Tín hiệu phục hồi của tốc độ tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn gần đây cho thấy, dòng vốn ngân hàng đang được khơi thông mạnh mẽ và thẩm thấu vào nền kinh tế. Xu hướng này mở ra nhiều kỳ vọng vào sức bật của tăng trưởng tín dụng trong phần còn lại của năm 2024.
Dòng vốn từ ngân hàng đã có tín hiệu khơi thông mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Ảnh tư liệu.
Tín dụng phục hồi mạnh
Theo thông tin vừa được chia sẻ từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tốc độ tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6/2024 đạt 6%. Tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tập trung triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; tín dụng chính sách; các chương trình mục tiêu quốc gia…
Diễn biến tăng trưởng tín dụng cho thấy, dòng vốn từ ngân hàng đã có tín hiệu khơi thông mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Trước đó tại thời điểm giữa tháng 6/2024, số liệu của NHNN khi đó cho biết tăng trưởng tín dụng đến 14/6 mới đạt 3,79% so với cuối năm 2023. Theo đó, chỉ trong vòng nửa tháng, tín dụng đã vọt tăng mạnh thêm tới 2,21%.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, việc điều hành tăng trưởng tín dụng là vấn đề lớn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngay từ đầu năm, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện. 2 tháng đầu năm, tăng trưởng âm do giai đoạn đó nhu cầu vốn của doanh nghiệp còn thấp, nhưng sau đó đã có xu hướng tích cực hơn, thể hiện sự phục hồi rõ rệt giai đoạn từ tháng 3 đến nay.
Lãnh đạo NHNN cho biết, việc điều hành cung ứng dòng tiền trong nước cũng phải đối chiếu các yếu tố kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước. Cụ thể diễn biến 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, tăng trưởng không đồng đều tại các quốc gia, khu vực do tác động của điều kiện tài chính thắt chặt, xung đột địa chính trị, rủi ro tài chính gia tăng.
Kinh tế trong nước đã có sự phục hồi tích cực, lạm phát ổn định nhưng tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do chịu tác động của kinh tế thế giới và những vấn đề nội tại của kinh tế trong nước.
Kỳ vọng những tháng cuối năm
Mặc dù tín dụng đã có diễn biến tăng trưởng khá chậm giai đoạn đầu năm, nhưng sự bật tăng mạnh trong thời gian gần đây cho thấy diễn biến “gió đã đổi chiều” trên thị trường tiền tệ, từ trạng thái có phần “ùn ứ” hồi đầu năm, sang trạng thái của một dòng chảy đang trở nên mạnh mẽ hơn.
Trong cơ cấu tín dụng, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng thuộc NHNN cho biết, tín dụng đến tháng 6 đã đáp ứng các yêu cầu chung của nền kinh tế. Riêng tín dụng thuộc các lĩnh vực ưu tiên đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mặt bằng chung, đặc biệt, tín dụng nông nghiệp nông thôn có tỷ trọng lớn nhất trong các lĩnh vực ưu tiên.
Về quan điểm điều hành lãi suất, NHNN cho biết vẫn tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, NHNN chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; yêu cầu các TCTD công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên website của ngân hàng.
NHNN cho biết, trong thời gian tới tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng; đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro… Ngành Ngân hàng cũng cho biết, sẽ vẫn duy trì các cuộc tiếp xúc ngân hàng - doanh nghiệp để trao đổi tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, các yếu tố khách quan từ nền kinh tế cũng đang phát đi những tín hiệu tích cực và theo ông Đào Minh Tú, khi kinh tế tăng trưởng tốt thì nhu cầu vay vốn cũng sẽ tăng cao hơn. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2024 tăng khá, thể hiện rõ xu hướng phục hồi của nền kinh tế với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2024. Tính chung GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024. Nhiều tổ chức quốc tế gần đây đã đưa những dự báo lạc quan về tăng trưởng GDP cả năm 2024, với khả năng có thể đạt khoảng 6,5% - 6,9%.
Giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm Việc điều hành tăng trưởng tín dụng là vấn đề lớn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng và thông báo công khai nguyên tắc xác định để tổ chức tín dụng chủ động thực hiện. Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước |
Chí Tín