Mới đây, trong cuộc họp bàn về xây dựng pháp luật, liên quan đến dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ các quan điểm: Mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; chống thất thu thuế, nhất là trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống, bán lẻ…
Theo dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (sửa đổi), đã bổ sung đối tượng nộp thuế là các: Doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với+thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam, bao gồm cả thu nhập từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh. Chính phủ quy định cụ thể việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập phát sinh tại Việt Nam quy định tại điểm này.
Doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, phải nộp thuế TNDN đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.
Đây là quy định mới được Bộ Tài chính bổ sung trong dự thảo sửa Luật Thuế TNDN lần này, nhằm bao quát các nguồn thu, thu đúng, thu đủ về ngân sách nhà nước.
Trên thực tế, những năm qua, Bộ Tài chính đã đi đúng hướng khi mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là từ thương mại điện tử để bù đắp số thu bị giảm do thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.
Theo dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (sửa đổi), đã bổ sung đối tượng nộp thuế là các: Doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam, bao gồm cả thu nhập từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh. |
Đây cũng là nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính trong Nghị quyết 93/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Chống thất thu thuế qua thương mại điện tử cũng là nhiệm vụ mà ngành thuế đang nỗ lực đẩy mạnh trong thời gian qua và đã có sự khởi sắc. Nếu như cách đây vài năm, gần như người bán hàng online không có khái niệm phải đóng thuế, thì nay mọi việc đã dần thay đổi. Nhất là từ khi có Đề án 06 về dữ liệu dân cư và Chỉ thị 18/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế.
Theo số liệu được công bố mới đây, tổng doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD và sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025. Theo thống kê chưa đầy đủ, doanh thu thuế thương mại điện tử trong nửa năm qua đã đạt 1,98 triệu tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng đã đẩy mạnh thực hiện quản lý thu trên môi trường điện tử, góp phần tăng cường kiểm soát, quản lý doanh thu, đảm bảo thu thuế, môi trường kinh doanh minh bạch nhằm tăng thu NSNN. Tổng số lượng hóa đơn đã tiếp nhận và xử lý đến ngày 16/8/2024 là hơn 9,6 tỷ hóa đơn.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã vận hành thành công Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN), đã có 106 NCCNN đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử, với tổng số thuế các NCCNN đã nộp vào NSNN là hơn 17.800 tỷ đồng.
Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng về thương mại điện tử nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Từ đó đặt ra yêu cầu về quản lý thuế và quản lý về chất lượng hàng hóa, chống lừa đảo trên nền tảng thương mại điện tử.
Thực hiện Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh và chia sẻ dữ liệu thương mại điện tử, chống thất thu thuế.
Hoạt động tại Trung tâm Giám sát Hệ thống công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế. Ảnh: Tư liệu minh họa.
Đồng thời, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 56/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Để triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Thuế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ các nhóm đối tượng người nộp thuế. Bên cạnh đó, ngành thuế tăng cường khai thác, rà soát cơ sở dữ liệu thương mại điện tử cũng như tiếp tục làm đầy cơ sở dữ liệu, rà soát chất lượng thông tin do sàn cung cấp.
Cơ quan thuế đã tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại điện tử; tăng cường quản lý thuế lĩnh vực dịch vụ truyền hình, truyền thông, sáng tạo nội dung số phát sinh thu nhập từ quảng cáo trực tuyến trên các nền tảng xuyên biên giới; rà soát thông tin đối với tổ chức, cá nhân bán hàng livestream trên các nền tảng xã hội…
Chỉ đạo Bộ Tài chính liên quan đến dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu một số nội dung để phân cấp cho Chính phủ quy định để bảo đảm điều chỉnh linh hoạt phù hợp tình hình; tháo gỡ những vướng mắc về hoàn thuế, thu thuế…; giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp để nộp thuế dễ dàng, giảm đi lại, mất thời gian.
Cùng với việc bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, cần ưu đãi thuế cho một số đối tượng phù hợp như doanh nghiệp làm nhà ở xã hội; khuyến khích đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; những nội dung đã ổn định như về chính sách ưu đãi đầu tư thì tiếp tục làm tốt hơn, không gây xáo trộn không cần thiết.
Theo kế hoạch, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025)./.
Duy trì mức thuế cạnh tranh so với nhiều quốc gia trong khu vực Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã từng bước giảm thuế suất thuế TNDN phổ thông qua các lần sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNDN theo đúng lộ trình đề ra. Từ ngày từ 1/1/2016, mức thuế suất phổ thông thuế TNDN áp dụng là 20%; riêng doanh nghiệp có quy mô nhỏ được áp dụng thuế suất 20% ngay từ 1/7/2013. So với các nước trong khu vực ASEAN, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông 20% là bằng với mức thuế suất đang áp dụng tại Thái Lan, Lào, Campuchia; thấp hơn so với Philippin (30%), Myanmar (25%), Malaysia (24%), Indonesia (22%) và cao hơn so với Singapore (17%), Brunei (18,5%). Việc duy trì mức thuế suất phổ thông 20% đã đảm bảo sự cạnh tranh với các nước trong khu vực, phù hợp với thực tiễn hiện nay. |
Minh Anh