024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Bỏ quy định miễn thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ, tạo cạnh tranh công bằng

 

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Văn Hiến cho rằng, việc bỏ quy định miễn thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ là việc làm cấp thiết hiện nay để giúp ngân sách không thất thu một khoản lớn, đồng thời tạo sự cạnh tranh công bằng với hàng hóa sản xuất trong nước.

Hiện nay mỗi ngày Việt Nam có khoảng 4-5 triệu đơn hàng nhập khẩu giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng thông qua các sàn thương mại điện tử. Ảnh tư liệu

PV: Theo thống kê từ cơ quan chức năng, bình quân mỗi ngày có khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng được chuyển về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử nhưng không phải đóng thuế. Ông nhìn nhận thế nào về con số trên?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Theo báo cáo của cơ quan chức năng, hiện nay mỗi ngày Việt Nam có khoảng 4-5 triệu đơn hàng nhập khẩu giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng thông qua các sàn thương mại điện tử với tổng giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Nhưng theo quy định tại Quyết định 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho phép hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu. Tôi cho rằng, đây là con số rất lớn, vừa gây thất thu thuế của Nhà nước, vừa ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, quy định miễn thuế đối với các loại hàng hoá giá trị nhỏ đang là một “lỗ hổng” không chỉ khiến ngân sách bị thất thu mà hàng hóa sản xuất trong nước cũng gặp khó khăn vì môi trường cạnh tranh không bình đẳng. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Thời điểm năm 2010, thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới chưa phát triển, hàng hóa phát triển nhanh xuyên biên giới chủ yếu là hàng quà biếu hoặc người dân mua tiêu dùng cá nhân với số lượng nhỏ nên Nhà nước quyết định miễn thuế cho loại giao dịch này là phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện lúc đó. Bên cạnh đó, việc Việt Nam không thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá nhỏ lẻ nhập khẩu dưới giá trị 1 triệu đồng còn nhằm thực hiện theo cam kết quốc tế tại Công ước Kyoto năm 1973 về đơn giản hóa và hài hòa thủ tục hải quan.

Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, các hoạt động giao dịch thương mại điện tử đã trở nên phổ biến, mang tính chất kinh doanh với khối lượng rất lớn (mặc dù giá trị mỗi đơn hàng vẫn nhỏ hơn 1 triệu đồng, thậm chí có nhiều trường hợp doanh nghiệp xé lẻ đơn hàng giá trị lớn thành nhiều đơn hàng giá trị nhỏ để được hưởng ưu đãi miễn thuế), đây rõ ràng đang là một “lỗ hổng” trong quản lý, vừa khiến ngân sách Nhà nước bị thất thu, vừa tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong nước bị gặp khó do không cạnh tranh nổi với hàng hóa ở nước ngoài gửi về.

PV: Việc bãi bỏ chính sách miễn thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh để đảm bảo công bằng, bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước có phải là điều cấp thiết trong thời điểm hiện nay, thưa ông?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Từ những phân tích ở trên, việc xem xét bãi bỏ chính sách miễn thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh được quy định tại Quyết định 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là rất cần thiết nhằm đảm bảo tính công bằng, bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu với hàng hóa sản xuất trong nước, đồng thời góp phần chống thất thu thuế, tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Nhiều nước trong khu vực và trên thế giới trước đây cũng có quy định miễn thuế hàng chuyển phát nhanh qua biên giới tương tự như Việt Nam, nhưng hiện nay các nước này cũng đã bãi bỏ các chính sách ưu đãi này. Cụ thể, như Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ quy định không tính thuế đối với giá trị hàng hoá chuyển phát nhanh qua đường bưu điện có giá trị dưới 22 USD, Vương quốc Anh cũng xoá bỏ việc miễn thuế đối với hàng hoá dưới 135 USD, Singapore từ ngày 1/1/2023 cũng bỏ quy định miễn thuế hàng hoá giá trị nhỏ vận chuyển và giao dịch qua thương mại điện tử, trong khi đó Chính phủ Thái Lan cũng đã ban hành quy định đánh thuế giá trị gia tăng 7% với tất cả các loại hàng hoá nhập khẩu. Như vậy, cho đến nay, hầu hết các quốc gia tham gia Công ước quốc tế Kyoto năm 1973 hầu như đã không còn thực hiện cam kết này. Vì vậy, về phía Việt Nam, Chính phủ cũng cần sớm bãi bỏ Quyết định 78/2010/QĐ-TTg.

Tuy nhiên, việc quản lý thu thuế đối với các giao dịch này không đơn giản vì khối lượng giao dịch rất lớn, hồ sơ chứng từ của mỗi đơn hàng lại thường không đầy đủ nên rất khó khăn trong việc triển khai hành thu, vì vậy cơ quan thuế cần nghiên cứu đưa ra các quy định cụ thể, vừa đơn giản về thủ tục, vừa tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế nhưng lại vừa đảm bảo công bằng và tránh thất thu. Chỉ có đáp ứng tốt những yêu cầu này thì chính sách thuế mới đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tốt.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cần sớm sửa quy định miễn thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ

Theo TS. Nguyễn Văn Hiến, việc quy định hàng nhập khẩu giá trị nhỏ được miễn thuế vừa không bình đẳng cho sản xuất trong nước, vừa tạo sự cạnh tranh không bình đẳng giữa sàn thương mại điện tử trong nước với các sàn thương mại có nguồn gốc nước ngoài. Do vậy, chúng ta cần phải sớm sửa quy định miễn thuế này.

Đức Việt

11/11/2024
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368