024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ kích cầu, bình ổn giá

 

Các chính sách tài chính, tiền tệ trong thời gian qua đã được điều chỉnh linh hoạt nhằm hỗ trợ, kích thích tiêu dùng, bình ổn giá. Thời gian tới, các chính sách này sẽ tiếp tục được thực hiện nhịp nhàng để kiểm soát lạm phát.

CPI tháng 1/2025 tăng 0,98% chủ yếu do nhu cầu người dân mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh tư liệu

Nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, trong phạm vi mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm do Quốc hội và Chính phủ đề ra. Bước sang năm 2025, CPI tháng 1/2025 tăng 0,98% so với tháng 12/2024 chủ yếu do tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại các địa phương, giá thực phẩm, dịch vụ giao thông tăng khi nhu cầu người dân mua sắm, đi lại tăng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 1/2025 tăng 3,63%.

Để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra và thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công, mặt hàng do nhà nước quản lý trong thời gian qua đã có sự đóng góp của các chính sách tài khóa.

Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao, đề xuất, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các chính sách tài khóa để cùng với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân.

Theo đó, trong năm 2024, cùng với việc đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện các giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, theo dõi sát tình hình thực tế và những dự báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong nước và thế giới, Bộ Tài chính đã tiếp tục chủ động nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gắn với công tác xây dựng, giao dự toán ngân sách nhà nước hàng năm để bảo đảm khả năng cân đối của ngân sách nhà nước cũng như để các địa phương chủ động trong việc thực hiện dự toán cân đối ngân sách địa phương.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình cấp thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân. Kết quả thực hiện năm 2024, tổng số miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân ước khoảng 197,3 nghìn tỷ đồng, trong đó số miễn, giảm khoảng 99 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 98,3 nghìn tỷ đồng.

Hiện nay, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các chính sách giảm thuế có hiệu lực thi hành trong năm 2025. Cụ thể, giảm 2% thuế suất GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng đầu năm 2025; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn áp dụng cho năm 2025…

Theo các chuyên gia, các giải pháp chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất được ban hành, thực hiện trong năm 2024 với quy mô hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã phát huy hiệu quả tích cực, hỗ trợ kịp thời các hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả

Đối với chính sách tiền tệ, năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô.

Theo đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) được giữ ổn định; điều hành tín dụng được thực hiện chủ động, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; các mức lãi suất điều hành trong năm 2024 giữ nguyên nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp góp phần hỗ trợ nền kinh tế; điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hóa giải các cú sốc bên ngoài.

Kết quả, tăng trưởng tín dụng năm 2024 cải thiện so với năm trước, đến ngày 31/12/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 15,08% so với cuối năm trước. Thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm, phù hợp với điều kiện thị trường (đến ngày ngày 31/12/2024, tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường tăng 5,03% so với cuối năm trước).

Giới phân tích nhận định, năm 2025, Việt Nam sẽ gặp không ít thách thức, tác động mạnh lên tỷ giá và lạm phát, nhất là khi cầu hàng hóa trong nước và thế giới chưa phải hồi phục hoàn toàn. Bởi vậy, cần tận dụng dư địa để mở rộng chính sách tài khóa nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025..

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia cho biết, chính sách tiền tệ 2025 cần linh hoạt để ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.

TS. Hoàng Trung Đức - Khoa Tài chính công (Học viện Tài chính) nhấn mạnh, để kiểm soát lạm phát trong năm 2025, Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và quản lý giá cả, đồng thời đẩy mạnh cải cách chuỗi cung ứng và hỗ trợ sản xuất nội địa. Kiểm soát lạm phát không chỉ đảm bảo đời sống người dân mà còn tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế.

Phối hợp nhịp nhàng chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc – Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, một trong những giải pháp trọng tâm để kiểm soát lạm phát năm 2025 là điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Khánh Linh

12/02/2025
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    P.Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 3, tòa B Cao ốc Văn phòng VG Building. Số 235 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân, TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368