Các chuyên gia từ Công ty CP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (mã Ck: HSC) kỳ vọng, sau thời gian bán ròng kéo dài, dòng vốn ngoại có thể quay trở lại thị trường Việt Nam mạnh mẽ vào nửa cuối năm 2025. Với sự ổn định dần của kinh tế thế giới, đặc biệt từ Mỹ và châu Âu, Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục là điểm sáng đầu tư nhờ lợi thế tỷ suất lợi nhuận cao.
Theo các chuyên gia tại HSC, năm 2024 là 1 năm đầy biến động, nối tiếp những thay đổi mạnh mẽ của 2023. Tuy nhiên, nhìn lại toàn cảnh, có thể thấy rằng, những biến động này không hoàn toàn tiêu cực. Kinh tế dần phục hồi, dù còn chậm và nhiều thách thức hơn so với các thị trường khác trong khu vực. Dẫu vậy, sự phục hồi vẫn đang diễn ra từng bước, tạo nền tảng cho những triển vọng tích cực hơn trong tương lai.
Tỷ giá tiếp tục chịu áp lực lớn
Đánh giá về triển vọng chung của thế giới cũng như tại Việt Nam trong năm 2025, ông Phạm Vũ Thăng Long - Giám đốc Nghiên cứu cao cấp Kinh tế vĩ mô từ HSC cho biết, bước sang năm 2025, nền kinh tế toàn cầu dự báo sẽ khởi đầu một chu kỳ mới sau khi kết thúc giai đoạn vượt qua khó khăn từ khủng hoảng do đại dịch Covid-19.
Trong giai đoạn vừa qua, thế giới chứng kiến tốc độ tăng trưởng thấp (2,8%) và lạm phát trung bình cao (5,8%). Giai đoạn 5 năm tiếp theo dự kiến sẽ đưa kinh tế toàn cầu trở lại mức tăng trưởng bình thường trước đại dịch, đạt khoảng 3,2%, cùng với lạm phát duy trì ở mức 3,6%, cao hơn một chút so với thời kỳ trước Covid-19. Kết quả này phần lớn nhờ vào việc các chuỗi cung ứng, vốn bị gián đoạn nghiêm trọng, đã dần phục hồi hoàn toàn.
Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực ASEAN và các đối tác thương mại chủ chốt, với mức tăng trưởng GDP trên 6% trong năm 2025 và 2026. Tuy nhiên, cùng với đà tăng trưởng này, lạm phát của Việt Nam dự kiến sẽ duy trì ở mức cao hơn trung bình khu vực, phản ánh sự hạn chế trong dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ, vốn đã được áp dụng sớm hơn nhiều nước khác.
Ảnh minh hoạ.
Về diễn biến trên thị trường tiền tệ, cũng theo chia sẻ của ông Long, áp lực lên tỷ giá được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2025. Đồng nội tệ có thể mất giá khoảng 2,1%, đồng thời Ngân hàng Nhà nước có khả năng tăng nhẹ lãi suất điều hành lên mức 4,75% vào cuối năm 2025 và tiếp tục nâng lên khoảng 5% vào năm 2026. Việc tăng lãi suất này không hẳn là một biện pháp thắt chặt, mà có thể chỉ nhằm giảm mức độ nới lỏng hiện tại. Dù vậy, với mức lãi suất trần tiền gửi dưới 6 tháng vẫn còn cách xa mức lãi suất của các ngân hàng thương mại lớn, thị trường tiền tệ hiện chưa có dấu hiệu đáng lo ngại.
Về thị trường trái phiếu, áp lực từ trái phiếu bất động sản dự kiến sẽ gia tăng trong năm 2025, đặc biệt là vào 2 quý cuối năm với lượng đáo hạn lớn hơn, tăng khoảng 7% so với năm nay. Bên cạnh đó, lãi suất phát hành trái phiếu có khả năng đi ngang hoặc tăng nhẹ do ảnh hưởng của các quy định mới hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân vào thị trường này. Điều này đặc biệt đáng chú ý vì trái phiếu phát hành riêng lẻ hiện chiếm phần lớn thị trường.
Dù vậy, 1 điểm sáng đáng ghi nhận là tỷ lệ trái phiếu được mua lại đã giảm đáng kể qua các năm. Nếu như năm 2022 – thời điểm đầy biến động của thị trường với tỷ lệ mua lại lên đến 85%, thì năm 2023 giảm xuống còn 47%, và đến năm nay, con số này đã giảm mạnh, cho thấy nhiều vấn đề tồn đọng từ các năm trước đã được xử lý đáng kể.
Cú hích từ dòng vốn ngoại
Về triển vọng của VN-Index, ông Nguyễn Mạnh Dũng – Giám đốc Nghiên cứu Chiến lược thị trường từ HSC đánh giá rằng sau năm 2025, tốc độ phục hồi sẽ nhanh hơn nhờ sự cải thiện ở cả kinh tế vĩ mô lẫn những thay đổi trong chính sách điều hành. Các yếu tố như sự ổn định chính trị, cải cách pháp lý và chính sách kinh tế ngày càng hiệu quả sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đi lên.
Mục tiêu dài hạn cho thị trường, cụ thể là VN-Index, được kỳ vọng đạt mốc 1.468 điểm vào năm 2025. Con số này dựa trên mức định giá hợp lý, tương ứng với trung bình 3 năm gần đây, và được hỗ trợ bởi tăng trưởng lợi nhuận dự báo khoảng 15% trên toàn thị trường.
Sắc xanh bao trùm các chỉ số chính trong phiên mở đầu tuần cuối cùng của năm 2024. Nguồn: KBSV.
Bên cạnh đó, các ngành như ngân hàng, tiêu dùng, bất động sản, công nghiệp, năng lượng, công nghệ, và nông nghiệp sẽ đóng vai trò trọng tâm. Lợi nhuận doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng gần 18% nhờ vào việc GDP tăng trưởng ổn định.
Đáng chú ý, dòng vốn ngoại có khả năng quay trở lại mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2025 sau giai đoạn bán ròng kéo dài. Bối cảnh kinh tế thế giới, đặc biệt là từ Mỹ và châu Âu, cũng sẽ tác động lớn đến thị trường Việt Nam. Nếu những bất ổn như suy thoái kinh tế toàn cầu hay biến động lãi suất được kiểm soát, Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn với tỷ suất lợi nhuận cao.
Các rủi ro tiềm tàng như biến động tỷ giá hối đoái và tác động từ tình hình chính trị quốc tế... cần được theo dõi sát sao. Nhưng nhìn chung, với sự ổn định chính trị và các cải cách đồng bộ trong nước, nền kinh tế Việt Nam có cơ sở để tăng trưởng bền vững trong những năm tới.
Trong bối cảnh này, thị trường chứng khoán sẽ phản ánh rõ ràng sự phục hồi. Mỗi đợt điều chỉnh của thị trường có xu hướng giảm dần về mức độ, tạo nền tảng vững chắc cho các nhà đầu tư. Sự ổn định của tỷ giá, tâm lý tích cực dần lan tỏa, và dòng vốn nước ngoài trở lại sẽ là động lực chính cho sự phát triển bền vững của thị trường trong thời gian tới./.
Thu Hương