024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Lãi suất huy động nóng dần, dự báo mặt bằng lãi suất cho vay năm 2025

 

Cộng hưởng nhiều nhân tố đẩy lãi suất tiết kiệm nhích tăng cuối năm 2024, điều này sẽ tác động tới mặt bằng lãi suất huy động và cho vay năm tới. Theo dự báo của VCBS, lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ từ 20 - 30 điểm cơ bản và đi ngang năm 2025. Trong khi đó, lãi suất cho vay đi ngang cuối năm 2024 và dự báo tăng thêm 50 - 70 điểm cơ bản năm 2025.

Trong báo cáo triển vọng ngân hàng năm 2025, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa dự báo về xu hướng lãi suất huy động và cho vay trong năm 2025.

Lãi suất huy động nhích dần ở nhóm ngân hàng tư nhân

Theo VCBS, cuối năm 2024, lãi suất huy động chịu áp lực tăng nhẹ do thanh khoản hệ thống thắt chặt hơn trong ngắn hạn, do đến cuối tháng 9/2024, huy động từ khách hàng mới tăng 4,79% so với cuối năm 2023, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng 8,53%. Do đó, mặt bằng lãi suất huy động vẫn chịu áp lực tăng nhằm thu hẹp mức độ chênh lệch giữa số dư tiền gửi và dư nợ tín dụng toàn hệ thống và gia tăng mức độ cạnh tranh của kênh tiền gửi tiết kiệm so với lợi suất đầu tư của các kênh đầu tư khác trên thị trường.

Trong khi đó, tín dụng tăng tốc vào các tháng cuối năm, áp lực tỷ giá gia tăng khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều tiết cung tiền thận trọng hơn, cũng như nguồn tiền gửi Kho bạc Nhà nước hạn chế tạo áp lực lên thanh khoản hệ thống.

Hơn nữa, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tăng ở nhóm ngân hàng nhỏ, khi nhóm này gia tăng sử dụng vốn ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng. Tỷ lệ LDR (dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi) tăng ở hầu hết các ngân hàng do tối ưu hóa việc sử dụng vốn để cải thiện NIM (biên lãi ròng). Trong đó, một số ngân hàng đã chạm ngưỡng LDR dẫn đến ưu tiên tăng nguồn huy động để giảm thiểu rủi ro thanh khoản. Cùng với đó, cầu tín dụng thường có xu hướng tăng cao trong những tháng cuối năm, đặc biệt là nhóm bất động sản và xây dựng.

Cùng chung quan điểm về hiện tượng tăng lãi suất huy động của các ngân hàng vào những tháng cuối năm song ông Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu bổ sung thêm nhiều yếu tố cộng hưởng.

Theo vị chuyên gia này, thông thường các ngân hàng thường cố gắng đẩy tăng trưởng tín dụng vào cuối năm, để làm "đế", sức bật cho chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm sau dựa trên room tín dụng NHNN giao.

Ông Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn Cầu.

Cộng hưởng nhân tố mới đẩy lãi suất huy động tăng cuối năm

"Cộng thêm hai nhân tố khác khiến cuối năm các ngân hàng huy động vốn mạnh tay hơn. Thứ nhất, nợ xấu có dấu hiệu tăng hơn năm trước do tình hình kinh tế chưa hẳn khả quan. Khi nợ xấu tăng, tiền vốn các ngân hàng hàng cho vay khó quay trở lại, trong khi ngân hàng phải trả tiền cho người dân khi đến hạn. Các ngân hàng ra thị trường huy động vốn mới để trả cho vốn cũ bị tồn đọng trong nợ xấu, khiến ngân hàng thường đẩy lãi suất lên để huy động vốn. Thứ hai, để hạ nhiệt tỷ giá, NHNN hút thanh khoản từ thị trường vào và tạo ra khan hiếm vốn trên thị trường. Các ngân hàng quyết định huy động vốn với lãi suất cao hơn để bù đắp thanh khoản và hỗ trợ các hoạt động cho vay vào tháng cuối năm".

Theo thống kê từ VCBS, lãi suất tạo đáy trong quý II/2024 và hiện mặt bằng lãi suất huy động niêm yết tăng 0,5% từ đáy song vẫn ở mức thấp hơn giai đoạn dịch bệnh.

“Tốc độ tăng lãi suất huy động sẽ tăng theo hướng nhích dần đều nhưng vẫn ở mặt bằng thấp so với giai đoạn trước Covid-19, chúng tôi dự báo mức lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ từ 20 - 30 điểm cơ bản ở các kỳ hạn trung và dài hạn cho giai đoạn cuối năm 2024 và đi ngang trong năm 2025” - VCBS kỳ vọng.

Điều này cũng góp phần thúc đẩy tín dụng trong năm 2025 của NHNN cùng với định hướng “tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp”.

Tuy nhiên, xu hướng tăng lãi suất huy động sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Cụ thể, đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động kỳ vọng duy trì đi ngang ở mức hiện tại theo hướng hỗ trợ nền kinh tế. Đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, xu hướng tăng nhẹ lãi suất huy động để tăng cường huy động vốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đặc biệt đối với những ngân hàng có mức độ phụ thuộc vào tiền gửi khách hàng lớn và cơ cấu huy động vốn.

Lãi suất cho vay bất động sản, xây dựng dự báo tăng nhẹ

Về lãi suất cho vay, thông tin tại hội nghị toàn ngành ngân hàng vừa qua, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023 (sau khi đã giảm khoảng 2,5% trong năm 2023).

Lãi suất huy động nóng dần cuối năm, dự báo mặt bằng lãi suất cho vay năm 2025.

Cũng theo VCBS, lãi suất cho vay giảm về mức thấp kỷ lục. Cuối quý 3/2024, lãi suất cho vay trung bình ghi nhận trên báo cáo tài chính các ngân hàng niêm yết giảm khoảng 2,7% từ mức đỉnh quý I/2023. Đây là mức lãi suất thấp nhất trong nhiều năm qua.

Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại tư nhân ghi nhận mức lãi suất cho vay trên báo cáo tài chính giảm mạnh hơn nhóm ngân hàng quốc doanh (giảm 2,4% so với cuối 2023), đặc biệt là nhóm ngân hàng quy mô nhỏ do áp lực hạ lãi suất đầu ra để thu hút khách hàng, cùng với việc các khoản thoái lãi có xu hướng gia tăng.

"Dự kiến lãi suất cho vay của nhóm ngân hàng này giảm chậm lại trong quý 4 và có sự cải thiện từ 2025 khi khách hàng quay lại trả nợ, trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh và nhóm ngân hàng tư nhân lớn có thể cải thiện sớm hơn nhờ chất lượng tài sản tốt" - VCBS nhìn nhận.

Làm rõ nhân tố khiến mặt bằng lãi suất cho vay có thể tăng thêm 0,5 - 0,7% trong năm 2025, VCBS cho rằng, lãi suất huy động tăng nhẹ tạo áp lực nhất định lên lãi suất cho vay. Tuy nhiên, room tín dụng dồi dào trong thời gian qua làm tăng cạnh tranh tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng và giúp duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp.

Cũng theo nhóm phân tích, mặt bằng lãi suất cho vay trong ngắn hạn sẽ có phân hóa. Theo đó, lãi suất cho vay đối với nhóm ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu… theo các chương trình ưu đãi về lãi suất, dẫn đến lãi suất có thể tiếp tục giảm nhẹ. Trong khi đó, lãi suất ở nhóm ngành có mức độ hồi phục nhanh hơn và rủi ro hơn như bất động sản và xây dựng sẽ điều chỉnh tăng theo đà tăng của lãi suất huy động./.

Ánh Tuyết

20/12/2024
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    P.Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 3, tòa B Cao ốc Văn phòng VG Building. Số 235 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân, TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368