![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 216/2025/QH15 của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN), Bộ Tài chính đã quy định rõ các đối tượng được miễn thuế; đồng thời điều chỉnh, bổ sung một số nội dung để bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, tạo thuận lợi cho người dân và tổ chức sản xuất nông nghiệp.
Việc kéo dài miễn thuế SDĐNN không chỉ tiếp tục hỗ trợ người dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp ổn định, mà còn thể hiện rõ chủ trương khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững và hiệu quả.
Quy định cụ thể đối tượng
Tại Điều 2 của Dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính quy định rõ các đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Việc xác định này được thực hiện theo quy định tại Điều 1 của Nghị quyết số 55/2010/QH12, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 28/2016/QH14.
Cụ thể, miễn thuế SDĐNN đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm; diện tích đất trồng cây hằng năm theo quy định của pháp luật về đất đai; diện tích đất làm muối.
Đồng thời, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao hoặc công nhận quyền sử dụng đất cho hộ nghèo cũng thuộc diện miễn thuế. Việc xác định hộ nghèo căn cứ theo chuẩn nghèo do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Trường hợp UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quy định cụ thể về chuẩn hộ nghèo áp dụng tại địa phương thì sử dụng theo chuẩn này.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định miễn thuế SDĐNN đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, bao gồm cả trường hợp nhận thừa kế, tặng cho.
Các hộ gia đình, cá nhân là thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hoặc đã nhận đất giao khoán ổn định từ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, nông - lâm trường quốc doanh, hoặc công ty nông - lâm nghiệp nhà nước cũng thuộc diện miễn thuế nếu đang sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, hộ gia đình, cá nhân góp quyền sử dụng đất của mình để thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2023 cũng được miễn thuế.
Đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, cũng được miễn thuế SDĐNN. Trường hợp các đơn vị này không trực tiếp sử dụng đất mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu để sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng, thì trong thời gian Nhà nước chưa thu hồi đất, diện tích đó vẫn phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định.
Về thủ tục và hồ sơ kê khai, miễn thuế đối với các đối tượng nêu trên, Dự thảo quy định việc thực hiện sẽ tuân thủ theo các quy định của pháp luật về quản lý thuế hiện hành.
Hoàn thiện quy định để phù hợp pháp luật hiện hành
Bộ Tài chính cho biết, các quy định nêu trên về đối tượng miễn thuế cơ bản kế thừa nội dung đã được áp dụng tại Nghị định số 20/2011/NĐ-CP và Nghị định số 21/2017/NĐ-CP. Quá trình thực hiện các văn bản này không phát sinh vướng mắc lớn. Tuy nhiên, để bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, dự thảo lần này có một số điểm được sửa đổi, bổ sung.
Cụ thể, cụm từ “diện tích đất trồng cây hằng năm” được điều chỉnh để phù hợp hơn với quy định hiện hành của Luật Đất đai. Bên cạnh đó, bổ sung cụm từ “liên hiệp hợp tác xã” vào quy định nhằm bao quát đầy đủ các mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2023.
Cụm từ “nông trường viên, lâm trường viên” cũng được thay thế bằng “hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư” để tương thích với Nghị định số 168/2016/NĐ-CP về giao khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty TNHH MTV nông - lâm nghiệp nhà nước, trong bối cảnh các khái niệm về nông trường viên, lâm trường viên không còn được quy định trong pháp luật hiện hành.
Bộ Tài chính cũng cho biết, tại Điều 3, dự thảo Nghị định quy định về hạng đất tính thuế SDĐNN vẫn căn cứ theo Quyết định số 326/TTg ngày 18/5/1996 của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định điều chỉnh (nếu có).
Theo quy định của Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, hạng đất tính thuế được ổn định trong thời gian 10 năm. Kể từ khi luật có hiệu lực đến nay, việc tính thuế vẫn áp dụng theo hạng đất tại Quyết định 326/TTg ngày 18/5/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê chuẩn hạng đất tính thuế SDĐNN.
Trong thực tế, chỉ có hai địa phương là Trà Vinh và Đắk Lắk được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh lại hạng đất cho giai đoạn 2008 - 2017 và 2011 - 2020. Như vậy, phần lớn các địa phương hiện vẫn áp dụng hạng đất tính thuế theo Quyết định ban đầu.
Về thời hạn miễn thuế kéo dài đến hết năm 2030, tại Điều 4, dự thảo nêu rõ thời hạn miễn thuế SDĐNN sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030. Quy định này nhằm phù hợp với Nghị quyết số 216/2025/QH15 của Quốc hội - văn bản pháp lý cao nhất quyết định việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN trong 5 năm tới.
Thùy Linh