024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Đấu giá đất tại Hà Nội sẽ còn chứng kiến thêm nhiều kỷ lục về giá

 

Ngay cả khi các quy định mới có hiệu lực, nhưng với tình trạng cung - cầu và sức "nóng" của thị trường bất động sản Hà Nội hiện nay, khả năng các kỷ lục giá mới còn tiếp tục được thiết lập trong các phiên đấu giá tới, bởi tâm lý đầu cơ vẫn còn và kỳ vọng tăng giá bất động sản tiếp tục được duy trì…

Ảnh minh hoạ.

Nhận định về tình trạng giá đất trúng đấu giá liên tục tăng cao hiện nay, Hội Môi giới bất động sản (VARS) cho rằng các cuộc đấu giá đất với các dấu hiệu được cho là bất thường ở cả giá trúng và số lượng hồ sơ đăng ký vẫn đang tiếp diễn. Trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và sức nóng của thị trường nhà đất Hà Nội hiện tại, rất nhiều người sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn rất nhiều so với giá trị thực để sở hữu các lô đất đấu giá.

MỨC GIÁ TĂNG CAO MỘT PHẦN DO THỊ TRƯỜNG TĂNG TRƯỞNG “NÓNG”

Trước đó, vào tháng 8, dư luận xã hội không ngừng xôn xao về những phiên đấu giá đất tại các huyện vùng ven Hà Nội như: Thanh Oai, Hoài Đức, với số lượng hồ sơ đăng ký lớn, thời gian đấu giá dài và mức giá trúng đấu giá tăng vọt, cao gấp hàng chục lần so với giá khởi điểm. Diễn biến và kết quả này vẫn tiếp tục tiếp diễn tại các phiên đấu giá đất gần đây tại Hà Đông, Thường Tín.

Theo đó, ngày 19/10, quận Hà Đông đã đấu giá thành công 27 thửa đất tại các phường Phú Lương, Yên Nghĩa, Dương Nội. Sau 14 vòng đấu, đã xác định được khách hàng trúng giá cao nhất lên đến 262 triệu đồng/m2, cao gấp 8 lần so với giá khởi điểm; giá trúng thấp nhất cũng chênh 5,8 lần, đạt 133 triệu đồng/m2.

Đến ngày 22/10, tại Thường Tín, sau 16 giờ đấu giá khốc liệt, 19/40 thửa đất ở thuộc Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội, cũng được đấu giá thành công với mức giá trúng cao nhất ở mức 52,864 triệu đồng/m2; giá thấp nhất 24,384 triệu đồng/m2, cao gấp 6,31 đến hơn 14 lần giá khởi điểm (3,864 triệu đồng/m2). Còn 21 thửa đất không đấu giá thành công do người tham gia đấu giá vi phạm quy chế.

"Dù đã được cơ quan chức năng vào cuộc nhưng cuối cùng, diễn biến những phiên đấu giá vẫn không có gì thay đổi, thậm chí, giá đất đấu giá còn tiếp tục tăng cao bởi mức giá khởi điểm vẫn ở mức rất thấp, thấp hơn nhiều so với mức giá thị trường được xác định hoàn toàn phù hợp với quy định hiện hành, được tính bằng hệ số K nhân với bảng giá đất của thành phố", đại diện VARS phân tích. Trên thực tế, UBND địa phương vẫn đang căn cứ vào bảng giá đất cũ từ năm 2020, có hiệu lực tới 31/12/2025. Mức giá khởi điểm sẽ chỉ thay đổi khi Hà Nội ban hành bảng giá đất mới.

Ngoài ra, giá đất tại các phiên đấu giá tiếp tục tăng cao còn bởi nhu cầu về bất động sản nhất là các sản phẩm đảm bảo về pháp lý, có tiềm năng tăng trưởng rõ ràng, như đất đấu giá, rất lớn. Tại các khu vực như Hoài Đức hay Hà Đông, tiềm năng phát triển đô thị cùng với sự phát triển hạ tầng tạo ra kỳ vọng rất lớn cho nhà đầu tư. Rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao để sở hữu các sản phẩm có số lượng không nhiều này, dù mức giá ấy có thể vượt xa giá trị thực tế của lô đất. Với kỳ vọng rằng đất đai sẽ tiếp tục tăng giá trong tương lai, những người mua có thể chấp nhận mức giá cao hơn rất nhiều so với định giá thông thường.

Đặc biệt, mức giá tăng cao do thị trường bất động sản Hà Nội đang tăng trưởng “nóng” trong khi nguồn cung vẫn hạn chế, mức giá sơ cấp liên tục thiết lập mặt bằng mới ở ngưỡng cao cùng với kỳ vọng về việc mở rộng thành phố và hạ tầng giao thông.

HỆ LỤY TỪ “ĐẦU CƠ”, “THỔI GIÁ”, TẠO MẶT BẰNG GIÁ “ẢO”

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến mức giá đấu trúng tăng cao, theo VARS là do các hành vi trả giá cao hơn rồi bỏ tiền đặt cọc, không nộp tiền trúng đấu giá, thậm chí sẵn sàng bất chấp rủi ro, hoàn thành nghĩa vụ trong cuộc đấu giá để hợp thức hóa mức giá trúng với mục đích "thổi giá", tạo mặt bằng giá “ảo" để làm căn cứ để đẩy mức giá của các lô đất có liên quan nhằm trục lợi.

Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, nhưng hành động này chủ yếu nhằm đảm bảo tính minh bạch và hợp pháp của quá trình đấu giá, khó có thể can thiệp vào mức giá thị trường. Bởi trong nền kinh tế thị trường, các bên tham gia giao dịch mua bán theo nguyên tắc thuận mua, vừa bán. Họ hoàn toàn có thể bỏ cọc mà không cần chứng minh. Và việc họ đẩy giá khi bất kỳ hàng hóa nào khan hiếm trên thị trường là điều không thể tránh khỏi. Mà việc quy các hành vi này là "đầu cơ", "thổi giá" hiện nay cũng đều xuất phát từ cảm tính, bởi Việt Nam chưa có văn bản luật nào xác định hành vi này để làm căn cứ xử lý.

Hơn thế nữa, theo quy định hiện hành, cá nhân trúng đấu giá nhưng không nộp đủ tiền trong 120 ngày bị phạt “khá nhẹ", chỉ bị hủy kết quả và mất tiền cọc - rất thấp do giá khởi điểm thấp. Luật Đấu giá tài sản sửa đổi đã siết quy định với người trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhưng phải đến 1/1/2025, các quy định này mới có hiệu lực.

Từ thực tế đó, VARS nhận định rằng ngay cả khi các quy định mới có hiệu lực, với tình trạng cung - cầu và sức "nóng" của thị trường bất động sản Hà Nội hiện tại, khả năng các kỷ lục giá mới tiếp tục được thiết lập trong các phiên đấu giá tới là rất cao và sẽ dần dần trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Bởi tâm lý đầu cơ vẫn còn và kỳ vọng tăng giá nhà đất tiếp tục được duy trì.

Giá nhà đất, trong đó có đất trúng đấu giá tăng cao đang làm hạn chế cơ hội tiếp cận nhà ở của đại đa số người dân đô thị. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng với đà tăng giá nhà đất như hiện nay, sẽ có một thế hệ người trẻ tại Hà Nội, TP.HCM không thể sở hữu nhà ở.

Do đó, riêng về quá trình đấu giá đất, để đảm bảo diễn ra công bằng, minh bạch, giảm thiểu tối đa các trường hợp “đầu cơ”, “thổi giá”, theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, cần lưu ý 4 vấn đề.

Thứ nhất, các đơn vị tổ chức đấu giá cần rà soát chặt chẽ, đảm bảo mọi quy trình, thủ tục đấu giá tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Thứ hai, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục theo sát từng “động thái” của các cuộc đấu giá để có biện pháp điều chỉnh kịp thời khi phát hiện các dấu hiệu “bất ổn”. Đồng thời, cũng xem xét để sớm đưa các điều chỉnh về cơ chế, chính sách, quy định chặt chẽ hơn liên quan đến hoạt động này vào đời sống để kịp thời nắn chỉnh hoạt động này đi đúng hướng. Trong đó, mức phạt bỏ cọc cần được xem xét nâng cao hơn. Như vậy, tăng sự “cân nhắc” giữa “được và mất” của các cá nhân tham gia đấu giá, hạn chế phần nào “trào lưu đầu cơ” thông qua hoạt động đấu giá.

Thứ ba, Nhà nước cũng cần có biện pháp mạnh tay hơn với các trường hợp trúng đấu giá nhưng “sang tay” ngay trong thời gian ngắn.

Thứ tư, điều quan trọng nhất, vẫn nằm ở nút thắt về nguồn cung nhà ở. Cần sớm có các biện pháp tích cực và thiết thực để “khơi thông” nguồn cung nhà ở. Trong đó, xem xét, tháo gỡ dứt điểm các dự án đang bị vướng mắc về pháp lý là cách nhanh nhất giúp bơm thêm nguồn cung vào thị trường. Khi cung dần đáp ứng cầu thì lúc đó tự khắc thị trường sẽ được căn chỉnh và vấn đề về giá nói chung, giá trúng đấu giá nói riêng sẽ tiệm cận hơn với giá trị thực của bất động sản.

Phan Dương

28/10/2024
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    P.Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 3, tòa B Cao ốc Văn phòng VG Building. Số 235 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân, TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368