Phân khúc nhà ở xã hội bước sang năm 2025 với nhiều kỳ vọng khi loạt dự án quy mô lớn được các địa phương lên kế hoạch triển khai.
Năm 2025, dựa trên số liệu các địa phương đăng ký dự kiến cả nước có 135 dự án nhà ở xã hội. Ảnh: LV
Địa phương “chạy đua” phát triển nhà ở xã hội
Báo cáo từ Bộ Xây dựng cho thấy, trong năm 2024 cả nước đã hoàn thành có 108 dự án với tổng cộng 47.532 căn nhà ở xã hội. Sang năm 2025, dựa trên số liệu các địa phương đăng ký, dự kiến cả nước có 135 dự án, với gần 101.900 căn.
Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, có 21 doanh nghiệp đăng ký xây dựng 52.000 căn nhà ở xã hội tại quỹ đất tự tạo lập, cùng 8.000 căn từ 7 khu đất mời gọi đầu tư và 10.000 căn từ nguồn đầu tư công. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đạt 70.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2030, đồng thời rút ngắn thủ tục hành chính và tạo lập quỹ đất cho phát triển phân khúc nhà ở này.
Còn ở Hà Nội, 11 dự án nhà ở xã hội xấp xỉ gần 6.000 căn (tương đương 345.000 m2 sàn) dự kiến sẽ được bàn giao trong năm nay. Thành phố cũng định hướng phát triển thêm 50 dự án mới trong 5 năm tới, với quy mô 57.200 căn.
Không chỉ các thành phố lớn, nhiều địa phương khác cũng công bố kế hoạch phát triển phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp. Điển hình tại Đồng Nai, 8.800 căn sẽ khởi công xây dựng ngay trong năm nay. Tương tự, Bình Dương cũng tiếp tục triển khai 26.552 căn nhà ở xã hội và đưa ra chính sách ưu đãi thuế phí cho doanh nghiệp tham gia phân khúc này. Bên cạnh đó, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cà Mau... cũng đang lên kế hoạch xây dựng hàng nghìn nhà ở xã hội trong 5 năm tới.
Thêm chính sách ưu đãi
Theo chia sẻ của ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân, năm 2025, phân khúc nhà ở xã hội sẽ sáng hơn nhờ một loạt chính sách ưu đãi từ Nhà nước. Chẳng hạn, doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội được miễn tiền thuê, sử dụng đất, không phải thực hiện xác định giá đất, tính tiền sử dụng hay thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng, tiền thuê đất. Họ cũng được ưu đãi thuế giá trị gia tăng (VAT), thu nhập doanh nghiệp, mở rộng đối tượng mua và cơ chế linh hoạt trong bố trí quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội. Ngoài chính sách ưu đãi, các địa phương cũng hoàn thiện, rút ngắn thủ tục hành chính, hỗ trợ quỹ đất cho chủ đầu tư làm loại nhà ở này.
Nhận định về thị trường, bà Phạm Thị Miền - Phó trưởng ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn, xúc tiến đầu tư của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, nguồn cung nhà ở xã hội sẽ được cải thiện đáng kể trong năm 2025.
“Luật mới đã mở ra nhiều điểm sáng trong hoạt động đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Đơn cử, quy định hiện hành cho phép doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp được thuê lại nhà lưu trú công nhân để bố trí cho người lao động thuê lại”, bà Miền chia sẻ. Không chỉ mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội, Luật Nhà ở 2023 còn bổ sung các đơn vị được phép tham gia phát triển dự án. Quy định này sẽ khuyến khích thêm các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội.
“Bên cạnh khoản lợi nhuận tối đa 10%, chủ đầu tư dự án còn có thể nhận thêm lợi nhuận từ phần diện tích công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại - chiếm 20% diện tích phát triển dự án”, vị chuyên gia cho biết.
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đánh giá Luật Nhà ở 2023 đã tạo khung pháp lý vững chắc, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào lĩnh vực nhà ở xã hội.
“Luật mới có rất nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Thứ nhất, được miễn tiền thuê đất, sử dụng đất. Thứ hai, giảm thiểu quy trình thủ tục. Thứ ba, mở rộng đối tượng mua. Thứ tư, cơ chế linh hoạt trong việc bố trí quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội”, ông dẫn chứng thêm.
Ngoài ra, gói tín dụng 145.000 tỷ đồng của 9 ngân hàng đăng ký cho vay sẽ không được tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng, theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Giới phân tích cho rằng quy định này sẽ giúp các ngân hàng có đủ dư địa để hỗ trợ dự án nhà ở xã hội, mà không bị ràng buộc bởi giới hạn "room" tín dụng.
Theo Vi Anh/Diendandoanhnghiep.vn