![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Vụ việc đau lòng xảy ra tại Quảng Nam, khi một người mẹ sát hại con trai để trục lợi từ bảo hiểm, không chỉ là cảnh báo nghiêm trọng về hành vi trục lợi bảo hiểm ngày càng tinh vi, mà còn nhắc nhở các công ty bảo hiểm nâng cao quy trình thẩm định và phòng ngừa rủi ro.
Trục lợi bảo hiểm đang trở thành vấn đề rất đáng báo động, thể hiện ở mức độ tinh vi và có tổ chức. Ảnh minh họa
Một trong những vụ việc khiến dư luận dậy sóng ngay đầu tháng 4/2025, đó là bà Tô Thị Ty Na tại Quảng Nam bị bắt giữ vì hành vi sát hại hai con trai ruột, nhằm trục lợi hơn 4 tỷ đồng từ một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Vụ việc
khiến dư luận phẫn nộ về đạo đức xuống cấp của nhiều đối tượng, không từ thủ đoạn nào để trục lợi bảo hiểm và cũng là hồi chuông cảnh báo các công ty bảo hiểm trong việc thẩm định, kiểm soát rủi ro và phòng ngừa gian lận.
Trao đổi với phóng viên Báo Tài chính - Đầu tư, lãnh đạo phụ trách bồi thường của một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ top đầu thị trường thẳng thắn cho rằng, vụ việc đau lòng xảy ra tại Quảng Nam và những vụ việc được phát hiện trong thời gian qua gây ảnh hưởng lớn đến ngành bảo hiểm với ý nghĩa cao đẹp là bảo vệ người thân và gia đình trước những rủi ro không mong muốn.
Lỗ hổng thông tin tạo cơ hội trục lợiCác công ty bảo hiểm đều có quy trình thẩm định về năng lực tài chính và tình trạng sức khỏe của người mua, tuy nhiên, quy trình này vẫn tồn tại những hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính là hệ thống dữ liệu giữa doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan y tế và cơ quan công an chưa liên thông, cập nhật đầy đủ. Việc xác minh bệnh sử, thông tin của khách hàng vẫn chủ yếu dựa vào khai báo cá nhân, thay vì có thể kiểm tra trực tiếp từ hệ thống y tế ngay từ đầu vào. Ông Trần Mạnh Hoàng Việt, chuyên gia bảo hiểm, nhà quản lý gia sản tại Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản (FIDT) |
“Trục lợi bảo hiểm đang trở thành vấn đề rất đáng báo động, thể hiện ở mức độ tinh vi và có tổ chức. Nhiều trường hợp không kê khai trung thực thông tin hay gây thương tích còn cho thấy sự chuẩn bị rất kỹ trước và trong khi thực hiện ý đồ, không thực hiện đơn phương mà có cấu kết phối hợp với một số người khác, hay mua bảo hiểm với số tiền lớn ở nhiều doanh nghiệp bảo hiểm” - lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ này nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn của ông Trần Mạnh Hoàng Việt - chuyên gia bảo hiểm, nhà quản lý gia sản tại Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản (FIDT), bên cạnh những trường hợp gian lận bảo hiểm đặc biệt và nghiêm trọng kể trên, vẫn tồn tại rất nhiều vụ việc lợi dụng hợp đồng bảo hiểm không được chú ý do hậu quả nhỏ.
Theo đó, nhóm lớn nhất, chiếm khoảng 93% phần lớn xảy ra ở các vụ việc trục lợi liên quan đến yếu tố sức khỏe. Theo đó, có những cá nhân dù chưa cần nằm viện nhưng vẫn cố tình tạo hồ sơ giả để nhận tiền bảo hiểm. Một số công ty bảo hiểm với chính sách chi trả linh hoạt, chẳng hạn như sẵn sàng chi trả đối với các trường hợp “chích áp xe”, nhiều cá nhân nhờ bác sĩ làm giả hồ sơ.
Thứ hai, các trường hợp liên quan đến hiểm nghèo hoặc rủi ro về sinh mạng, tuy chiếm tỷ lệ thấp, nhưng tính chất nghiêm trọng và thường được cơ quan chức năng vào cuộc khi xảy ra tử vong. Theo đó, có những cá nhân trục lợi liên quan đến bệnh hiểm nghèo khi mua đồng loạt nhiều hợp đồng bảo hiểm làm rối hệ thống dữ liệu, điển hình là vụ việc liên quan đến 19 hợp đồng bảo hiểm mua dồn dập trong 6 - 7 tháng.
“Trường hợp tại Quảng Nam rất đặc biệt, liên quan đến ngạt nước không để lại dấu vết rõ ràng. Nếu chúng ta không tỉnh táo, cơ quan công an không đào sâu, hay có tố giác rất khó để phát hiện” - ông Việt bày tỏ.
Nhóm thứ ba, không ít trường hợp nhân viên tư vấn bảo hiểm, dù hiểu biết pháp luật nhưng thúc giục khách hàng làm giả hồ sơ để lấy lại số tiền đã đóng, khiến các công ty gặp khó khăn trong kiểm soát và ngăn chặn hành vi gian lận này.
Cũng theo ông Trần Mạnh Hoàng Việt, về phía công ty bảo hiểm, trong hợp đồng có rất nhiều điều khoản chặt chẽ, đặc biệt là các quy định về thời gian chờ đối với từng loại bệnh tật. Tuy nhiên, trong vụ việc xảy ra ở Quảng Nam, người mẹ nghiên cứu rất kỹ các điều khoản đó, nắm rõ thời gian chờ của sản phẩm và các bệnh, nên thực hiện hành vi sau khi mua bảo hiểm 1 năm.
Tại trường hợp này, phụ huynh chuẩn bị cho con một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ toàn diện từ sớm, bao gồm quyền lợi bảo vệ trước bệnh hiểm nghèo và chăm sóc sức khỏe, là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, điều cần được các công ty bảo hiểm lưu tâm là khi hợp đồng có quyền lợi tử vong quá cao dành cho trẻ nhỏ, thường ở mức 3 - 5 tỷ đồng, điều đó có thể làm dấy lên nghi vấn về mục đích thực sự của người mua bảo hiểm.
Cùng chung quan điểm, lãnh đạo phụ trách bồi thường của một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhấn mạnh bất cập về việc chưa có dữ liệu y tế tập trung và chưa có dữ liệu bảo hiểm tập trung của ngành dẫn đến các trường hợp trục lợi vừa qua.
“Việc mua bảo hiểm ở vài công ty và trong cùng một khoảng thời gian với mức bảo hiểm đáng kể là hành vi phổ biến mà các đối tượng trục lợi bảo hiểm đang áp dụng. Các công ty bảo hiểm đều yêu cầu khách hàng kê khai số tiền bảo hiểm đã mua tại các công ty khác nếu có, tuy nhiên, công ty bảo hiểm không có dữ liệu tập trung để biết được khách hàng kê khai có đúng không, có thật sự đã mua bảo hiểm tại các công ty khác không” - vị này đặt vấn đề.
Hiện các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai hệ thống quản lý dữ liệu hợp đồng và chi trả quyền lợi bảo hiểm tập trung, giúp thuận lợi trong việc theo dõi, đánh giá tình hình chi trả và xác định các trường hợp nghi ngờ trục lợi bảo hiểm. Từ đó, các biện pháp ngăn ngừa được thực hiện cùng với việc xem xét, đánh giá từng hồ sơ và tiến hành điều tra xác minh bổ sung. Với những trường hợp nghi ngờ trục lợi, chắc chắc công ty sẽ tiến hành điều tra xác minh trước khi ra quyết định. Còn với những trường hợp khách hàng có yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm chính đáng thì được giải quyết rất nhanh chóng khi công ty nhận được đầy đủ hồ sơ.
"Khai báo đầy đủ và trung thực là nguyên tắc quan trọng trong bảo hiểm. Vì vậy, để yêu cầu được giải quyết nhanh chóng, khách hàng cần khai báo thông tin đầy đủ và trung thực khi mua bảo hiểm và tương tự khi nộp yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm" - đại diện doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lưu ý.
Từ hồ sơ giả đến những tội ác có chủ đíchMỗi năm, các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả hàng chục nghìn tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm, cùng sự gia tăng nhanh chóng về số tiền và số lượng vụ chi trả, không ít trường hợp trục lợi bảo hiểm cũng bị phát hiện và xử lý. Theo đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, dù chưa có con số chính thức, nhưng ước tính có khoảng 2 - 6% các vụ chi trả có dấu hiệu trục lợi. Đơn cử, cuối năm 2024, tại Thanh Hóa, 16 người gồm nhân viên y tế và đại lý bảo hiểm bị khởi tố do lập hồ sơ bệnh án khống để rút tiền chi trả từ Manulife. Trước đó, năm 2020, Đỗ Văn Minh - nguyên Bí thư xã Liên Hà (Lâm Đồng) tước đoạt mạng sống của cháu họ, dựng hiện trường giả là chính mình bị tai nạn cháy xe để gia đình nhận 18 tỷ đồng tiền bảo hiểm, hành vi này nhanh chóng bị công an làm rõ. Năm 2019, ông Nguyễn Văn Khánh (Hải Phòng) dù biết mắc ung thư tuyến giáp vẫn cố tình che giấu tiền sử bệnh để mua 19 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ từ 13 công ty khác nhau, nhằm trục lợi hàng chục tỷ đồng. Ông Khánh đã nhận 4 tỷ đồng từ 5 công ty bảo hiểm và có thể nhận tới 20 tỷ đồng nếu không bị phát hiện. Vụ án bị khởi tố năm 2021. Theo ông Trần Mạnh Hoàng Việt, dù hệ thống pháp luật đã có quy định xử phạt hành vi gian lận bảo hiểm, nhưng mức chế tài hiện hành vẫn chưa đủ sức răn đe. Tuy nhiên, với vụ việc nghiêm trọng tại Quảng Nam, đối tượng không chỉ bị khởi tố về hành vi gian lận bảo hiểm mà còn bị điều tra về tội cố ý tước đoạt mạng sống của con trai, đây không chỉ là một vụ gian lận, mà là một tội ác có chủ đích./. |
Ánh Tuyết