024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Áp lực lãi suất điều hành tăng, nhưng chính sách nới lỏng tiền tệ vẫn duy trì

 

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kéo dài thời gian giảm lãi suất đồng USD đang tạo áp lực lớn lên tỷ giá và tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong phần còn lại của năm nay khi Chính phủ vẫn ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đồng thời xu hướng giảm lãi suất đang diễn ra trên toàn cầu, cho dù FED còn chần chừ.

Nguồn: SBV, Fiinpro, MBS Research.

Áp lực tăng lãi suất vẫn lớn

Theo thông tin từ MBS Research, lãi suất thị trường liên ngân hàng duy trì trên ngưỡng 4% ở tất cả các kỳ hạn trong tháng 7 vừa qua. Đặc biệt, vào ngày 9/7, lãi suất qua đêm bật tăng, lên 4,9% - mức cao nhất kể từ cuối tháng 5, điều này phát tín hiệu về thiếu hụt thanh khoản hệ thống sau những động thái hút ròng mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong 2 tháng vừa qua.

Tiếp tục các giải pháp để giảm lãi suất cho vay

Theo lãnh đạo NHNN, trong thời gian 6 tháng cuối năm, cơ quan này sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Thêm vào đó, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 30/6 đã đạt 6% cũng là một yếu tố tác động đến đà tăng của lãi suất liên ngân hàng. Mặc những nỗ lực can thiệp của NHNN, lãi suất qua đêm vẫn neo cao ở mức 4,7%, trong khi lãi suất các kỳ hạn từ 1 tuần đến 1 tháng dao động từ 4,7% - 4,8% vào cuối tháng 7.

Trong khi đó, lãi suất đầu vào vẫn đang trên đà tăng. Theo số liệu từ MBS Research, tính đến ngày 25/7, tổng cộng đã có 16 ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động với mức tăng từ 0,1% - 0,7%, thậm chí lãi suất ở một vài ngân hàng đã vượt mốc 6%/năm, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn. Điều này đã khiến các ngân hàng ráo riết tăng lãi suất huy động, nhằm nâng cao tính cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác trên thị trường. Tiếp nối VietinBank, BIDV là ngân hàng thứ 2 trong nhóm ngân hàng thương mại nhà nước điều chỉnh lãi suất tiết kiệm. Cụ thể, lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 24 - 36 tháng được tăng thêm 0,1%/năm lên mức 4,9%.

Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán Yuanta Việt Nam, từ đầu năm đến nay, NHNN vẫn kiên định với chính sách nới lỏng tiền tệ. Tuy vậy, việc FED chậm giảm lãi suất hơn dự kiến chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. “Chúng ta có độ mở rất cao với nền kinh tế toàn cầu, từ 80 - 90%. Hoạt động xuất nhập khẩu rất sôi động, đặc biệt là cán cân thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ là rất cao” - ông Minh nói.

“Việc FED chậm giảm lãi suất rõ ràng sẽ khiến đồng VND mất giá mạnh. Việc NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng làm áp lực tỷ giá sẽ còn tiếp diễn. Tôi nghĩ NHNN nhiều khả năng sẽ thực hiện việc nâng lãi suất” - ông Minh dự báo.

Không quá áp lực để phải thay đổi chính sách tiền tệ

Theo các chuyên gia của MBS Research, nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024, khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,5% so với cùng kỳ, chỉ số quản trị người mua hàng (PMI) đạt 54,7 điểm trong tháng 6. Đầu tư công và tư nhân 6 tháng lần lượt tăng 3,5% và 6,7%. “Chúng tôi dự báo, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,2% - 5,5% vào cuối năm 2024” - các chuyên gia của MBS Research dự báo.

Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia của MBS Research, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Ông Nguyễn Thế Minh cũng bình luận, việc tăng lãi suất trong khi tăng trưởng tín dụng còn yếu, tăng trưởng kinh tế mới “chớm nở” có thể không phải giải pháp tốt để hỗ trợ cho đồng nội tệ. Mặt khác, nó có thể gây áp lực và ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Dù vậy, “tôi nghĩ không cần quá lo ngại. Bởi theo nhiều dự báo, đánh giá, xác suất để FED giảm lãi suất ngay trong tháng 9 là hơn 90%. Kịch bản này rõ ràng là rất tích cực với chính sách nới lỏng tiền tệ. NHNN không nhất thiết tăng lãi suất điều hành lãi suất cơ bản để kiềm chế tỷ giá” - ông Minh nói.

Mặt khác, chuyên gia của Yuanta Việt Nam còn nhìn nhận, NHNN vẫn sẽ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong phần còn lại của năm 2024. Luận điểm này dựa trên cơ sở Chính phủ và NHNN ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, “dù FED chần chừ, song xu hướng giảm lãi suất đang diễn ra trên toàn cầu. Đơn cử, Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) hạ lãi suất chuẩn 25 điểm cơ bản, xuống 4,75% và là ngân hàng trung ương trong nhóm G7 đầu tiên bắt đầu chu kỳ nới lỏng. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngay sau đó đã hạ lãi suất chuẩn 25 điểm cơ bản, xuống 3,75%, trong khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đã có động thái cắt giảm lãi suất vào tháng 3./.

Duy Thái

08/08/2024
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368