P.Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 3, tòa B Cao ốc Văn phòng VG Building. Số 235 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân, TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368