024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Cần bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp

 

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã phần nào đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội theo xu hướng mới. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, các quy định trong bản dự thảo vẫn bộc lộ những nội dung cần được hoàn chỉnh hơn nữa…

Theo thống kê năm 2022, lĩnh vực khai khoáng đóng góp khoảng 2,8% GDP.

Tại hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản”, ngày 14/6, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng Việt Nam là quốc gia có tiềm năng tài nguyên thiên nhiên vào mức trung bình trên thế giới. Xét về chỉ số vốn thiên nhiên, chúng ta đứng thứ 79 thế giới. Các loại khoáng sản mà Việt Nam có thế mạnh là antimon, bauxite, crome, than, mangan, dầu khí, phốt pho, đất hiếm…

LUẬT KHOÁNG SẢN 2010 CÓ NHIỀU BẤT CẬP

Theo thống kê năm 2022, lĩnh vực khai khoáng đóng góp khoảng 2,8% GDP, đứng khoảng thứ 70 trên thế giới. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu khoáng sản thô còn khá lớn, chiếm khoảng 8% tổng kim ngạch thương mại.

Đóng góp của ngành công nghiệp khai khoáng trong nền kinh tế trong thời gian qua là không thể phủ nhận. Song lãnh đạo VCCI cũng thẳng thắn chỉ rõ công nghiệp khai khoáng của Việt Nam chưa phát triển hết tiềm năng. Chúng ta mới chỉ tập trung khai thác mà chưa có đủ công nghệ cũng như năng lực để đầu tư chế biến nhiều loại khoáng sản kim loại.

Một số loại khoáng sản mang tính chiến lược, như đất hiếm vẫn chưa được khai thác để mang lại hiệu quả kinh tế, đối ngoại cho đất nước. Việc khai thác xuống sâu, khai thác ngầm nhiều loại khoáng sản còn gặp nhiều khó khăn.

Năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là văn bản quan trọng trong quá trình hoàn thiện thể chế đối với công nghiệp khai khoáng của chúng ta.

Nghị quyết đặt ra nhiều mục tiêu, đến năm 2045 Việt Nam hình thành nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương với các nước tiên tiến khu vực châu Á. Để làm được điều này thì công tác xây dựng thể chế là đặc biệt quan trọng.

Theo Chủ tịch VCCI, Luật Khoáng sản 2010 đã trải qua hơn 13 năm thi hành, mang lại nhiều kết quả tích cực nhưng cũng có nhiều vấn đề phải sửa đổi, bổ sung.

Cụ thể như vấn đề đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đây là nội dung được đưa vào Luật Khoáng sản năm 2010 và được kỳ vọng  sẽ giúp tăng cường tính minh bạch của lĩnh vực này.

Tuy nhiên, qua 13 năm triển khai, số lượng mỏ khoáng sản được đấu giá rất thấp. Ở cấp Trung ương chỉ có 10 mỏ được đấu giá trên tổng số 441 giấy phép được cấp. Ở địa phương có 827 trường hợp đấu giá trên hơn 3000 giấy phép. Trong khi đó, giá trúng đấu giá luôn cao hơn từ 20 đến 40% giá khởi điểm, có trường hợp cao gấp 2-3 lần.

Bên cạnh đó, vấn đề tài chính về khoáng sản cũng là nội dung cần được tháo gỡ. Theo ông Phạm Tấn Công, vấn đề tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu trước khi mỏ đi vào hoạt động, lại dựa trên số liệu ước đoán từ kết quả thăm dò, đang đẩy toàn bộ rủi ro về phía doanh nghiệp, khiến các dự án khoáng sản đã nhiều rủi ro lại càng thêm rủi ro.

Sự thiếu minh bạch và không ổn định của các nghĩa vụ tài chính khác như thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường cũng làm các doanh nghiệp, ngân hàng do dự khi cân nhắc bỏ vốn vào các dự án khoáng sản quy mô lớn, hoặc các dự án đi kèm chế biến.

Ngoài ra, việc bảo đảm quyền tài sản đối với khai thác khoáng sản cũng là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp quan tâm. Vấn đề này bao gồm nhiều nội dung như: quyền thế chấp quyền khai thác khoáng sản, sản lượng được phép khai thác, giám sát sản lượng để tránh thất thu thuế phí… 

TÍNH VÀ THU TIỀN CẤP QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN CẦN THEO SẢN LƯỢNG KHAI THÁC THỰC TẾ

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo, dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 và xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 8. Dự thảo gồm 117 Điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 1 chương và 31 Điều so với Luật Khoáng sản năm 2010.

Tại buổi góp ý, các đánh giá cho rằng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản về cơ bản đã khắc phục được những tồn tại của Luật khoáng sản năm 2010, tuy nhiên còn nhiều nội dung cần được làm rõ.

Theo ông Phạm Nguyên Hải, Giám đốc pháp chế, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo, ở khía cạnh công cụ kinh tế, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là khoản tiền tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải trả cho Nhà nước để được thực hiện đặc quyền khai thác, thu hồi khoáng sản.

Song theo quy định trong dự thảo, nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì một doanh nghiệp hoạt động khoáng sản như Công ty Núi Pháo đang phải đóng rất nhiều các loại thuế và phí khác nhau.

Trong đó, nhóm các loại thuế bao gồm: thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng; nhóm các loại phí và lệ phí bao gồm phí khai thác và sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản, phí điều tra, thăm dò khoáng sản (hoàn trả cho Nhà nước), phí bảo vệ môi trường và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Và nhóm các loại tiền nộp ngân sách khác như: tiền ký quỹ phục hồi môi trường, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Đáng chú ý, về bản chất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên có tính chất giống nhau vì cùng đánh vào một đối tượng là khoáng sản nguyên khai chưa qua chế biến và dựa trên những căn cứ, phương pháp tính toán tương tự nhau. Trong đó, giá tính thuế tài nguyên đồng thời được dùng làm căn cứ để xác định giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

“Các quy định về xác định và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hiện nay đã tạo ra hiện tượng thuế chồng thuế, khiến rất nhiều doanh nghiệp hoạt động khoáng sản rơi vào tình cảnh khó khăn, kể cả các doanh nghiệp ở quy mô lớn”, ông Hải nêu thực tế.

Do đó, đại diện Núi Pháo đề xuất nên tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế hàng năm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.

Đồng tình, TS Lê Ái Thụ, Chủ tịch Hội Địa chất Kinh tế Việt Nam góp ý, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở căn cứ “giá tính thuế tài nguyên khoáng sản” sẽ tạo ra tâm lý cho rằng nhà nước lại đặt ra một loại thuế mới. Vì vậy, nếu có quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì chỉ chỉ định: “Tiền cấp quyền được tính trên sản lượng thực tế khai thác hàng năm”.

Vũ Khuê

17/06/2024
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    P.Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 3, tòa B Cao ốc Văn phòng VG Building. Số 235 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân, TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368