Phát triển tín dụng xanh ghi nhận những tín hiệu tích cực bước đầu và tăng trưởng hai chữ số kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, dư nợ lĩnh vực này hiện vẫn hạn chế và tốc độ tăng trưởng đang đuối dần, một phần do khung pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu hướng dẫn cụ thể về danh mục xanh, dự án xanh.
Nguồn: FiinRatings Đồ họa: Văn Chung
Là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, ngành ngân hàng tiên phong xanh hóa dòng vốn đầu tư, nâng cao trách nhiệm xã hội hướng tới các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, trong đó có yêu cầu về áp dụng các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị).
Bà Lê Mai - Giám đốc Quan hệ khách hàng kiêm Giám đốc quốc gia về Tài trợ Bền vững, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho biết, tài trợ phát triển bền vững là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của ngân hàng. “Tín dụng xanh chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng dư nợ tín dụng. Trên toàn cầu, ngân hàng Standard Chartered cam kết giải ngân 300 tỷ USD đến năm 2030 cho hoạt động tài trợ bền vững. Đến năm 2023, ngân hàng giải ngân 87,2 tỷ USD và mong muốn sẽ giải ngân nhiều hơn nữa tại thị trường Việt Nam cũng như các thị trường khác” - bà Mai cho biết.
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, bà Lê Mai cho biết tại thị trường Việt Nam, việc tài trợ các dự án xanh còn tương đối mới mẻ, vì vậy, ngân hàng sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp và tư vấn để họ tiếp cận tài chính xanh. Theo đó, các khoản vay tài trợ dự án, hoạt động sản xuất kinh doanh phải thoả mãn các bộ tiêu chuẩn, đánh giá cũng như tiêu chí xanh ngân hàng đề ra trong từng lĩnh vực.
Tín dụng xanh tăng trưởng 7,11%“Đến ngày 30/9/2024 có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665.000 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2023. Các tổ chức tín dụng tăng cường quản lý rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,28 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 22,33%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 15,62% so với cuối năm 2023’. Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) |
Quan trọng nhất theo đại diện Standard Chartered là ngân hàng cần một bên thứ ba thực hiện đánh giá độc lập, xác nhận các dự án được cấp tín dụng xanh. Việc thiếu đồng bộ trong khung chính sách cho ESG cũng là một trong những rào cản với tăng trưởng tín dụng xanh.
Những năm vừa qua, Ngân hàng Standard Chartered nỗ lực hỗ trợ các khoản vay cho khách hàng, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Điểm lại vài dự án mà nhà băng này tài trợ vốn có thể kể đến như Nhà máy điện gió Tân Thuận, những dự án điện gió tại Cà Mau... Trong lĩnh vực xây dựng, Standard Chartered làm việc và hỗ trợ các dự án, công trình đạt các chứng chỉ xanh uy tín hàng đầu thế giới được cấp phép bởi IFC (Tổ chức Tài chính Thế giới).
Về nông nghiệp, ngân hàng đang trao đổi đang ở bước rất sơ bộ với các khách hàng trong lĩnh vực bao bì, thực phẩm tiêu dùng để cung cấp những món tài trợ thương mại gắn với cam kết phát triển bền vững. Bên cạnh đó, ngân hàng ngoại này còn hỗ trợ các định chế tài chính khác thông qua hình thức chiết khấu theo phương thức thư tín dụng xuất khẩu xanh.
“120 năm hiện diện tại Việt Nam, Standard Chartered mang đến cơ hội và niềm tin, với mong muốn người dẫn đầu, tiên phong hỗ trợ các khách hàng phát triển hơn nữa trong hành trình tiến tới net zero” - bà Mai bày tỏ.
Song hành cùng các ngân hàng ngoại, nhiều nhà băng trong nước đang tăng dần tỷ trọng tài trợ dự án xanh. Nhiều năm qua, Agribank tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Dư nợ cho vay các lĩnh vực xanh của Agribank tăng trưởng ổn định từng năm, tỷ trọng tài trợ dự án xanh trong tổng dư nợ tín dụng của Agribank tăng từ 0,9% năm 2020 lên 1,8% năm 2023 và duy trì đến quý II/2024. Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt 27.816 tỷ đồng, với 42.485 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 55%; tiếp đến là lĩnh vực lâm nghiệp bền vững 24,5% và thứ ba là lĩnh vực nông nghiệp xanh, chiếm 20%.
Có thể thấy ngành ngân hàng đẩy nhanh quá trình thực hành ESG, kịp thời đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn thực hiện các dự án xanh, bền vững. Đồng thời, định hướng dòng vốn các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lực từ hệ thống ngân hàng tiến tới xanh hóa hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững.
Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, thời gian qua, NHNN chủ động nghiên cứu, xây dựng và ban hành nhiều văn bản triển khai hoạt động quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai nhiều chương trình tín dụng mang lại lợi ích về môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và các chương trình tín dụng cho các đối tượng chính sách.
Một thống kê của NHNN cũng cho thấy 7 năm qua (2017-2023), dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Tính riêng năm 2023, tăng trưởng tín dụng xanh lên tới 24% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, với dư nợ đạt 620.984 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy từ đầu năm 2024 đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh có dấu hiệu hụt hơi khi chỉ tăng trưởng 7,11% so với cuối năm 2023 và thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế, một điều hiếm khi xảy ra.
Dù có những tín hiệu tích cực bước đầu song vẫn còn nhiều thách thức đặt với cơ quan quản lý và các đơn vị thực thi. Do hành lang pháp lý chưa đầy đủ, danh mục phân loại xanh quốc gia chưa ban hành, thiếu tiêu chí xác định với các dự án được cấp tín dụng xanh nên các tổ chức tín dụng gặp khó khi cho vay. Cùng với đó, các chính sách ưu đãi về thuế và các cơ chế song hành cũng đang chậm chân khiến nguồn vốn tín dụng xanh khó khơi thông.
Trái phiếu xanh sôi động nhờ bảo lãnh từ các tổ chức nước ngoàiSong hành cùng tín dụng xanh, dòng vốn xanh từ thị trường trái phiếu dần sôi động. Tính từ đầu năm đến ngày 20/11, thống kê của FiinRatings cho thấy có 04 lô trái phiếu xanh được phát hành theo nguyên tắc xanh của Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA) với tổng giá trị 6,87 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 2% tổng giá trị phát hành trong kỳ. Các lô trái phiếu phát hành thành công đến từ: Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEC), BIDV, Vietcombank và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I. Các lô trái phiếu này đều được các tổ chức độc lập thực hiện đánh giá xác nhận. Tính riêng tháng 10/2024, lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I phát hành thuộc lĩnh vực thủy sản được bảo lãnh thanh toán bởi một công ty dịch vụ bảo lãnh đa quốc gia, đó là GuarantCo. Hiện tỷ lệ trái phiếu được bảo lãnh bởi các tổ chức nước ngoài (CGIF và GuarantCo) vẫn còn thấp nhưng đây đang là xu thế trên thị trường, đặc biệt là đối với các trái phiếu xanh. “Hiện các doanh nghiệp đang chủ động xây dựng khung tài chính xanh/khung trái phiếu xanh và thực hiện đánh giá độc lập trước phát hành theo tiêu chuẩn quốc tế” - FiinRatings cho biết. Trước đó, giai đoạn 2016 - 2023, Việt Nam phát hành khoảng 1,1 tỷ USD trái phiếu xanh, xã hội và bền vững, tương ứng khoảng gần 27 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,8% tổng giá trị thị trường, thấp hơn đáng kể so với mức 5-7% của các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Philippines. |
Anh Tú