Chiều 29/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, Luật có 11 điều, bổ sung 2 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội đầu Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, chiều 29/11. Ảnh tư liệu
Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), trong quá trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Kiểm toán độc lập liên quan đến các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế liên quan đến các quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Quy định mới trong Luật Ngân sách nhà nước áp dụng từ năm ngân sách 2025Luật sửa 9 luật liên quan đến lĩnh vực tài chính có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ một số quy định cụ thể. Trong đó, quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, quy định về vốn chủ sở hữu có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Quy định về sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước áp dụng từ năm ngân sách 2025. |
Do đó, UBTVQH báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung nội dung sửa đổi 2 luật là Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Xử lý vi phạm hành chính và sửa đổi tên gọi của Luật như trên.
Về các nội dung cụ thể, tại Luật Kiểm toán độc lập, sau khi thẩm tra và thảo luận còn 2 nội dung có ý kiến nhiều chiều là về đơn vị được kiểm toán và xử phạt vi phạm. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Luật đã bỏ đối tượng được kiểm toán là “tổ chức khác có quy mô lớn phải kiểm toán báo cáo tài chính”. Đồng thời, UBTVQH đề nghị Chính phủ đánh giá tác động kỹ lưỡng, thận trọng để quy định tại dự thảo Nghị định về quy mô của doanh nghiệp phải kiểm toán bắt buộc hằng năm.
Về xử phạt vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập, có ý kiến đề nghị chỉ nên tăng mức xử phạt tối đa gấp 2 lần so với hiện nay và thời hiệu xử phạt tối đa là 2 năm do nhu cầu về nhân sự kiểm toán còn thiếu so với quy mô thị trường.
Theo UBTVQH, đây là mức phạt tiền tối đa và chỉ áp dụng đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, có thể xem xét quy định như tại dự thảo Luật để bảo đảm tính răn đe đối với doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên, nhất là thời gian vừa qua, xảy ra một số vụ việc doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.
Đối với Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), một trong những nội dung sửa đổi là bổ sung điểm d khoản 5 Điều 19 và điểm d khoản 2 Điều 30 Luật NSNN về phân bổ dự toán chi NSNN chưa phân bổ chi tiết. Trong thảo luận, nhiều ý kiến không nhất trí sửa đổi nội dung này do chưa phù hợp thẩm quyền theo quy định. Nhiều ý kiến đề nghị quy định thẩm quyền cho UBTVQH xem xét, quyết định…
Do việc sửa đổi quy định này liên quan đến cách hiểu khác nhau, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan rà soát các quy định pháp luật có liên quan để bảo đảm chặt chẽ đúng thẩm quyền của Quốc hội, HĐND và thống nhất trong các điều, khoản của Luật NSNN. Đồng thời, UBTVQH xin Quốc hội cho phép sửa đổi quy định này và cho sửa đổi, bổ sung thêm điểm a khoản 5 Điều 19 Luật NSNN về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và điểm a khoản 2 Điều 30 Luật NSNN về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp.
Tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, một số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật, bổ sung cụm từ “Không phải thực hiện sắp xếp lại nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công”. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, việc sắp xếp nhà đất của doanh nghiệp là rất cần thiết, nếu bỏ quy định này tại Luật sẽ tạo ra một lỗ hổng lớn…
Báo cáo về nội dung này, Chính phủ cho biết việc sửa đổi, bổ sung quy định sẽ không tạo ra khoảng trống pháp lý trong quản lý, sử dụng nhà, đất tại các doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép sửa đổi, bổ sung quy định này.
Đối với Luật Quản lý thuế, một trong những nội dung sửa đổi là bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam” của các nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hoặc trên cơ sở nền tảng số. Một số ý kiến cho rằng, việc bỏ cụm từ này là chưa phù hợp.
Để làm rõ ý kiến của đại biểu, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát và khẳng định việc sửa đổi bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam” là phù hợp với xu hướng quốc tế, đảm bảo việc quản lý thuế hiệu quả, công bằng giữa các quốc gia. Đồng thời tạo cơ sở, hành lang pháp lý để cơ quan thuế đôn đốc các nhà cung cấp ở nước ngoài “có cơ sở thường trú” đăng ký, khai, nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài, đảm bảo bao quát đầy đủ, mở rộng cơ sở thuế, chống thất thu thuế; nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép sửa đổi nội dung này thể hiện tại khoản 5 Điều 6 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Về quy định cho phép người nộp thuế được bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi đã có quyết định thanh tra, kiểm tra, có ý kiến đề nghị xem xét để sửa đổi Điều 47 Luật hiện hành về bổ sung hồ sơ khai thuế để bảo đảm hiệu lực của công tác thanh tra, kiểm tra hậu kiểm.
Tiếp thu ý kiến đại biểu và để chủ động phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực, UBTVQH thống nhất với Chính phủ trình Quốc hội bổ sung nội dung sửa đổi, bổ sung chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng, bỏ quy định cho phép người nộp thuế được bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi đã có quyết định thanh tra, kiểm tra.
Bổ sung hình thức xử lý tài sản công tại cơ quan nhà nướcTại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nội dung phân cấp, phân quyền được nhiều đại biểu quan tâm. Nhiều ý kiến nhất trí sửa đổi từ cơ chế “phân cấp” sang “phân quyền” trong quản lý, sử dụng tài sản công. Nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc, chưa sửa đổi, bổ sung các điều khoản này, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động; rà soát bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ để tránh mâu thuẫn, chồng chéo ngay trong nội bộ luật này và các quy định pháp luật có liên quan. Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã đề nghị các cơ quan rà soát kỹ lưỡng các nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến phân cấp, phân quyền để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, Luật đã thu hẹp phạm vi đề xuất sửa đổi nội dung tại khoản 2 Điều 17 về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh và các nội dung liên quan đến thẩm quyền phê duyệt đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Đối với quy định bổ sung hình thức xử lý tài sản công tại cơ quan nhà nước “chuyển giao về địa phương quản lý”, một số ý kiến nhất trí theo đề xuất của Chính phủ, một số ý kiến cho rằng không cần sửa đổi các điều, khoản này vì thực tế đang triển khai thực hiện và không có vướng mắc. Giải trình nội dung này, UBTVQH cho biết việc bổ sung quy định này làm căn cứ để triển khai thực hiện hình thức chuyển giao tài sản về địa phương quản lý, xử lý. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung hình thức “chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý” và không luật hóa các nội dung quy định cụ thể tại Nghị định. |
Hoàng Yến