024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Nhân tố ảnh hướng đến cấu trúc vốn doanh nghiệp công nghiệp – nghiên cứu thực nghiệm tại Việt Nam.

Mọi ngành nghề, trong đó ngành công nghiệp, là ngành kinh tế trọng điểm, có vai trò đặc biệt đối với nền kinh tế. Đặc biệt, Việt Nam là nước đang phát triển nên ngành công nghiệp là cơ sở nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước đang phải đối mặt với những nguy hiểm, thách thức, rủi ro cao ở cả bên trong lẫn bên ngoài. Xuất phát là từ nguồn vốn, nguồn lực của các doanh nghiệp không mạnh và yếu kém là do nhà quản lý doanh nghiệp không tốt khi đưa ra những quyết định không hợp lý.

Xác định cấu trúc vốn (CTV) tối ưu nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp là một trong những quyết định quan trọng nhất không chỉ của nhà quản trị, nhà hoạch địch mà còn đối với thông tin CTV được đưa ra bởi kế toán quản trị cung cấp trong nội bộ doanh nghiệp.

Nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng CTV ngày càng trở nên quan trọng khi nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu và nhiều vụ phá sản đã diễn ra, nó đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu và là một chủ đề của cuộc tranh luận đáng kể trong các nghiên cứu cả lý thuyết và thực nghiệm.

Cơ sở lý thuyết:

Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện để xác định các nhân tố quyết định CTV của doanh nghiệp trên thế giới kể từ khi công việc hội thảo được tiến hành bởi Modigliani và Miller (1958). Kể từ đó, đã có rất nhiều lý thuyết đã được ra đời và phát triển, đưa ra một số nhân tố có thể tác động đến việc quyết định cấu trúc vốn của một doanh nghiệp, chẳng hạn như lý thuyết trật tự phân hạng, lý thuyết đánh đổi cấu trúc vốn, lý thuyết chi phí đại diện.

Theo đó, sự tác động tổng hợp 3 yếu tố: thuế, chi phí, chi phí kiệt quệ khi sử dụng nợ với những tác động ngược chiều nhau hình thành CTV tối ưu. Thêm vào đó, Lý thuyết đánh đổi trình bày quan điểm cho một sự cân bằng về tối ưu CTV nhằm tối đa hóa giá trị doanh nghiệp là một tỉ lệ cân bằng giữa lợi ích của nợ và chi phí tiềm tàng của nợ, lợi nhuận cao có nghĩa là có nhiều khả năng nợ vay cao và có nhiều lợi nhuận chịu thuế để được khấu trừ và sẽ cho một tỷ lệ nợ mục tiêu cao hơn. Theo lý thuyết trật tự phân hạng, không xác định được giữa nợ và vốn cổ phần mục tiêu nào, CTV tối ưu khó có thể xác định được là do trong trật tự phân hạng: Vốn chủ sở hữu hay là Lợi nhuận giữ lại được xếp một là ở vị trí đầu tiên và phát hành cổ phần mới hai là vị trí cuối cùng. Lý thuyết đại diện cho rằng có tồn tại khả thi một CTV doanh nghiệp tối ưu, do doanh nghiệp luôn có chi phí đại diện. Chi phí đại diện này xuất phát từ sự mâu thuẫn lợi ích giữa cổ đông và nhà quản lý, và phát sinh từ sự mâu thuẫn lợi ích giữa cổ đông doanh nghiệp với các trái chủ, chủ nợ trong và ngoài doanh nghiệp, tất cả được gọi là chi phí đại diện của Vốn chủ sở hữu.

Các nghiên cứu về ảnh hưởng của yếu tố đến cấu trúc vốn:

Một số nghiên cứu thực nghiệm cho kết quả tán đồng với các lý thuyết trên, vẫn còn nhiều kết quả nghiên cứu trái chiều nhau. Nnadi M, (2016) nghiên cứu các yếu tố kế toán ảnh hưởng đến CTV trong Cộng đồng kinh tế ASEAN, kết quả CTV bị tác động bởi TSHH, lợi nhuận, quy mô, EPS và tăng trưởng, lãi suất và quốc gia.

 Một số khác như, G. Cassar and S. Holmes (2003) nghiên cứu các yếu tố quyết định CTV các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kết quả cho thấy tài sản, lợi nhuận và tăng trưởng là những yếu tố quan trọng quyết định CTV. G.C. Hall, P.J. Hutchinson, and N. Michaelas (2004) kiểm tra mức độ mà các yếu tố quyết định CTV của doanh nghiệp vừa và nhỏ các nước châu Âu, CTV ngắn và dài hạn phụ thuộc lợi nhuận, tăng trưởng, cấu trúc tài sản, quy mô và tuổi như các biến độc lập.

Tại Mỹ, Gill và các cộng sự (2009) nghiên cứu nhân tố tác động cấu trúc vốn trong ngành dịch vụ từ nghiên cứu của Neelakantan (2006) thực hiện tại Việt Nam, nghiên cứu ảnh hưởng của biến tài sản cố định và lợi nhuận quan hệ ngược chiều, trong khi đó 04 biến còn lại là quy mô, thuế TNDN, tấm chấn thuế và cơ hội tăng trưởng không có tác động đáng kể lên cấu trúc vốn của các doanh nghiệp ngành dịch vụ.

Phương pháp nghiên cứu:

* Mô hình nghiên cứu:

Do Tổng nợ của doanh nghiệp gồm nợ ngắn hạn và nợ dài hạn, có 3 mô hình cụ thể: Tỷ lệ tổng nợ (TLEV), Tỷ lệ nợ ngắn hạn (SLEV) và Tỷ lệ nợ dài hạn (LLEV).

Mô hình 1:

TLEV = α + β1X1 + β2X2 + β3X3 + β4X4 + β5X5 + β6X6 + β7X7 + β8 X8 + β9 X9 + e

Mô hình 2:

SLEV = α + β1X1 + β2X2 + β3X3 + β4X4 + β5X5 + β6X6 + β7X7 + β8 X8 + β9 X9 + e

Mô hình 3:

LLEV = α + β1X1 + β2X2 + β3X3 + β4X4 + β5X5 + β6X6 + β7X7 + β8 X8 + β9 X9 + e

Biến độc lập:     X1: Quy mô tổng tài sản của DN.

                          X2: Tỷ lệ tài sản cố định hữu hình của DN.

                          X3: Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản của DN.

                          X4: Tốc độ tăng trưởng doanh thu của DN.

                          X5: Khả năng thanh khoản của DN.

                          X6: Tỷ lệ thuế Thu nhập DN phải nộp/EBIT của DN..

                          X7: Tuổi của DN.

                          X8: Vị trí địa lý của DN.

                          X9: Hình thức sở hữu của DN.

α: Hệ số tự do

β1, β2, …., β9: Các hệ số hồi quy.

e: Sai số ngẫn nhiên.  

* Phương pháp ước lượng:

Nghiên cứu định lượng dựa trên mô hình hồi quy dự báo mối quan hệ của các nhân tố với cấu trúc vốn doanh nghiệp, với hoạt động vay nợ và phát hành cổ phần của doanh nghiệp. Mô hình hồi quy tuyến tính là mô hình được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu mối quan hệ giữa các nhân tố ảnh hưởng và cấu trúc vốn.

* Mẫu

Mẫu nghiên cứu bao gồm 104 doanh nghiệp ngành công nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh trong 3 năm liên tiếp từ 2016 – 2018.

Kết quả nghiên cứu:

Kết quả hồi quy 3 mô hình:

TLEV = - 0,304 + 0,034 SIZE - 0,116 TANG - 0,862 ROA + 0,042 GROW - 0,026 LIQUID - 0,418 TAX + 0,002 AGE

Phương trình TLEV biểu hiện: tỷ lệ tổng nợ trên tổng tài sản chịu ảnh hưởng của 7 nhân tố. Hiệu quả hoạt động kinh doanh ROA tác động nghịch chiều mạnh nhất đến TLEV. Mối quan hệ này có thể được lý giải bởi lý thuyết trật tự phân hạng: các công ty ưu tiên sử dụng LNGL hơn so với nguồn tài trợ bên ngoài. Tiếp đến là mức độ ảnh hưởng nghịch chiều của thuế TAX, cơ cấu tài sản TANG và tính thanh khoản LIQUID.  Ba nhân tố còn lại tác động thuận chiều đến TLEV với mức độ yếu hơn là quy mô doanh nghiệp SIZE, tuổi AGE, tốc độ tăng trưởng GROW.

SLEV = 0,549 - 0,442 TANG - 0,365 ROA - 0,028 LIQUID - 0,313 TAX + 0,002 AGE

Phương trình SLEV cho thấy chịu tác động bởi 5 nhân tố trong đó, cơ cấu tài sản TANG tác động nghịch chiều mạnh nhất đến SLEV, kế đến là mức độ tác động nghịch chiều của hiệu quả hoạt động kinh doanh ROA, tính thanh khoản LIQUID và thuế TAX. Và nhân tố tuổi doanh nghiệp AGE tác động thuận chiều đến SLEV với mức độ nhẹ.

LLEV = -1.020 - 0,040 SIZE + 0.339 TANG - 0,511 ROA + 0,040 GROW

Phương trình LLEV cho thấy chịu ảnh hưởng các nhân tố trong đó tác động nghịch chiều mạnh nhất là hiệu quả hoạt động kinh doanh ROA, tác động cùng chiều mạnh nhất là cơ cấu tài sản. Và các nhân tố khác tác động đến LLEV với mức độ nhẹ hơn.

Về lý thuyết kết quả phân tích ở cả 3 mô hình cho thấy giữa ROA và CTV có mối quan hệ nghịch, kết quả này hàm ý trong giai đoạn tác giả nghiên cứu năm 2016-2018 các doanh nghiệp cắt giảm các khoản vay, tái cấu trúc lại nợ bởi vì giai đoạn khủng hoảng các khoản vay với chi phí cao trong khi gần đây lãi suất vay có xu hướng giảm nên buộc các doanh nghiệp phải giảm vay, đáo hạn nợ chờ vay lại nợ mới với chi phí thấp hơn để đảm bảo hiệu quả. Biến GROW quan hệ cùng chiều với CTV chung và dài hạn, cho thấy các doanh nghiệp muốn tăng CTV trong thời gian dài hạn thì phải có tình hình kinh doanh tốt, doanh thu tăng trưởng ở mức ổn định trong khoảng thời gian dài. Biến LIQUID tương quan nghịch với CTV chung và ngắn, gợi ý các doanh nghiệp có thanh khoản cao và có luồng tiền tốt, có thể sử dụng nguồn tiền từ hoạt động tạo ra để tài trợ lại, hoặc dùng nguồn này để tất toán nợ cũ giảm nợ. Biến TAX quan hệ nghịch với CTV chung ngắn hạn, vì nếu các doanh nghiệp có lãi cao thì thuế TNDN đóng góp cũng cao họ có thể sử dụng tiềm lực sẵn có tài trợ giảm cấu trúc vốn và ngược lại. Biến AGE quan hệ thuận với CTV chung và ngắn hạn vì các doanh nghiệp hoạt động lâu năm muốn kinh doanh tốt cần có nguồn vốn cao, do đó họ phải mượn nợ và nợ sẽ tăng dần theo thời gian do chi phí vay. Trong khi Biến (SIZE) và biến TANG tương quan khác nhau, hàm ý các doanh nghiệp có quy mô kinh lớn thường sử dụng những khoản nợ vay cao nhưng lại giảm bớt vay dài hạn, có cơ cấu tài sản cố định cao có xu hướng khả năng tăng nợ vay dài hạn trong khi giảm các khoản vay ngắn hạn. Biến OWNER và LOCATED không tương quan cho thấy các doanh nghiệp có vốn nhà nước hay tư nhân ở vị trí địa lý khác nhau cũng không khác biệt về ưu thế về tài sản, tính đảm bảo vốn khi vay nợ

Kết luận:

Qua kết quả hồi quy của đề tài cho thấy tỷ lệ nợ của các doanh nghiệp ngành công nghiệp TP.HCM niêm yết khá cao, trong đó tỷ lệ nợ ngắn hạn cao hơn nhiều so với tỷ lệ nợ dài hạn. Điều đó cũng cho thấy nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp khá cao đặc biệt là vốn ngắn hạn. Có thể lý giải trên thực tế các doanh nghiệp ngành công nghiệp TP.HCM được niêm yết cần vay vốn ngắn hạn chủ yếu để mua nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh.

Từ kết quả nghiên cứu, các bên có liên quan cần chú ý đến các ý kiến góp ý như sau:

Về phía các nhà quản trị, quản lý doanh nghiệp: xây dựng cơ chế quản trị hiệu quả, chủ động cập nhật các diễn biến mới, lý thuyết, tình hình phát triển mới của các vấn đề kinh tế để bảo vệ chính công ty của mình. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành nhằm phát hiện nhanh chóng, kịp thời các rủi ro tiềm ẩn, minh bạch hóa thông tin, chuẩn hóa hệ thống kế toán.

Về phía các kế toán quản trị viên: thông tin mà kế toán quản trị cung cấp không phải là thông tin tài chính đơn thuần, trước khi cung cấp thông tin thì kế toán quản trị cần biết rõ mục đích và ảnh hưởng của những thông tin đó. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì CTV thích hợp cho doanh nghiệp. Kế toán quản trị viên là người trợ giúp nhà quản trị quyết định tỷ lệ thích hợp giữa Nợ và Vốn, đồng thời tư vấn các phương án huy động vốn với chi phí tối ưu (nợ ngân hàng hoặc phát hành cổ phiếu, trái phiếu…).

Về phía nhà nước: để các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả và ổn định ngoài sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp thì cần phải có sự hỗ trợ của nhà nước. Nhà nước phải tạo một môi trường kinh tế ổn định, môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh, từ đó tạo chất xúc tác cho hoạt động của doanh nghiệp.

Kết quả nghiên cứu còn có những giới hạn: chỉ doanh nghiệp trong ngành công nghiệp, chưa thể là kết luận cho các ngành khác nữa, mà nên có nghiên cứu khác cho các ngành khác như: ngành dịch vụ, tài chính… Nghiên cứu không thể đưa hết tất cả các nhân tố vào mô hình để đánh giá mức độ tác động đến CTV. Như các nhân tố vĩ mô: lãi suất, lạm phát, GDP, cơ cấu nền kinh tế, tỷ giá… và đặc biệt các yếu tố thuộc về môi trường bên ngoài doanh nghiệp nên kết quả nghiên cứu còn hạn chế về khả năng nhận định. các nghiên cứu tiếp theo có thể xem xét tới nhiều yếu tố hơn, số mẫu nhiều hơn và đo lường theo giá trị thị trường sẽ có khả năng khái quát hóa cao hơn, có đầy đủ thông tin cung cấp hơn để đưa ra các khuyến nghị xây dựng CTV hợp lý cho doanh nghiệp các ngành Công nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

1. Nnadi M, (2016). Accounting Factors Affecting the Capital Structure in the Asian Economic Community. International Journal of Accounting Research, Vol 5, Issue 1.

2. G. Cassar and S. Holmes, “Capital Structure and Financing of SMEs: Australian Evidence,” Journal of Accouting and Finance, Vol. 43, 2003, pp. 123-147.

3. G.C. Hall, P.J. Hutchinson, and N. Michaelas, “Determinants of the Capital Structures of European SMEs”, Journal of Business Finance and Accounting, vol.31, 2004, pp. 711-728

4. Gill et al., (2009). The Determinants of Capital Structure In The Service Industry: Evidence From United States. The Open Business Journal, 2009, 2: 48-53.

5. Tran Dinh Khoi Nguyen and Neelakantan Ramachandran, (2006). Capital Structure in Small and Medium-sized Enterprises: The Case of Vietnam Asean Economic Bulletin, Vol 23, No.2, pp.192-211.

Tác giả: - Trần Khánh Lâm (tiến sĩ, kiểm toán viên)– Tổng thư ký, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA)

              - Trần Thanh Hoàn – Học viên cao học, trường ĐH Kinh Tế Tp. Hồ Chí Minh

Trích nguồn: VACPA
Trần Khánh Lâm – Trần Thanh Hoàn

20/12/2019
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368