Tài chính xanh được xem là nguồn lực quan trọng được nhiều quốc gia sử dụng để thúc đẩy, hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững. Tại Việt Nam, để phát triển nhanh thị trường này, cần phát triển song hành cả thị trường vốn xanh và thị trường tín dụng xanh.
Các diễn giả thảo luận về giải pháp thúc đẩy thị trường tài chính xanh tại diễn đàn. Ảnh: Đỗ Doãn
Chia sẻ tại Diễn đàn Tài chính xanh năm 2024 có chủ đề ‘‘Khởi tạo mạnh mẽ, gia tăng dòng vốn xanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững” do TBTCVN vừa tổ chức diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, TS. Phạm Thu Phong – Tổng Biên tập TBTCVN cho biết, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành định hướng trong chiến lược phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới.
Sắp vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbonThực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành và triển khai Kế hoạch hành động của ngành Tài chính về tăng trưởng xanh như xây dựng, hoàn thiện các chính sách tài chính liên quan, trọng tâm là phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh. Bộ Tài chính cũng đang xây dựng Đề án Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam trên cơ sở phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường và các cơ quan có liên quan. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon. |
Ở Việt Nam, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Lãnh đạo Chính phủ mới đây cũng đã khẳng định: “Tăng trưởng xanh là một trong hai yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững”. Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế khi Thủ tướng Chính phủ cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 và mục tiêu này tiếp tục được nhấn mạnh tại COP28.
‘‘Trong khi đó, tài chính xanh được xem là một phương thức quan trọng mà các nước trên thế giới và Việt Nam đều chú trọng để hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững. Theo ước tính, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn, khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến năm 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh. Bên cạnh nguồn tài chính phục vụ cho tăng trưởng xanh như từ ngân sách nhà nước hay các nguồn vốn vay, hỗ trợ từ các nước, hay các định chế, tổ chức tài chính quốc tế; để phát triển thị trường tài chính xanh thì Việt Nam cần phát triển song hành cả thị trường vốn xanh và thị trường tín dụng xanh" – TS. Phạm Thu Phong nói.
Theo TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính - kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, việc phát triển thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đang có cơ hội rất lớn, nhưng cũng đối mặt với khá nhiều thách thức.
Cụ thể là chưa có các sản phẩm tài chính xanh (đặc biệt là sản phẩm tín dụng xanh) đặc thù; chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, nhất quán liên quan đến tài chính xanh như quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh… Trong khi đó, việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội còn gặp nhiều khó khăn do những nguyên nhân chủ yếu: đội ngũ chuyên gia, nhân sự trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn hạn chế; thiếu cơ chế phối hợp và ưu đãi cho các hoạt động tài chính xanh như ưu đãi thuế, phí, về hạn mức tín dụng, về lãi suất…
Ngoài ra, các dự án xanh thường có kỳ hạn dài (có thể lên đến 20 năm), chi phí đầu tư lớn… trong khi các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn. ‘‘Yếu tố thách thức nữa là nhận thức của thị trường đối với môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp (ESG), tài chính xanh và bền vững chưa cao và chưa đồng đều. Hiện tại, rất nhiều công ty niêm yết chưa có sự chủ động trong việc đưa ESG vào định hướng kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; việc phát hành cổ phiếu xanh hầu như chưa có và báo cáo phát triển bền vững còn hạn chế…’’ – ông Lực nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, để phát triển nhanh thị trường tài chính xanh, cần phải gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Kế đến là cập nhật, ban hành và áp dụng tiêu chí, tiêu chuẩn đối với danh mục “phân loại xanh” (danh mục xanh/Green Taxonomy), trong đó nên có xác định lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên.
Tiếp nữa là các cơ chế, tiêu chí, phương thức đánh giá tác động môi trường (tiêu chí “dự án, công trình, nhà máy xanh….”); chính sách thay đổi hành vi (nhất là tiêu dùng, sinh hoạt..), đầu tư cơ sở hạ tầng “xanh” (năng lượng tái tạo, công nghệ khai khoáng….); chính sách khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo (xe điện, xe tiết kiệm năng lượng…); hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất, bao gồm cả chi phí xác nhận xanh cho các sản phẩm, dịch vụ, tiêu dùng “xanh”.
Song song đó là nghiên cứu thành lập “Quỹ Chuyển đổi xanh”, “Quỹ Đầu tư mạo hiểm môi trường”; thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư “xanh”; xây dựng hệ sinh thái tài chính xanh như công cụ thị trường vốn, nền tảng nhà đầu tư, hệ sinh thái các tổ chức phát hành, văn hóa quản trị nội bộ rủi ro môi trường trong tổ chức, và hạ tầng thông tin theo kinh nghiệm của Malaysia…
ÔNG VŨ CHÍ DŨNG - VỤ TRƯỞNG VỤ HỢP TÁC QUỐC TẾ, ỦY BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC: 5 giải pháp thúc đẩy thị trường vốn xanh Để thúc đẩy thị trường vốn xanh tại Việt Nam phát triển, 5 việc cần làm là hoàn thiện khung pháp lý liên quan, trong đó rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành. Tiếp đến là tăng cường công tác truyền thông, giáo dục và đào tạo về phát triển bền vững, tài chính xanh cho cơ quan quản lý, thành viên thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư, và cộng đồng. Tiếp nữa là phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính nghiên cứu, hoàn thiện khung chính sách hỗ trợ cho thị trường vốn xanh nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức phát hành, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác xây dựng và phát triển thị trường vốn xanh, hướng tới thực hiện các thông lệ tốt trên thị trường chứng khoán gắn với tăng trưởng xanh. Nghiên cứu hoàn thiện và cơ cấu lại Chỉ số VNSI để phù hợp hơn với bối cảnh phát triển bền vững trên thị trường chứng khoán hiện nay. |
ÔNG NGUYỄN BÁ SƠN - PHÓ GIÁM ĐỐC BAN KINH DOANH VỐN VÀ TIỀN TỆ, BIDV: Doanh nghiệp cần có chiến lược chuyển đổi xanh
BIDV tổ chức đầu tiên của Việt Nam phát hành trái phiếu xanh. Qua thực tế triển khai trái phiếu xanh năm 2023, chúng tôi cho rằng cần sớm ban hành quy định phân loại và xác nhận dự án xanh, xem xét sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế; các chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực về môi trường và xây dựng hệ thống dữ liệu về môi trường. Bên cạnh đó là các hoạt động nâng cao nhận thức và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh; duy trì, mở rộng các cơ chế hỗ trợ chi phí phát hành, tư vấn kỹ thuật và khuyến khích các doanh nghiệp đầu ngành tiên phong phát hành chứng khoán xanh. Riêng các doanh nghiệp nói chung, để tăng hiệu quả chuyển đổi xanh, cần xây dựng tổng thể chiến lược thực hiện, trong có xác lập kế hoạch phát hành trái phiếu ESG, lựa chọn trái phiếu phù hợp mục đích cụ thể của doanh nghiệp ở từng giai đoạn. Sau đó phải đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, đem lại các tác động tích cực cho môi trường, xã hội… |
Đỗ Doãn