Với tỷ lệ giải ngân 7 tháng ước đạt 43,5% kế hoạch vốn giao, tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đang có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, mới chỉ có 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%, còn lại đều đạt thấp. Thậm chí hiện còn 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%.
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh
"Bức tranh" giải ngân vẫn còn "gam màu tối"
Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 27.220 tỷ đồng, bao gồm 26.400 tỷ đồng vốn trong nước và 820 tỷ đồng vốn nước ngoài. Sau khi nhận vốn, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã khẩn trương phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án. Tuy nhiên, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, hiện vẫn còn 836,2 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết do một số dự án đang thực hiện lập, phê duyệt dự án nên chưa đủ điều kiện để giao vốn.
Về tiến độ giải ngân, Bộ Tài chính cho biết, lũy kế giải ngân đến hết tháng 6/2024 của nguồn vốn này là 8.638,349 tỷ đồng, đạt 31,74% kế hoạch vốn. Ước lũy kế giải ngân đến hết tháng 7/2024 là 11.480,827 tỷ đồng, đạt 43,5% kế hoạch vốn. Đáng chú ý, hiện có 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này đạt cao, trên 50% kế hoạch là: Hậu Giang (83%), Ninh Thuận (63%), Tây Ninh (59%), Yên Bái (57%), Vĩnh Long (56%), Lâm Đồng (54%), Bạc Liêu (52%). Tuy nhiên, vẫn còn tới 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, dưới 10%, bao gồm: Hòa Bình (5%), Cà Mau (6%), Bình Phước (6%), Nam Định (9%), đã làm cho "bức tranh" giải ngân nguồn vốn CTMTQG chưa được tươi sáng như kỳ vọng.
Ngoài các vướng mắc chung đã được chỉ ra, tại mỗi địa phương cũng đang gặp phải những khó khăn riêng làm cho việc giải ngân nguồn vốn này bị chậm. Tỉnh Hòa Bình đang đứng đầu danh sách 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất hiện nay là một ví dụ. Theo báo cáo của tỉnh này, công tác lập, giao kế hoạch vốn đã được Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các sở, ngành chức năng triển khai kịp thời, đúng tiến độ. Vậy nhưng cả vốn chuyển nguồn và vốn năm 2024 đều đạt tỷ lệ giải ngân rất thấp. Nguyên nhân do một số dự án chuyển tiếp trong quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc; việc hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án, danh mục đầu tư mới năm 2024 chậm dẫn đến chậm triển khai và chậm tiến độ giải ngân.
Đặc biệt, theo báo cáo của tỉnh Hòa Bình, vướng mắc lớn nhất của địa phương chính là còn lúng túng trong việc thực hiện thủ tục đầu tư nguồn vốn kế hoạch năm 2024. Theo Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết, tỉnh có 10 huyện, thành phố thì cả 10 huyện, thành phố đều có văn bản xin thống nhất với cơ quan chủ quản chương trình về phân bổ chi tiết vốn đối với các danh mục, công trình, dự án đã đủ điều kiện. Tuy vậy, hiện vẫn còn một số huyện có các danh mục công trình đang điều chỉnh, hoặc dự án chưa xin ý kiến thống nhất. Cá biệt có huyện Tân Lạc đã phải điều chỉnh danh mục dự án đầu tư sau khi HĐND tỉnh có nghị quyết về việc chi ngân sách nhà nước thực hiện dự án thuộc các CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Điều này đã dẫn đến việc phân bổ nguồn vốn chi tiết cho từng dự án tại huyện chậm so với kế hoạch.
Nỗ lực cải thiện các gam màu tối
Việc triển khai thực hiện các CTMTQG trong những năm qua có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng tích cực đến đời sống của người dân. Đặc biệt, việc triển khai đồng bộ CTMTQG ở các địa phương đã tạo cơ hội và điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động. Các CTMTQG cũng góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Theo đó, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được tăng cường đã tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân.
Với ý nghĩa tốt đẹp đó, cùng quyết tâm đưa nhanh, kịp thời nguồn vốn CTMTQG đến các dự án, công trình, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn này. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các chủ CTMTQG, dự án, tiểu dự án thành phần, cơ quan chủ trì hướng dẫn quản lý vốn đầu tư công, UBND các tỉnh ban hành, hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ cơ chế chính sách và kịp thời hướng dẫn tổ chức triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Là cơ quan thực hiện kiểm soát, thanh toán vốn, các đơn vị Kho bạc Nhà nước đóng trên địa bàn đang tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để điều hành và đảm bảo các giao dịch thông suốt, liên tục, không bị ách tắc; thực hiện thanh toán ngay cho các công trình, dự án khi có đủ điều kiện giải ngân.
Về phía các địa phương cũng đang tích cực để cải thiện tỷ lệ giải ngân nguồn vốn CTMTQG, góp phần đưa tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư tăng lên trong những tháng còn lại của năm. Đơn cử như tỉnh Quảng Nam, mặc dù tỉnh đã liên tục chỉ đạo, đôn đốc nhưng tiến độ giải ngân vốn CTMTQG của 6 huyện vùng cao thuộc tỉnh mới chỉ đạt tỷ lệ 19%. Theo đó, lãnh đạo tỉnh này đang yêu cầu chính quyền các cấp phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc các công trình đã bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành hồ sơ quyết toán, giải ngân vốn.
Còn tại tỉnh Hà Giang, những vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng, khó khăn về nguyên vật liệu phục vụ thi công, thời tiết bất lợi đã làm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn CTMTQG bị chậm. Lãnh đạo tỉnh này đang quyết liệt yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thu hồi vốn của các dự án đến ngày 30/6 vừa qua không đảm bảo tiến độ giải ngân theo kế hoạch đặt ra để chuyển cho các dự án đang có tiến độ thi công tốt, giải ngân nhanh.
Giải quyết nhanh các khó khăn, vướng mắc Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn CTMTQG, Bộ Tài chính đã yêu cầu chính quyền các địa phương thường xuyên tổ chức giao ban với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án về tình hình thực hiện và thanh toán vốn của các dự án; kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền, địa phương sớm có văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. |
Hạnh Thảo