Trong 6 tháng đầu năm, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã bám sát chủ trương, giải pháp điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của Chính phủ, Bộ Tài chính. Theo đó, Kho bạc Nhà nước đã kiểm soát chặt chẽ các nguồn thu, chi ngân sách, đưa nguồn vốn kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng.
KBNN các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm soát chi, đồng thời tổng hợp các khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn ĐTC. Ảnh tư liệu
Đảm bảo các khoản chi trong dự toán đã được phê duyệt
Báo cáo từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn thực hiện hiệu quả các giải pháp, biện pháp theo chỉ đạo của Bộ Tài chính và của địa phương trong công tác tổ chức thu ngân sách nhà nước (NSNN). Theo đó, KBNN đã tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách; cung cấp thông tin, số liệu thu ngân sách thường xuyên, liên tục phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Nhằm hỗ trợ người nộp thuế và hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao dịch, KBNN đã mở rộng công tác phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử với các ngân hàng thương mại (NHTM), đồng thời, nghiên cứu trình Đảng ủy cơ quan KBNN trung ương và lãnh đạo KBNN phê duyệt chủ trương triển khai Đề án mô hình thanh toán song phương điện tử tập trung giữa KBNN và hệ thống NHTM.
Tính đến hết ngày 30/6/2024, lũy kế thu NSNN trong cân đối đạt 1.027.173 tỷ đồng, bằng 60,39% dự toán năm 2024. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 150.972 tỷ đồng về giá trị, tăng 6,33% về tỷ lệ thực hiện.
Để giúp lưu thông dòng chảy vốn ngân sách trong nền kinh tế, KBNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm của công chức làm công tác kiểm soát chi, đảm bảo chi NSNN kịp thời, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách. Đồng thời, KBNN đã thực hiện kiểm soát thanh toán các khoản chi thường xuyên NSNN đảm bảo trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo đúng nội dung, mục đích, tiêu chuẩn, định mức quy định của pháp luật hiện hành.
Đối với chi đầu tư, KBNN đã chỉ đạo thực hiện công tác kiểm soát thanh toán các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đảm bảo theo đúng kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền giao hàng năm, tuân thủ nguyên tắc kiểm soát thanh toán, hồ sơ và thời gian kiểm soát thanh toán, đôn đốc thu hồi tạm ứng theo quy định của Chính phủ. Đặc biệt, KBNN đã ban hành chỉ thị yêu cầu KBNN các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm soát chi, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) năm 2024; đồng thời, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn ĐTC để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Với những giải pháp đã thực hiện, trong 6 tháng đầu năm, toàn hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát, thanh toán 484.035 tỷ đồng vốn chi thường xuyên, bằng 38,1% dự toán của ngân sách qua KBNN (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng); giải ngân trên 201.439 tỷ đồng vốn ĐTC, bằng 28,2% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch vốn 2024 Thủ tướng Chính phủ giao, kiểm soát chi qua KBNN (715.155,3 tỷ đồng); bằng 26,5% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch vốn 2024 Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao, kiểm soát chi qua KBNN (759.224,2 tỷ đồng).
Triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành các mục tiêu
Trong những tháng còn lại của năm dự báo nền kinh tế vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, gây khó khăn, thách thức lớn cho ngành Tài chính nói chung và hệ thống KBNN nói riêng. Bà Trần Thị Huệ - Phó Tổng Giám đốc KBNN cho biết, KBNN đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, triển khai các đề án, chính sách, quy trình nghiệp vụ; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ…
Đặc biệt, toàn hệ thống sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu tổ chức tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN, phấn đấu hoàn thành cao nhất dự toán thu NSNN năm 2024; tiếp tục nghiên cứu và thực hiện các giải pháp nhằm cải cách công tác thu NSNN, các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục mở rộng tài khoản chuyên thu tại các NHTM; tiếp tục thực hiện triển khai kết nối, tích hợp, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong giải quyết thủ tục hành chính.
Toàn hệ thống cũng bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan trong quản lý điều hành ngân sách, quản lý ĐTC năm 2024 để tổ chức thực hiện công tác kiểm soát chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc, chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC; đôn đốc việc thu hồi vốn tạm ứng, thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích theo quy định...
Bên cạnh đó, theo Phó Tổng Giám đốc KBNN, đơn vị tiếp tục bám sát kế hoạch huy động vốn năm 2024 được giao, tình hình thu NSNN, tiến độ giải ngân vốn ĐTC, kế hoạch trả nợ gốc của ngân sách trung ương (NSTW) và diễn biến thị trường để điều hành khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ phù hợp, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu bội chi, trả nợ gốc của NSTW; phát hành đa dạng các loại kỳ hạn trái phiếu; điều hành lãi suất phát hành hợp lý, phù hợp với định hướng điều hành chính sách tiền tệ.
KBNN tiếp tục tổ chức điều hành ngân quỹ nhà nước (NQNN) an toàn, hiệu quả, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi của NSNN và các đơn vị giao dịch; tổ chức quản lý, sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi an toàn, hiệu quả theo quy định, giảm chi phí vay nợ và nâng cao hiệu quả công tác quản lý NQNN, phát hành trái phiếu chính phủ; triển khai thực hiện tốt quy trình quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý NQNN. Tăng cường công tác giám sát từ xa các hoạt động nghiệp vụ KBNN, các biện pháp kiểm tra thường xuyên và đột xuất đối với các hoạt động nghiệp vụ; kịp thời phát hiện, giảm thiểu rủi ro, sai sót, mất an toàn tiền và tài sản của Nhà nước.
Gắn kết quản lý ngân quỹ nhà nước với quản lý ngân sách và nợ công Bám sát các chủ trương điều hành kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, trong 6 tháng đầu năm, KBNN tiếp tục điều hành NQNN tập trung, thống nhất, minh bạch và hiệu quả, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi của NSNN. Đồng thời, KBNN tiếp tục tập trung NQNN cuối ngày về tài khoản duy nhất mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tạo thuận lợi cho việc quản lý, đảm bảo thanh khoản của NQNN và hỗ trợ NHNN trong thực thi chính sách tiền tệ. Căn cứ diễn biến tình hình thu, chi NSNN, KBNN thực hiện dự báo luồng tiền, triển khai các nghiệp vụ sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi theo đúng quy định (tạm ứng, cho vay ngân sách trung ương, gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại NHTM, mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ); tăng cường gắn kết quản lý NQNN với quản lý NSNN và quản lý nợ công, tiết kiệm chi phí vay nợ cho NSNN. |
Hạnh Thảo