Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 1686/QĐ-BTC về việc công bố công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Thu NSNN năm 2022 tăng 28,8% so với dự toán. Ảnh: tư liệu minh họa.
Theo Bộ Tài chính, dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 là 1.413.408 tỷ đồng; quyết toán là 1.820.310 tỷ đồng, tăng 28,8% (406.902 tỷ đồng) so với dự toán, tỷ lệ huy động NSNN đạt 19,1% GDP, riêng thu thuế là phí đạt 15,16% GDP.
Trong đó, đáng chú ý, thu nội địa: dự toán là 1.178.408 tỷ đồng, quyết toán là 1.447.915 tỷ đồng, tăng 22,9% (269.507 tỷ đồng) so với dự toán. Số thu nội địa, có 10/12 khoản thu vượt dự toán, đáng chú ý là số thu từ 3 khu vực kinh tế năm 2022 tăng cao so với dự toán: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 13,3% (20.448 tỷ đồng), thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,2% (37.516 tỷ đồng), thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 21,7% (54.891 tỷ đồng) so với dự toán.
Tuy nhiên, trong năm 2022, có 2/12 khoản thu nội địa không đạt dự toán, gồm: Thuế bảo vệ môi trường giảm 27,8% so dự toán do thực hiện chính sách giảm 50% mức thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, nhiên liệu bay; Thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước giảm 16,5% so dự toán, do thu hồi vốn NSNN đầu tư tại các tổ chức kinh tế chỉ đạt 3.848 tỷ đồng do tiến độ sắp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chậm so với kế hoạch.
Dự toán chi NSNN năm 2022 là 1.855.641 tỷ đồng; quyết toán là 1.750.790 tỷ đồng, giảm 5,7% so với dự toán. Quyết toán chi NSNN theo các lĩnh vực chi chủ yếu như sau: Dự toán chi thường xuyên là 1.111.194 tỷ đồng; Dự toán chi đầu tư phát triển là 597.147 tỷ đồng; Dự toán chi trả nợ lãi là: 103.700 tỷ đồng.
Trên thực tế, số thu NSNN năm 2022 tăng cao so với dự toán có nhiều nguyên nhân. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành Tài chính, một nguyên nhân quan trọng đó là được sự lãnh đạo của Đảng, giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương; sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.
Ngoài ra, việc triển khai chính sách tài khóa chủ động, tích cực, thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, triệt để tiết kiệm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách, góp phần tích cực vào việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, ổn định và cải thiện đời sống người dân. Tăng trưởng GDP đạt 8,02% (vượt chỉ tiêu đề ra là 6 - 6,5%; cao nhất trong giai đoạn 2011-2022)./.
Bội chi giảm 129.836 tỷ đồng so với dự toán Tại Quyết định công khai quyết toán NSNN năm 2022, Bộ Tài chính nêu rõ: Dự toán bội chi NSNN là 442.233 tỷ đồng; quyết toán là 293.313 tỷ đồng, bằng 3,07% GDP, giảm 148.920 tỷ đồng so với dự toán, thấp hơn so với mức bội chi Quốc hội giao đầu năm (4%GDP). Trong đó: bội chi NSTW là 287.397 tỷ đồng, giảm 129.836 tỷ đồng so với dự toán; bội chi NSĐP là 5.916 tỷ đồng, giảm 19.084 tỷ đồng so với dự toán. Về tổng mức vay của NSNN và nợ công: Dự toán tổng mức vay của NSNN là 642.019 tỷ đồng; quyết toán là 488.406 tỷ đồng, giảm 23,9% (-153.613 tỷ đồng) so với dự toán. Dư nợ công năm 2022 bằng 37,26% GDP, nợ Chính phủ bằng 34,02% GDP, thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo an toàn nợ công đã được Quốc hội quyết định, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia. |
Minh Anh