![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Nghị quyết số 198/2025/QH15 vừa được Quốc hội thông qua mở ra một “chương” mới đầy triển vọng cho khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Với chuỗi các chính sách ưu đãi thuế, phí và hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, Nghị quyết không chỉ đơn thuần là một gói ưu đãi tài chính mà còn thể hiện cam kết sâu sắc của Nhà nước trong việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và hội nhập toàn cầu.
Nghị quyết số 198/2025/QH15 thể hiện sự thay đổi sâu sắc trong tư duy chính sách của Nhà nước đối với kinh tế tư nhân.
Tư duy mới trong thiết kế chính sách thuế – tài khóa
Nghị quyết số 198/2025/QH15 thể hiện sự thay đổi sâu sắc trong tư duy chính sách của Nhà nước đối với kinh tế tư nhân. Từ chỗ chỉ đóng vai trò “bổ trợ”, khu vực này đang được xác lập như một trong những trụ cột phát triển của nền kinh tế thị trường. Để biến tư tưởng đó thành hiện thực, chính sách thuế đã được lựa chọn là công cụ mang tính “kích hoạt”, giúp doanh nghiệp tư nhân giảm gánh nặng chi phí, tăng năng lực tích lũy, nâng cao khả năng đổi mới công nghệ và mở rộng sản xuất.
Nghị quyết số 198/2025/QH15 có điểm nhấn là chính sách hỗ trợ giảm ít nhất 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và vườn ươm công nghệ. Đây là một bước đi quan trọng để giảm áp lực tài chính ban đầu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng quy mô, đầu tư trang thiết bị và nâng cao năng suất.
Việc miễn lệ phí môn bài từ ngày 1/1/2026 và miễn phí các loại lệ phí liên quan đến cấp, đổi giấy tờ trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại bộ máy Nhà nước cũng góp phần giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Đây là những cải cách thiết thực góp phần cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực cho hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Đáng chú ý, đối với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo – nhóm doanh nghiệp đang được kỳ vọng sẽ dẫn dắt sự phát triển kinh tế số và chuyển đổi công nghệ quốc gia, Nghị quyết 198 đưa ra nhiều chính sách ưu đãi thuế mang tính đột phá. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và các tổ chức hỗ trợ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm đầu và giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, quyền góp vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng được miễn thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này tạo ra cơ chế thu hút vốn đầu tư và tăng cường nguồn lực tài chính cho các startup đổi mới sáng tạo.
Chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân trong 2 năm và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo cho chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại các doanh nghiệp khởi nghiệp, trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo cũng là một điểm cộng quan trọng. Đây là yếu tố thu hút nhân tài, chuyên gia đầu ngành, giúp nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển và tăng cường khả năng thương mại hóa sản phẩm công nghệ cao.
Một điểm sáng khác của Nghị quyết là việc cho phép doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế để lập quỹ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cùng chính sách tính 200% chi phí nghiên cứu – phát triển (R&D) vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là cú hích khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào R&D, tạo ra các sản phẩm, công nghệ mới có giá trị gia tăng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Ngoài ra, Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và cá nhân kinh doanh bằng cách cung cấp miễn phí nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung và dịch vụ tư vấn pháp lý, kế toán, thuế, nhân sự. Những hỗ trợ này không chỉ giảm chi phí quản trị mà còn nâng cao năng lực quản trị nội bộ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số – một yếu tố sống còn để các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo bứt phá trong thời đại công nghệ số.
Theo bà Lê Thùy Dương, Giám đốc một startup công nghệ tại Hà Nội: “Việc Nhà nước đồng hành với doanh nghiệp qua các chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ đào tạo, tư vấn giúp chúng tôi yên tâm tập trung phát triển công nghệ lõi. Đây chính là động lực để startup như chúng tôi vững bước trên con đường đổi mới sáng tạo, đồng thời góp phần nâng tầm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên bản đồ công nghệ khu vực và thế giới”.
Cơ hội và thách thức trong triển khai chính sách
Việc Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân không chỉ là quyết sách kinh tế, mà còn là sự khẳng định tầm nhìn chiến lược về vai trò động lực của kinh tế tư nhân trong mô hình tăng trưởng mới. Trong đó, hệ thống các chính sách thuế được thiết kế linh hoạt, có trọng tâm, mang tính hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp tư nhân – đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa – trở thành một “cú hích” mạnh mẽ cho đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Theo nhiều chuyên gia, thành công của Nghị quyết còn phụ thuộc rất lớn vào sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ ngành, địa phương trong việc triển khai chính sách. Nếu được triển khai đồng bộ, hiệu quả và minh bạch, Nghị quyết số 198/2025/QH15 sẽ trở thành nền móng vững chắc cho sự ra đời của thế hệ doanh nghiệp mới – sáng tạo hơn, bền vững hơn và đủ sức cạnh tranh toàn cầu
Ở khía cạnh khác, doanh nghiệp cần chủ động tận dụng cơ hội, nâng cao năng lực quản trị và đổi mới công nghệ để phát triển bền vững trong môi trường kinh doanh cạnh tranh toàn cầu. Chính sách có thể là chất xúc tác quan trọng, nhưng chính năng lực của doanh nghiệp và sự đồng hành của các cơ quan quản lý mới là yếu tố quyết định đưa kinh tế tư nhân và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển đột phá trong giai đoạn tới.