024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Thị trường vốn Việt Nam hứa hẹn nhiều tiềm năng đáng kể

 

Năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút nhiều sự chú ý với tiềm năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi, mở rộng các kênh huy động vốn. Với những nỗ lực tháo gỡ các rào cản, nâng cao tính minh bạch, thị trường vốn Việt Nam có tiềm năng phát triển đáng kể, trong đó, việc nâng hạng thị trường chứng khoán mới chỉ là bước khởi đầu.

Đây là một nhận định chính được nêu trong báo cáo “Vietnam at a glance – Câu chuyện về vốn” do Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa phát hành.

Mở rộng các kênh huy động vốn để tạo sức bền tài chính

Theo báo cáo, Việt Nam là thị trường chứng khoán có kết quả hoạt động tốt nhất Đông Nam Á năm 2024. Tuy nhiên, thị trường các quý gần đây lại ghi nhận sự suy giảm trong dòng vốn đầu tư nước ngoài. Mặc dù nguyên nhân phần lớn bị chi phối bởi các yếu tố vĩ mô, song vẫn có những thách thức lớn chẳng hạn như những rào cản trong giao dịch và liên quan đến hạ tầng, mức độ minh bạch và công bố thông tin của doanh nghiệp còn hạn chế.

Điều lạc quan là, những thay đổi tích cực đang diễn ra. Từ tháng 11/2024, Việt Nam đã chính thức bãi bỏ yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch chứng khoán, đáp ứng một tiêu chí quan trọng để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, có khả năng đạt được vào cuối năm nay. Khi chính thức được triển khai, FTSE Russell, một công ty cung cấp chỉ số hàng đầu, ước tính việc thăng hạng này có thể thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trị giá khoảng 6 tỷ USD, tương đương hơn 1% GDP, vào Việt Nam.

Mức độ phụ thuộc nhiều vào tín dụng có thể dẫn đến việc những điều chỉnh về mặt kinh tế gia tăng tác động theo hướng bất lợi, chẳng hạn như khi chi phí đi vay tăng vào cuối năm 2022. Do đó, những diễn biến chính sách nhằm cải thiện thị trường vốn không chỉ giúp Việt Nam bắt kịp các thị trường khác mà còn nhằm đa dạng hóa và mở rộng các kênh huy động vốn để tạo sức bền tài chính.

Cùng với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao dịch đã được triển khai khi các cơ quan quản lý đặt mục tiêu và nỗ lực thúc đẩy triển khai hệ thống KRX trong năm nay.

Những nỗ lực này đặc biệt có ý nghĩa với Việt Nam, quốc gia đi sau so với các láng giềng ASEAN xét về mức độ phát triển thị trường chứng khoán. Ngược lại, tín dụng ngân hàng đã tăng đáng kể so với quy mô nền kinh tế, cho thấy đây vẫn là yếu tố chính hỗ trợ xu hướng tăng trưởng cao của Việt Nam trong những năm qua.

Mặc dù thị trường cổ phiếu có quy mô lớn hơn so với thị trường trái phiếu, lượng vốn thực tế huy động qua thị trường cổ phiếu chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng vốn huy động qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn 2019 – 2023. Trong đó, ngành ngân hàng có truyền thống và tiếp tục chiếm phần lớn trong các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Các ngành khác, như sản xuất và bán lẻ, lại đối mặt với nhiều thách thức hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn ngoài tín dụng ngân hàng, có thể hạn chế khả năng phân bổ vốn hiệu quả và kìm hãm hoạt động kinh doanh.

Nhiều cải cách đang được triển khai tích cực

Trước tình hình đó, Chính phủ đã có những bước đi nhằm giải quyết một số thách thức và rủi ro xung quanh thị trường vốn. Những cải cách nhằm nâng cao mức độ minh bạch và công bố thông tin để tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm nhà đầu tư toàn cầu cũng đang được triển khai.

So với các nước ASEAN đã áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS), nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa chuyển từ Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS) sang IFRS, dẫn đến khác biệt trong định giá. Điều đáng khích lệ là năm 2025 là năm then chốt trong kế hoạch chuyển đổi của chính phủ, khi việc áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) sẽ chuyển từ tự nguyện sang bắt buộc đối với các công ty đại chúng kể từ năm nay trở đi.

Những thay đổi đáng chú ý như định giá đất sát hơn giá trị thị trường, nới lỏng các quyền liên quan tới đất cho người Việt Nam ở nước ngoài và yêu cầu công bố thông tin chặt chẽ hơn từ các doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ tiếp tục góp phần vào quá trình phục hồi tâm lý thị trường.

Việc nâng cao tính minh bạch cũng được đẩy mạnh trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế, chẳng hạn như thị trường bất động sản. Những thay đổi pháp lý trong Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2023 đã góp phần thúc đẩy dòng vốn FDI đăng ký mới đổ vào lĩnh vực này, đạt 4 tỷ USD trong năm 2024, tăng lên so với mức 1 tỷ USD của năm 2023.

Bên cạnh khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn, Bộ phận Nghiên cứu của HSBC cho rằng việc mở rộng và đa dạng hóa nhà đầu tư trong nước sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam vững vàng đạt được mục tiêu chính thức: quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 120% và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt 25% GDP vào năm 2030.

Hiện nay vẫn còn nhiều dư địa để gia tăng sự hiện hiện của các nhà đầu tư tổ chức trên cả hai thị trường này. Chẳng hạn, Quỹ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, ước tính đang nắm giữ tài sản tương đương hơn 10% GDP, vẫn chưa được phép đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp trong nước. Do vậy, hoạt động trên các thị trường vốn Việt Nam có tiềm năng phát triển đáng kể, trong đó, việc nâng hạng thị trường chứng khoán mới chỉ là bước khởi đầu.

Hoàng Yến

12/02/2025
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    P.Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 3, tòa B Cao ốc Văn phòng VG Building. Số 235 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân, TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368