![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Tại buổi họp báo chuyên đề quý II/2025 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 2/7, ông Trương Bá Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí đã thông tin cụ thể về tiến độ xây dựng và các nội dung chính của dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế.
Ông Trương Bá Tuấn chia sẻ tại họp báo. Ảnh: Ngô Hùng.
Những định hướng lớn trong sửa đổi chính sách
Theo Phó Cục trưởng Trương Bá Tuấn, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 191/NQ-CP ngày 21/6/2025, Bộ Tài chính đã đề nghị xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế để trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ đã giao hai nhiệm vụ cụ thể: Thứ nhất, thay mặt Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế vào chương trình xây dựng luật năm 2025, trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 tới. Thứ hai, khẩn trương xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế để trình Chính phủ, trình Quốc hội đúng tiến độ. Trong đề nghị xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trên cơ sở đánh giá toàn diện, đầy đủ các quy định hiện hành, những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế; từ đó dự kiến sửa đổi tổng thể các quy định của luật.
Ông Trương Bá Tuấn cho biết, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát toàn diện các quy định hiện hành, đánh giá đầy đủ những bất cập và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đề xuất sửa đổi theo hướng tổng thể với sáu nhóm nội dung chính.
Trước hết, dự thảo Luật sẽ sửa đổi các quy định liên quan đến xác định thu nhập chịu thuế, phương pháp tính thuế đối với từng nhóm thu nhập. Việc điều chỉnh nhằm bảo đảm phù hợp với sự thay đổi của nền kinh tế, bối cảnh thị trường lao động và thông lệ quốc tế.
Tiếp theo, dự thảo Luật sẽ rà soát và bổ sung thêm các khoản thu nhập được miễn thuế. Mục tiêu là thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo Nghị quyết 57/NQ-CP của Bộ Chính trị, thúc đẩy phát triển ngành Công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh và đổi mới sáng tạo. Các khoản thu nhập mang tính khuyến khích, ưu đãi chính sách sẽ được xem xét để đưa vào diện miễn thuế phù hợp.
Một nội dung quan trọng khác là điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và bổ sung một số khoản giảm trừ nhằm bảo đảm chính sách thuế thu nhập cá nhân phản ánh đúng thực tế kinh tế - xã hội. Việc điều chỉnh này sẽ dựa trên sự thay đổi của chỉ số giá tiêu dùng, mức sống và thu nhập bình quân đầu người. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ mới liên quan đến giáo dục, y tế và an sinh xã hội để hỗ trợ tốt hơn cho người dân.
Cùng với đó, biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công hiện nay đang gồm 7 bậc thuế sẽ được nghiên cứu thiết kế lại theo hướng rút gọn, đơn giản hơn. Việc điều chỉnh này nhằm làm rõ nguyên tắc tính thuế, đảm bảo công bằng và dễ áp dụng hơn cho người nộp thuế.
Dự thảo Luật cũng sẽ tích hợp, làm rõ các quy định liên quan đến những nhóm đối tượng mới phát sinh từ các nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là các cơ chế ưu đãi cá nhân trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cơ chế đặc thù phát triển nhân tài theo các nghị quyết đã đượ ban hành. Những nội dung này sẽ được rà soát, thể chế hóa rõ ràng trong luật.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu cơ chế ủy quyền linh hoạt cho Chính phủ trong việc quy định một số nội dung chi tiết về biểu thuế, mức thuế suất, phương pháp tính thuế. Điều này nhằm bảo đảm chính sách thuế có thể điều chỉnh linh hoạt theo từng giai đoạn phát triển mà không phải chờ sửa đổi toàn bộ Luật.
Song song với đó, các nội dung liên quan đến kê khai, nộp thuế cũng sẽ được cải tiến theo hướng đơn giản hóa, ứng dụng công nghệ số để tăng tính minh bạch, giảm chi phí tuân thủ cho người dân.
Rộng rãi tham vấn, quyết tâm bảo đảm tiến độ
Ông Trương Bá Tuấn cho biết, Bộ Tài chính hiện đang khẩn trương hoàn thiện phương án chi tiết. Sau khi thống nhất, Bộ sẽ ban hành văn bản chính thức để lấy ý kiến rộng rãi từ các bộ, ngành, hiệp hội, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Hồ sơ dự thảo sẽ được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Cổng thông tin điện tử Chính phủ để tiếp nhận góp ý của toàn xã hội.
“Chúng tôi bám sát các mốc tiến độ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 191/NQ-CP. Mục tiêu là đảm bảo trình dự án luật kịp thời để Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp tháng 10/2025”, ông Trương Bá Tuấn khẳng định.
Với những định hướng sửa đổi toàn diện, Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) không chỉ đáp ứng yêu cầu cập nhật chính sách trong bối cảnh mới, mà còn hướng đến xây dựng một hệ thống thuế công bằng, hiện đại, hỗ trợ người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.