Diễn đàn với chủ đề: “Tiếp cận vốn - khơi thông điểm nghẽn” vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) phối hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 23/7/2024, tại tỉnh Bình Dương - nơi có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hàng đầu cả nước.
TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Sơn Nam
Doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm chắc quy định pháp luật về vay vốn
Tham gia thảo luận tại diễn đàn, ông Nguyễn Trí Kỷ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đắk Nông, đề cập trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang rất “khát vốn”; cần có quy định cụ thể trong định giá tài sản để vay vốn. Điều quan trọng là làm sao để tiếp cận nhanh được nguồn vốn. Đề nghị ngành Ngân hàng nên xem xét cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay tín chấp. Ông cho rằng, nếu mỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay tín chấp ở mức giới hạn khoảng 500 triệu đồng thì sẽ giảm áp lực rủi ro cho ngân hàng...
Bà Nguyễn Uyên – chuyên gia tư vấn Trung tâm Phát triển nhân lực số của Đại học Bình Dương, nêu vấn đề, hiện nay số doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta đang chiếm tỷ lệ rất cao, chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp này đều không có khả năng chi trả cho nguồn lao động chất lượng cao. Thực tế có khoảng 50% số doanh nghiệp này thiếu vốn, 50% thiếu nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu. Nhiều doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp vay vốn, do vậy rất cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý và phía các ngân hàng để tháo gỡ “điểm nghẽn khát vốn”.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, "điểm nghẽn" lớn nhất hiện nay là khả năng làm sao để doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay mà không phải thế chấp bất động sản. Đa số các doanh nghiệp nhỏ, sức cạnh tranh yếu, năng lực quản lý hạn chế, chi phí vận hành cao, thua lỗ trong sản xuất kinh doanh rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay, đặc biệt là nguồn vốn vay ưu đãi.
Theo bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), diễn đàn này là dịp để các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và ngành Ngân hàng cùng bàn thảo để tìm ra tiếng nói chung, nhằm khơi thông "điểm nghẽn" trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để phát triển sản xuất.
Bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Sơn Nam
Để tiếp cận được các nguồn vốn vay tín chấp, trong đó nguồn vốn vay từ Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí dành cho 2 đối tượng ưu tiên là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp nằm trong cụm liên kết chuỗi giá trị.
Thực tế, thời gian qua đã có nhiều ngân hàng thương mại trong nước áp dụng quy trình giải ngân vốn vay theo chuỗi giá trị đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, theo bà Hương số lượng doanh nghiệp tiếp cận với nguồn quỹ này chưa nhiều, trong khi nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế.
Về phía doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu nắm chắc các quy định pháp luật, tìm hiểu thông tin tiếp cận nguồn quỹ. Các doanh nghiệp cũng phải chủ động, sáng tạo, có phương án kinh doanh tốt.
Về phía ngân hàng cũng phải linh hoạt dựa trên tiêu chí cho vay, bảo vệ nguồn vốn phát huy hiệu quả, tránh rủi ro thất thoát.
"Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi chính sách, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mong muốn, thông qua việc tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo truyền thông chính sách do các hiệp hội doanh nghiệp ở trung ương và địa phương tổ chức, chúng tôi luôn sẵn sàng phối hợp, cử chuyên gia trực tiếp phổ biến chính sách pháp luật, đẩy mạnh công tác truyền thông, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ, nắm chắc các quy định, chính sách pháp luật để cùng nỗ lực phát triển bền vững" - bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh. |
Phải có tiếng nói chung
Chia sẻ tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, phía ngân hàng đã và đang tiếp tục đổi mới, linh hoạt hơn trong áp dụng phương thức cho vay. Ông Lưu Việt Linh – Phó Giám đốc ngân hàng Phương Đông (OCB) chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua ngân hàng này đang áp dụng rộng rãi phương thức cho vay trên hồ sơ báo cáo tài chính, báo cáo thuế hàng năm.
OCB không yêu cầu bắt buộc về mua bảo hiểm khi vay vốn mà chỉ kiểm tra hồ sơ bảo hiểm rủi ro lô hàng hoặc công trình đang xây dựng... do vậy hồ sơ quản lý, kế toán doanh nghiệp cũng phải lưu ý trong quá trình lưu trữ.
Các chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, việc định giá thương hiệu đối với doanh nghiệp hiện nay ngành ngân hàng không thể định giá được mà phải thông qua hội đồng thẩm duyệt, hội đồng khoa học, do đó rất cần có sự phối hợp giữa doanh nghiệp, nhà quản lý và ngân hàng.
Đại biểu tham luận tại diễn đàn. Ảnh: Sơn Nam
Phát biểu tại diễn đàn TS. Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng các khó khăn, ách tắc... cần được nêu thật cụ thể. Trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp, về phía cơ quan quản lý nhà nước và các ngân hàng dựa trên những vấn đề cụ thể đó để cùng tháo gỡ. Chỉ có như vậy thì mới có điểm gặp và tiếng nói chung nhất và từ đó doanh nghiệp tiếp cận vốn vay nhanh nhất, hiệu quả nhất; cũng như ngành ngân hàng sẽ có cơ sở giải ngân nguồn vốn vay cho doanh nghiệp cũng nhanh, nhiều và hiệu quả.
Theo ông Nam, đây cũng là mục tiêu của diễn đàn đưa ra nhằm lắng nghe ý kiến phản ánh liên quan đến những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận nguồn vốn vay, phục vụ sản xuất kinh doanh phát triển bền vững.
Vì vậy, những bài phát biểu, những bài chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý sẽ cung cấp thêm cho các doanh nghiệp có thêm kiến thức liên quan về tài chính, về quỹ tín dụng và quy trình tiếp cận nguồn vốn vay.
Đối với những doanh nghiệp mong muốn tiếp cận nguồn vốn của Quỹ Phát triển doanh nghiệp và của một số ngân hàng thương mại thì có thể kết nối với các đầu mối quỹ, ngân hàng thương mại để được hướng dẫn và cung cấp thêm thông tin.
Về phần Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mong muốn thông qua diễn đàn này sẽ mang lại giá trị cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thêm hiểu biết về kiến thức tài chính và hiệp hội luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến phản ánh của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ khai thác các nguồn tài trợ từ Nhà nước, bộ, ngành và từ dự án để tổ chức thêm một số chương trình nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. |
Gia Cư