024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Vượt thu cao nhờ quyết liệt chuyển đổi số, nỗ lực chống thất thu

 

Bốn năm qua, chính sách tài khóa được thực hiện theo hướng mở rộng để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Dù vậy, cũng trong bốn năm này thu ngân sách đã vượt dự toán gần 1 triệu tỷ đồng, nhờ nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt về chống thất thu, tăng cường quản lý thu.

Vượt thu cao nhờ quyết liệt chuyển đổi số, nỗ lực chống thất thu.

Cần đổi mới công tác phân bổ dự toán

Thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2025 vào sáng 5/11, các đại biểu nhận định, tình hình trong nước và thế giới năm 2024 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến thu, chi NSNN. Tuy nhiên, việc quản lý, điều hành NSNN đạt nhiều kết quả tích cực. Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp khắc phục các tồn tại và tập trung hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ thu chi NSNN năm 2024, thực hiện dự toán và xây dựng dự toán ngân sách năm 2025.

Thu thuế qua sàn thương mại điện tử đối với 102 nhà cung cấp nước ngoài

Hiện cơ quan thuế đã triển khai thu thuế sàn thương mại điện tử xuyên biên giới với 102 nhà cung cấp nước ngoài như Facebook, Google… Tổng số thuế đã nộp đến nay là 18.600 tỷ đồng. Với sàn thương mại điện tử trong nước thì năm nay bắt đầu thu. Dự kiến trong tuần sau, cơ quan quản lý sẽ cho ra mắt công cụ dùng AI để kiểm soát doanh thu và mua bán trên sàn thương mại điện tử.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đánh giá, các chỉ số thu ngân sách 9 tháng đạt kết quả ấn tượng, góp phần đảm bảo sự ổn định, vững mạnh cho nền kinh tế, “đây là điều rất đáng phấn khởi”. Bên cạnh đó, đại biểu lưu ý công tác phân bổ chi thường xuyên và chi đầu tư còn chậm, việc thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng.

Cũng quan tâm đến tiết kiệm chi, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) cho biết, Chính phủ yêu cầu tiết kiệm 5% chi thường xuyên để tăng đầu tư phát triển. Để thực hiện được điều này, đại biểu đề xuất thực hiện cắt giảm 5% chi thường xuyên ngay từ đầu năm để tạo thuận lợi cho việc bố trí vốn đầu tư.

Góp về lĩnh vực đầu tư công, đại biểu Triệu Quang Huy (đoàn Lạng Sơn) cho hay, tỷ lệ giải ngân 9 tháng của năm thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Một trong những nguyên nhân là chất lượng chuẩn bị đầu tư còn rất kém, mang tính hình thức, sau khi được chấp thuận, chủ trương thì mới bắt đầu thực hiện một cách thực tế và lúc đó lại mất thời gian để điều chỉnh, dẫn đến lãng phí rất nhiều thời gian.

Do đó, trong quá trình sửa đổi một số Luật liên quan đến đầu tư công lần này, đại biểu đề nghị danh mục dự án khi đưa vào kế hoạch vốn cần làm rõ sự phù hợp của dự án với các quy hoạch ảnh hưởng đến việc triển khai dự án đó, người phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm đối với dự án đầu tư mà mình phê duyệt…

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình cụ thể một số vấn đề đại biểu đề cập. Trong đó, về ý kiến dự toán chi chưa phân bổ hết, giải ngân còn chậm, Phó Thủ tướng cho biết đây là một thực tiễn đòi hỏi phải có sự đổi mới về cách thức thực hiện để khắc phục. Hiện nay, để phân bổ vốn, cần phải có đầy đủ thủ tục quy định theo các văn bản pháp luật. Như với đầu tư công, khi chưa có dự án được phê duyệt thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa thể tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội phân bổ. Tương tự với chi thường xuyên, để phân bổ phải có dự toán và đơn giá, định mức được duyệt. Khi lập dự toán vào tháng 9, 10 thì các bộ, ngành chưa lập được dự đoán chính xác, chỉ ước tính căn cứ vào đầu việc. Sau đó, khi có con số chính xác thì phải trình qua Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, do đó thường sẽ chậm.

Trước thực tế này, mới đây Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp về đổi mới trong phân bổ dự toán chi thường xuyên và chi đầu tư. Theo đó, với chi thường xuyên, sau khi Quốc hội phê chuẩn thì giao một lần cho các đơn vị để phân bổ theo quy định. Bộ Tài chính sẽ kiểm tra lại việc thực hiện đúng hay không.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chia sẻ, vướng mắc ở đây là khi giao tổng thể như vậy thì một số ý kiến cho rằng, việc phân bổ là thẩm quyền của Quốc hội. Tuy nhiên, Chính phủ đã trình Quốc hội phân bổ tổng thể, quyết định về dự toán tổng thể. Còn việc điều hành và quản lý dự toán thì giao lại cho Chính phủ. “Nếu chúng ta đồng thuận về mặt tư duy như vậy thì rõ ràng sẽ trôi chảy”, Phó Thủ tướng nói.

Chi thường xuyên được tiết kiệm triệt để

Về băn khoăn với tiết kiệm chi, Phó Thủ tướng nêu rõ thực chất tiết kiệm chi thường xuyên chủ yếu ở phần chi sự nghiệp kinh tế, đô thị, mua sắm, công tác phí, hội nghị, tiếp khách… chứ không áp dụng với lương và các khoản phụ cấp theo lương.

Trong chi thường xuyên, chi cho tiền lương chiếm phần lớn, còn lại các khoản chi khác ngay đầu kì khi giao dự toán đã cắt giảm 10%. Sau đó đã giảm thêm 5% và tới đây lại giảm tiếp 5%. Như vậy, tổng mức tiết kiệm đã đạt tới 20%. Trong khi đó, từ đầu nhiệm kỳ, lương đã tăng nhiều lần nhưng định mức chi không thay đổi. Vì vậy, việc chi thường xuyên đã là hết sức tiết kiệm, Phó Thủ tướng khẳng định.

Tại phiên thảo luận, có ý kiến đại biểu cho rằng việc thủ tục thu tiền sử dụng đất chậm trễ do thủ tục phức tạp. Phản hồi đại biểu, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ việc chậm ở đây là do xác định giá đất chậm, còn thủ tục thu tiền sử dụng đất không có gì phức tạp. Khi chưa có giá đất thì cơ quan thuế chưa thể phát hành hóa đơn để thu tiền sử dụng đất.

Một số đại biểu đề nghị làm rõ hơn về kết quả chống thất thu ngân sách. Giải trình, Phó Thủ tướng cho hay bốn năm qua chúng ta đã thực hiện chính sách tài khóa mở rộng. Theo đó, đã miễn giảm nhiều loại thuế, phí lên đến gần 800.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Mặc dù vậy, trong bốn năm này ngân sách cũng đã vượt thu gần 1 triệu tỷ đồng, tạo nguồn lực để đầu tư thêm cho cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội... Để có được kết quả như vậy, toàn ngành Thuế và ngành Hải quan đã đổi mới phương thức thu, từ thủ công sang điện tử.

Nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai quyết liệt như phát hành hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu với máy tính tiền, yêu cầu xuất hóa đơn qua từng lần thanh toán; tăng cường quản lý thu qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, sàn thương mại điện tử trong nước, giao dịch chuyển nhượng bất động sản… Qua đó, việc điều hành chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả rất tích cực, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.

Sớm định giá đất, góp phần tăng thu về ngân sách

Dẫn số liệu từ báo cáo về ngân sách, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho biết, tổng thu ngân sách năm 2024 ước vượt dự toán 10%, trong đó thu nội địa tăng 8,9% so với dự toán và 6,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không tăng, thậm chí giảm so với dự toán, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực dân doanh tăng.

Theo đại biểu, nguyên nhân chủ yếu là do Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp còn bất cập, cần được sửa đổi, hoàn thiện theo hướng phân cấp để DNNN tự chủ hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đi với đó là việc phân cấp mạnh mẽ, cần chú trọng khâu giám sát, hậu kiểm.

Khoản thu tiền sử dụng đất ước cũng giảm 4,2%, tuy nhiên đại biểu cho rằng với việc các luật về nhà ở, đất đai, kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm, các địa phương đã triển khai định giá đất, có thể đảm bảo thu vượt dự toán.

Về dự toán năm 2025, dự toán thu tăng 15,6% so với kế hoạch năm 2024, dự toán chi tăng 20,3%. Theo đại biểu, việc tăng chi là phù hợp do năm 2025 có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và là năm cuối thực hiện Nghị quyết 23/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm.

Từ các phân tích này, đại biểu đoàn TP. Hồ Chí Minh kiến nghị, cần tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, chống thất thu trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là thuế nhập khẩu. Đồng thời tiếp tục chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công, đất công, vốn nhà nước; xem xét điều chỉnh thuế đối với một số lĩnh vực như khoa học công nghệ, văn hóa, nông nghiệp…

Hoàng Yến

06/11/2024
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    P.Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 3, tòa B Cao ốc Văn phòng VG Building. Số 235 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân, TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368