![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Trước biến động của thị trường chứng khoán, các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên chuyển trọng tâm sang các cổ phiếu có tính phòng thủ cao hơn, nhất là nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp có lịch sử chi trả cổ tức tiền mặt đều đặn và sở hữu nền tảng tài chính ổn định.
![]() |
Diễn biến thị trường quý II sẽ là sự đan xen giữa kỳ vọng hồi phục lợi nhuận và những rủi ro mới từ bên ngoài. Ảnh: DŨNG MINH |
Các chuyên gia cho rằng, bước sang nửa cuối tháng 4, thị trường sẽ chuyển dịch sự quan tâm sang bức tranh kết quả kinh doanh quý I. Với số liệu tăng trưởng tín dụng khởi sắc gần đây cùng với xu hướng hạ nhiệt của mặt bằng lãi suất đầu vào, ngành ngân hàng dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong quý I năm nay. Cùng với đó, tăng trưởng của ngành tiêu dùng bán lẻ được kỳ vọng sẽ bắt đầu bứt tốc khi sức mua trong nước có dấu hiệu cải thiện rõ nét nhờ thu nhập người dân cải thiện và hưởng lợi từ chính sách kích cầu của Chính phủ. Các ngành được kỳ vọng có kết quả kinh doanh khả quan khác bao gồm chăn nuôi, thủy sản và điện.
Định giá hấp dẫn so với yếu tố nội tại của doanh nghiệpTheo các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), trong ngắn hạn, tính trên toàn thị trường hơn 1.600 mã thì mức P/E hiện tại là khoảng 12,4 lần, mức P/B khoảng 1,55 lần. Nhiều mã vẫn tương đối hấp dẫn so với yếu tố nội tại của doanh nghiệp và triển vọng tăng trưởng dài hạn, phù hợp các vị thế tỷ trọng thấp tích lũy, hoặc xem xét mua lướt ngắn hạn hạ giá vốn đầu tư. |
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT đánh giá, việc thị trường điều chỉnh sau khi chạm vùng kháng cự 1.240 điểm là lành mạnh để hấp thụ một phần lượng hàng bắt đáy giá rẻ. Thị trường đang dần hình thành vùng cân bằng cung cầu tại 1.200 - 1.250 điểm sau giai đoạn biến động giá mạnh thời gian qua. Bước sang nửa cuối tháng 4, thị trường sẽ chuyển dịch sự quan tâm sang bức tranh kết quả kinh doanh quý I. Trong bối cảnh thị trường đã về vùng “định giá rẻ”, những thông tin tích cực về kết quả kinh doanh có thể là chất xúc tác giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư cũng như mặt bằng định giá cổ phiếu. Những doanh nghiệp dự kiến có kết quả tích cực sẽ thu hút được dòng tiền của thị trường.
Còn ông Bùi Văn Huy, Giám đốc điều hành chi nhánh TP. Hồ Chí Minh - Công ty cổ phần DSC cho rằng, báo cáo tài chính quý I chưa phản ánh rủi ro và sự thay đổi trong môi trường kinh doanh. Quý I/2025 cũng không phải là một quý để thị trường kỳ vọng bùng nổ lợi nhuận, mà là giai đoạn bản lề để nhận diện rõ hơn đâu là những doanh nghiệp thực sự có sức bật trong môi trường kinh tế đang chuyển pha.
Bức tranh kết quả kinh doanh quý I nhiều khả năng sẽ cho thấy sự phục hồi tích cực ở một số ngành chủ đạo, nhưng đồng thời phản ánh mức độ phân hóa ngày càng rõ nét trong nội tại thị trường. Các nhóm như ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, thép và đầu tư công được kỳ vọng có kết quả sáng hơn mặt bằng chung, trong khi những ngành gắn với tiêu dùng nội địa và xuất khẩu truyền thống như dệt may, thủy sản, gỗ vẫn chịu áp lực kéo dài từ cầu yếu và chi phí đầu vào.
Theo ông Huy, quý II sẽ là giai đoạn thử thách thực sự cho thị trường, không phải để kỳ vọng vào lợi nhuận tăng vọt, mà để đánh giá mức độ thích ứng và sức đề kháng của doanh nghiệp trong một môi trường có thể biến động rất nhanh. Ông Huy cho rằng, nhà đầu tư cần thay đổi góc nhìn, thay vì kỳ vọng vào các câu chuyện hồi phục ngắn hạn thì nên chọn lọc các doanh nghiệp có mô hình bền vững, ít lệ thuộc vào FDI hoặc xuất khẩu và có khả năng giữ biên lợi nhuận trong bối cảnh khó khăn.
Thị trường hiện tại không dành cho sự nôn nóng hay kỳ vọng hồi phục đồng loạt. Đây là giai đoạn mà nhà đầu tư cần duy trì lượng tiền mặt nhất định, nâng cao tiêu chuẩn lựa chọn và siết chặt kỷ luật quản trị danh mục. Với bối cảnh vĩ mô nhiều biến số thì việc “bắt sóng thị trường” đang trở nên khó đoán hơn bao giờ hết.
"Đây là thời điểm để cơ cấu lại các ngành, trọng tâm nên đặt vào các doanh nghiệp hưởng lợi từ sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, có mô hình kinh doanh ổn định, ít lệ thuộc vào xuất khẩu hay FDI, sở hữu dòng tiền khỏe và biên lợi nhuận duy trì ổn định qua nhiều chu kỳ. Những cổ phiếu này chính là trụ cột giúp kiểm soát rủi ro và giữ sự bền vững cho danh mục trong bối cảnh thị trường biến động", chuyên gia khuyến nghị.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Nguyên Khoa - Phó Trưởng phòng Phân tích nghiên cứu - Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, dù chịu áp lực từ chính sách thuế và rủi ro địa chính trị, kết quả kinh doanh quý I/2025 của nhiều doanh nghiệp vẫn tích cực. Một số ngành ghi nhận hiệu suất vượt trội như bất động sản (+19,8%), bảo hiểm (+5,0%), thực phẩm - đồ uống (+5,3%) và ngân hàng (+5,6%).
Năm 2023 là năm nền lợi nhuận thấp, tạo cơ sở thuận lợi cho mức tăng trưởng tích cực trong 2024 và nửa đầu 2025. Bước sang quý II/2025, động lực tăng trưởng tiếp tục đến từ tiêu dùng nội địa, đầu tư công và tín dụng phục hồi. Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro từ chính sách thuế quan của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu, khiến dòng tiền có xu hướng thận trọng và lựa chọn cổ phiếu phòng thủ hơn.
“Bước sang quý II/2025, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận vẫn được duy trì với những nhóm ngành hưởng lợi từ tiêu dùng nội địa, đầu tư công và tín dụng phục hồi. Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro mới bắt đầu xuất hiện, trong đó đáng chú ý là động thái áp thuế từ phía Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu. Diễn biến thị trường quý II sẽ là sự đan xen giữa kỳ vọng hồi phục lợi nhuận và những rủi ro mới từ bên ngoài. Dòng tiền thông minh sẽ ưu tiên sự an toàn tương đối, nhưng không bỏ qua các cơ hội định giá hợp lý tại những ngành đang dần bước ra khỏi vùng đáy chu kỳ”, ông Khoa phân tích./.