024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Kinh tế chia sẻ – Bài toán mới cho các nhà quản lý.
Mặc dù kinh tế chia sẻ có nhiều ưu điểm và hấp dẫn nhưng sự nở rộ của mô hình này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Điều này đặt ra cho các nhà quản lý bài toán mới, đó là: Làm sao để quản lý hiệu quả nhưng không kìm hãm các mô hình kinh doanh mới phát triển?

Tiềm năng song hành cùng thách thức

Theo các chuyên gia, kinh tế chia sẻ đang ngày càng phát triển với các loại hình dịch vụ đa dạng, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, đồng thời mở ra cơ hội đầu tư, việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động. Mô hình kinh tế này giúp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam. Giá trị lớn nhất của kinh tế chia sẻ là tác động lên hầu hết các lĩnh vực kinh doanh truyền thống, buộc DN phải thay đổi và cạnh tranh, tiết kiệm tài nguyên, chi phí và tận dụng tối đa các nguồn lực. Theo dự báo của PwC, khi ứng dụng mô hình này, chỉ riêng 5 lĩnh vực: du lịch, vận tải, tài chính, nhân lực và dịch vụ video trực tuyến ca nhạc đã có thể tăng doanh thu toàn cầu từ 15 tỷ USD (năm 2014) lên khoảng 335 tỷ USD vào năm 2025.

Ở Việt Nam, dù rất mới nhưng kinh tế chia sẻ đã phát triển nhanh chóng với 3 loại hình dịch vụ nổi bật là: vận tải trực tuyến, chia sẻ phòng nghỉ và cho vay ngang hàng. Điển hình là: GoViet, Bee hay Grap đang dần chiếm lĩnh thị trường, khiến các mô hình taxi truyền thống khó cạnh tranh; các mô hình cho thuê phòng trực tuyến như: Luxstay, Homestay cũng rất phát triển. Một số dịch vụ khác cũng bắt đầu xuất hiện như: chia sẻ chỗ làm, gửi xe, chia sẻ nhân lực…

Theo khảo sát của Nielsen, cứ 4 người Việt Nam được hỏi thì có 3 người cho biết, họ thích ý tưởng về mô hình kinh doanh chia sẻ và 76% cho biết sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ này. Kết quả khảo sát của Facebook và Morning Consult cũng cho thấy, hiện nay, khoảng 78 triệu người dùng Facebook trên thế giới có kết nối với DN Việt Nam, có tới 77% DN nhỏ trên Facebook đang sử dụng ứng dụng nền tảng này để tăng doanh số bán hàng và 76% DN nhỏ có thể tuyển dụng nhân viên thông qua ứng dụng Facebook.

Dù kinh tế chia sẻ chứng tỏ được sự ưu việt, tính hấp dẫn nhưng theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, mô hình này đang tạo ra nhiều thách thức lớn, chứa đựng rủi ro và các hệ lụy xã hội không mong muốn. Cụ thể: áp lực cạnh tranh giữa taxi công nghệ với các hãng taxi truyền thống rất lớn; nhiều người chưa có tư duy về chia sẻ, vẫn vì lợi ích cá nhân và cục bộ mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài. Thực tế cho thấy, chỉ vì lợi ích cá nhân, nhiều lái xe đã thoả thuận với khách hàng và tắt ứng dụng gọi xe để giảm phần phí đáng lẽ Grab sẽ được hưởng.

Đồng quan điểm trên, ThS. Nguyễn Phan Anh (Đại học Thương mại) cũng cho rằng: Kinh tế chia sẻ đang tạo nên mối lo ngại về sự cạnh tranh không bình đẳng. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời và đúng đắn, những cuộc biểu tình hay làn sóng phản đối kinh tế chia sẻ giống như nhiều quốc gia trên thế giới sẽ diễn ra. Đặc biệt, với cho vay ngang hàng, nếu được quản lý tốt thì hình thức này sẽ thúc đẩy cạnh tranh, phân bổ vốn hiệu quả theo nguyên tắc thị trường, giảm chi phí vay mượn… Nhưng nếu không quản lý tốt, hình thức này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với cả người đi vay và cho vay.

Cần một cuộc cách mạng về tư duy và cách thức quản lý 

Theo các chuyên gia, những rủi ro tiềm ẩn của mô hình kinh tế chia sẻ đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về cách thức quản lý hiệu quả. Các cơ quan quản lý không nên vì lo ngại rủi ro mà cấm. Vấn đề là quản thế nào để không kìm hãm các mô hình kinh doanh mới phát triển?
Ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước – nhận định: Kinh tế chia sẻ đang ngày càng mở rộng với hàng loạt sản phẩm, mô hình kinh doanh mới. Nếu cơ chế quản lý không theo kịp thị trường thì chắc chắn rủi ro sẽ nảy sinh. Vì vậy, chúng ta cần có một cuộc cách mạng về tư duy chính sách; chính sách cũng phải mới, mở và thoáng để theo kịp thị trường. Đơn cử, với cho vay ngang hàng, cần đưa hình thức này vào danh mục ngành hàng kinh doanh có điều kiện với các yêu cầu về vốn tối thiểu, hạn mức cho vay tối đa, chỉ được cho vay ngắn hạn và trung hạn, có trần lãi suất và phí…

Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Mạnh Hải – Trưởng Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư) – cho rằng: Cơ quan quản lý cần ủng hộ, đồng thời thay đổi tư duy và cách thức quản lý nhà nước cho phù hợp với xu thế kinh tế số và Cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, để kinh tế truyền thống không bị suy giảm trước sự phát triển mạnh mẽ của những mô hình kinh doanh mới, chúng ta không nên mang tư duy siết chặt, ép các mô hình kinh doanh mới chui vào khuôn khổ quản lý cũ. Các chính sách cần được thay đổi theo hướng nới lỏng, cởi bỏ các hạn chế, điều kiện đối với các mô hình kinh doanh truyền thống, tạo điều kiện và hỗ trợ kinh doanh truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh; hỗ trợ DN công nghệ trong nước phát triển, tạo lập các nền tảng số, chuyển đổi số, số hóa ở từng cấp độ và toàn bộ nền kinh tế.

Theo các chuyên gia, câu chuyện quản lý nền kinh tế chia sẻ không chỉ làm đau đầu các nhà quản lý trong nước mà còn khiến nhiều quốc gia trên thế giới bối rối. Do đó, Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh để vừa tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các mô hình kinh doanh, vừa tận dụng lợi ích mà kinh tế chia sẻ đem lại, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước
11/11/2019
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    P.Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 3, tòa B Cao ốc Văn phòng VG Building. Số 235 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân, TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368