024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Ngăn ngừa các hành vi vi phạm qua thanh tra tài chính

 

Trong 9 tháng qua, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Tài chính đã đạt nhiều kết quả tích cực, đáp ứng kịp thời, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ Tài chính và Chính phủ.

9 tháng qua, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 50.344 cuộc thanh tra, kiểm tra. Ảnh tư liệu

Không lợi dụng quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật

Đánh giá về công tác thanh tra, kiểm tra (TTKT) của ngành Tài chính trong 9 tháng qua, ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, toàn ngành Tài chính đã thực hiện đầy đủ quy chế giám sát hoạt động đoàn thanh tra. Tổ giám sát đoàn thanh tra hoạt động đúng quy định, có hiệu quả, giúp cho việc chấp hành các quy định, quy trình, quy chế đoàn thanh tra được nâng cao; kỷ cương, kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ được tăng cường.

Bám sát các hoạt động thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính tiếp tục bám sát các hoạt động thanh tra, kiểm tra (TTKT) của các đơn vị được giao chức năng TTKT chuyên ngành để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, phối hợp rà soát kịp thời điều chỉnh kế hoạch TTKT để tránh chồng chéo.

Các đoàn thanh tra chấp hành đúng quy định về trình tự, thủ tục, đảm bảo thời gian và kế hoạch được duyệt; thành viên đoàn TTKT đều chấp hành nghiêm kỷ luật và quy chế. Nội dung TTKT có trọng tâm, trọng điểm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính và hoàn thành đúng tiến độ.

Việc chấp hành các quy định của pháp luật về thanh tra; quy trình, quy chế đoàn thanh tra cũng như kỷ cương, kỷ luật được tăng cường. Cán bộ, công chức khi tiến hành thanh tra đều tuân thủ các quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được giao; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thah tra, bao che cho đối tượng thanh tra.

Ông Trần Huy Trường cũng cho biết, các đơn vị đã tổ chức thẩm định dự thảo kết luận thanh tra theo quy định. Qua TTKT, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN) thuộc Bộ đã xử lý nghiêm theo quy định các sai phạm trong quản lý tài chính ngân sách; kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách về quản lý tài chính đối với các ngành, lĩnh vực.

Theo báo cáo từ Thanh tra Bộ Tài chính, trong 9 tháng qua, Bộ Tài chính đã thực hiện 4 cuộc thanh tra hành chính theo kế hoạch, lưu hành 7 kết luận thanh tra hành chính tại 7 đơn vị (3 cuộc năm 2023 chuyển sang). Qua thanh tra kiến nghị xử lý tài chính, thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) trên 19 tỷ đồng, trong đó kiến nghị nộp NSNN trên 16 tỷ đồng; xử lý khác về kinh tế hơn 3 tỷ đồng. Các đơn vị đã thực hiện kiến nghị, nộp NSNN trên 4 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra nội bộ tại các đơn vị, góp phần ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức và người lao động trong toàn ngành. Kết quả, trong 9 tháng qua, toàn ngành Tài chính đã thực hiện 1.576 cuộc kiểm tra nội bộ. Qua kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính trên 45 tỷ đồng. Số tiền đã thu nộp NSNN trên 8,6 tỷ đồng; đồng thời xử lý hành chính đối với 108 tổ chức và 400 cá nhân, trong đó đã xử lý kiểm điểm rút kinh nghiệm 400 người.

Về công tác TTCN, trong 9 tháng qua, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng TTCN thuộc Bộ đã thực hiện 50.344 cuộc TTKT; tiến hành kiểm tra 501.482 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 11.555 vụ; kiến nghị xử lý về tài chính trên 64.300 tỷ đồng, trong đó, kiến nghị thu hồi nộp NSNN trên 12.832 tỷ đồng; kiến nghị tài chính khác trên 51.476 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính trên 2.471 tỷ đồng; các đơn vị được TTKT đã thực hiện kiến nghị số tiền trên 9.662 tỷ đồng (bao gồm cả xử phạt vi phạm hành chính).

Ông Trường nhấn mạnh, với việc kiến nghị xử lý tài chính, thu nộp NSNN và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có vi phạm, thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng TTCN thuộc Bộ đã giúp chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách tại các đơn vị, đồng thời kiến nghị các bộ, ngành, địa phương bổ sung các quy trình, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với thực tế.

Đôn đốc thực hiện quyết định xử lý sau thanh tra

Mặc dù công tác TTKT đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong 9 tháng qua, nhưng theo báo cáo từ Thanh tra Bộ Tài chính, một số cuộc thanh tra còn chậm lưu hành kết luận thanh tra, nguyên nhân do dự thảo kết luận thanh tra có nhiều nội dung xử lý phức tạp nên còn phải xin ý kiến các đơn vị.

Để nâng cao hiệu quả công tác TTKT trong thời gian tới, ông Trường cho biết, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch TTKT năm 2024 đã được phê duyệt; đồng thời bố trí lực lượng dự phòng nhằm đảm bảo kịp thời thực hiện các cuộc TTKT đột xuất phục vụ yêu cầu quản lý điều hành của Bộ. Các cuộc thanh tra đảm bảo theo đúng quy định của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn.

Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện thiếu triệt để, đồng thời có kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục. Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong nội bộ ngành Tài chính và giữa Bộ Tài chính với các cơ quan chức năng khác (cơ quan cảnh sát điều tra, Ngân hàng Nhà nước…) nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực thuế và các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy và các chất gây nghiện.

Bộ Tài chính tiếp tục chú trọng thực hiện chương trình cải cách và hiện đại hóa công tác TTKT thuế, hải quan và trong toàn ngành; tăng cường đẩy mạnh phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý rủi ro và các phần mềm phân tích, phân loại đối tượng nộp thuế, kê khai hải quan theo mức độ rủi ro nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm mới của đối tượng qua đó tăng cường công tác TTKT để chống các hành vi gian lận; hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thông tin phục vụ TTKT ngành Tài chính./.

Vân Hà

10/10/2024
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    P.Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 3, tòa B Cao ốc Văn phòng VG Building. Số 235 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân, TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368