Tại cuộc họp báo công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023, kết quả theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022, diễn ra chiều 2/7/2024, Kiểm toán Nhà nước cho biết, xác nhận nợ công tính đến 31/12/2022, tổng số nợ công 3.557.668,28 tỷ đồng giảm 1,63% so với năm 2021, bằng 37,26% so với GDP. Các chỉ tiêu nợ công năm 2022 trong giới hạn cho phép của Quốc hội.
Tại cuộc họp báo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hà Thị Mỹ Dung cho biết, năm 2023, KTNN đã tổ chức thực hiện kiểm toán thành công 135 nhiệm vụ với 174 Đoàn kiểm toán và phát hành 248 Báo cáo kiểm toán; trong đó, thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách tại 25 bộ, cơ quan trung ương và 52 địa phương; thực hiện 33 nhiệm vụ kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, chiếm 26% tổng số nhiệm vụ kiểm toán theo đúng lộ trình thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; với một số cuộc kiểm toán trọng tâm, có phạm vi kiểm toán nhiều bộ ngành và địa phương.
Gần 25% kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện là do bên thứ 3Theo Kiểm toán Nhà nước, số kiến nghị chưa thực hiện đến 31/12/2023 là 67.513,03 tỷ đồng, trong đó nguyên nhân chưa thực hiện do: nhóm nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán 39.803,83 tỷ đồng, chiếm 59%; nhóm nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước 283,07 tỷ đồng, chiếm 0,4%; nhóm nguyên nhân thuộc về bên thứ 3 là 16.591,2 tỷ đồng chiếm 24,6 %; nhóm nguyên nhân khác 10.834,93 tỷ đồng chiếm 16%. |
Điểm qua một số kết quả kiểm toán liên quan đến lĩnh vực thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN), quyết toán NSNN, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) Vũ Ngọc Tuấn cho hay, tại thời điểm xây dựng dự toán năm 2022, dịch Covid-19 bùng phát, nhiều tỉnh, thành phố bị phong tỏa, cách ly, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp ngừng và tạm ngừng hoạt động. Chính phủ ước thực hiện thu nội địa, thu xuất nhập khẩu năm 2021 làm cơ sở xây dựng dự toán năm 2022 thận trọng, thực tế thực hiện lớn hơn so với ước thực hiện. Một số địa phương lập dự toán chưa đầy đủ, chưa bao quát hết nguồn thu.
Về chi, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư tại một số bộ, cơ quan trung ương thấp dưới 50% kế hoạch vốn được giao. Còn nhiều dự án chậm tiến độ, đặc biệt có trường hợp chậm trên 10 năm. Nguyên nhân chủ yếu cho vướng mắc giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng dịch Covid-19, không cân đối, bố trí đủ vốn, thay đổi thiết kế…
Một số địa phương ngân sách tỉnh hụt thu lớn nhưng chưa kịp thời điều chỉnh giảm chi tương ứng hoặc điều hành ngân sách chưa phù hợp quy định; chưa xây dựng phương án trình HĐND để xử lý hụt thu theo quy định.
Về quyết toán NSNN, kết quả kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 trình Quốc hội nêu rõ, còn tình trạng HĐND của một số địa phương phê chuẩn quyết toán NSĐP không đúng thời hạn quy định; 23 địa phương được kiểm toán, HĐND phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách địa phương (NSĐP) nhưng chưa điều chỉnh đầy đủ số liệu theo kiến nghị của KTNN tại các báo cáo kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP, trong đó có 12 địa phương chưa điều chỉnh giảm quyết toán, giảm chi chuyển nguồn NSĐP, giảm kết dư NSĐP để nộp trả ngân sách trung ương (NSTW) số tiền 1.488,036 tỷ đồng.
KTNN xác nhận nợ công tính đến 31/12/2022, tổng số nợ công 3.557.668,28 tỷ đồng giảm 1,63% so với năm 2021, bằng 37,26% so với GDP. Các chỉ tiêu nợ công năm 2022 trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Nợ công bình quân đầu người là 35,77 triệu đồng/người giảm 0,94 triệu đồng/người so với năm 2021 (năm 2021 là 36,71 triệu đồng/người).
Theo ông Vũ Ngọc Tuấn, qua hoạt động kiểm toán năm 2023, KTNN kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Trong đó, KTNN kiến nghị tăng thu giảm chi NSNN đối với niên độ ngân sách 2022 là 21.344,49 tỷ đồng, kiến nghị khác 28.586,29 tỷ đồng (chưa đủ thủ tục, chưa được quản lý, theo dõi, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các khoản ngoài ngân sách...).
KTNN kiến nghị rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn của 198 văn bản gồm: 1 luật; 8 nghị định; 5 quyết định Thủ tướng Chính phủ; 27 thông tư và 157 văn bản khác. Đồng thời, kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán thực hiện trong năm 2023.
Về kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm 2023, ông Vũ Ngọc Tuấn cho biết, liên quan đến kiến nghị tài chính qua kiểm toán năm 2022 (niên độ kiểm toán năm 2021), tính đến 31/12/2023 các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi NSNN 31.719,05 tỷ đồng đạt tỷ lệ 92%; kiến nghị khác 30.566,16 tỷ đồng đạt tỷ lệ 83%.
Ngoài ra, đối với các kiến nghị kiểm toán trước năm 2022, trong năm 2023 các đơn vị được kiểm toán đã tiếp tục thực hiện thêm 10.302,89 tỷ đồng.
Về sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, có 98/270 nội dung/văn bản đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN, các kiến nghị khác các đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu sửa đổi theo quy định.
Liên quan đến kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân, có 68/183 Báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm đã được các đơn vị thực hiện.
Chuyển 40 vụ việc cho cơ quan điều tra các cấpTheo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, thời gian qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra các cấp; cung cấp gần 2.000 hồ sơ, báo cáo kiểm toán cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan điều tra và các cơ quan khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Trong tổng số 40 vụ việc, đến nay, các cơ quan điều tra đã xử lý, giải quyết xong 35 vụ việc (14 vụ việc đã khởi tố, điều tra, xử lý; 21 vụ việc có ý kiến để điều tra, giám định) và một số cuộc khác cần có thời gian để tiếp tục điều tra, xác minh trong thời gian tới. Theo đó, trong quá trình phối hợp với các cơ quan điều tra xử lý các vụ việc mà có dấu hiệu vi phạm pháp luật, KTNN luôn nhận được sự hỗ trợ rất tích cực, kịp thời của các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan điều tra. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm tất cả các vụ việc không phải là việc đơn giản, nhiều vấn đề cần có thời gian để điều tra, xác minh. Vì vậy, trong thời gian tới, KTNN sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa và có các văn bản, quy chế phối hợp với các cơ quan. Được biết, năm 2023, KTNN ban hành Quyết định số 07/2003/QĐ-KTNN quy định quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, có hiệu lực từ ngày 30/6/2023. Theo đó, các vụ việc có dấu hiệu vi phạm, tham nhũng sẽ tiến hành kiểm toán theo quy trình này. Việc ban hành quy trình, theo Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung, nhằm tăng cường phát hiện, xác minh, làm rõ các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong quá trình kiểm toán để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật KTNN, Bộ luật Tố tụng hình sự và quy định pháp luật khác có liên quan. |
Hoàng Yến