Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Tờ trình Chính phủ trình Quốc hội về đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đề xuất 2 phương án thời gian miễn thuế, trong 5 năm hoặc 10 năm tới.
Đánh giá sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho thấy, nông nghiệp đã tiếp tục phát triển cả về quy mô, trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao.
Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là nguồn đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết, thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp ở nông thôn gặp nhiều khó khăn.
Do đó, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Gần đây miễn thuế khoảng 7.500 tỷ đồng/năm Tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN cho thấy: Tổng số thuế SDĐNN miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm. Giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 2017-2018 và đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 2021-2023 trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng/năm. |
Việc miễn thuế là cần thiết, nhưng nếu thời kỳ ưu đãi kéo dài sẽ tăng áp lực lên ngân sách nhà nước, ngược lại nếu thời gian ưu đãi ngắn thì chỉ thu hút được các dự án ngắn hạn hoặc có thể dẫn đến hiện tượng chuyển vốn sang đầu tư sang lĩnh vực khác khi hết thời hạn miễn thuế.
Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản bình quân từ 3 - 3,2%/năm, góp phần động viên người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất trên diện tích đất của mình, từ đó có điều kiện nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống; đồng thời cũng đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH), Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết phải đề xuất thời hạn miễn thuế SDĐNN cho phù hợp.
Theo dự thảo Tờ trình Chính phủ trình Quốc hội về đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, về thời gian quy định miễn thuế SDĐNN Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án là: 5 năm (tiếp tục miễn thuế SDĐNN từ 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030); và miễn thuế trong vòng 10 năm (tiếp tục miễn thuế SDĐNN từ 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2035).
Đối với đề xuất miễn thuế trong vòng 5 năm tới, theo Bộ Tài chính, đề xuất nêu trên là phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp, đời sống khu vực nông thôn và định hướng phát triển KT-XH của đất nước.
Ngân sách hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm miễn thuế SDĐNN.
Việt Nam đang trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhau. Do tác động nặng nề của dịch bệnh và biến động địa chính trị toàn cầu, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nửa đầu của kế hoạch 5 năm 2021-2025 đã chậm lại đáng kể.
Theo báo cáo kinh tế giữa kỳ 2021-2025 của Quốc hội, việc đảm bảo phấn đấu đạt chỉ tiêu GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7% là rất khó khăn. Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã được ban hành góp phần làm thay đổi đáng kể nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Với phương án này, Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế trong thời hạn 5 năm 2026-2030 sẽ góp phần động viên người nông dân yên tâm sản xuất, thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Ngoài ra, miễn thuế trong giai đoạn 5 năm cũng tương ứng và phù hợp với các điều kiện cam kết về hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần hỗ trợ cho người nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh chính sách thuế đối với đất nông nghiệp sẽ không ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của người nông dân.
Tác động không mong muốn của phương án này đó là do thời gian ưu đãi không nhiều nên có thể chỉ thu hút được các dự án ngắn hạn đầu tư vào nông nghiệp hoặc có thể dẫn đến hiện tượng chuyển vốn sang đầu tư sang lĩnh vực khác khi hết thời hạn miễn thuế.
Đối với phương án miễn thuế trong vòng 10 năm tới, theo Bộ Tài chính, ưu việt của phương án này là chính sách được thực hiện ổn định, dễ thu hút được các dự án dài hạn đầu tư vào nông nghiệp.
Đồng thời, góp phần động viên người nông dân yên tâm sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ người nông dân đầu tư mở rộng sản xuất, thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong bối cảnh đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.
Việc miễn thuế trong 10 năm phù hợp với chu kỳ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt với cây lâu năm. Ngoài ra, miễn thuế trong giai đoạn 10 năm cũng tương ứng và phù hợp với các điều kiện cam kết về hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần hỗ trợ cho người nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, tác động tiêu cực của phương án này là việc miễn thuế trong thời gian dài trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động khó lường. Trong trường hợp cần thiết sẽ khó có thể điều chỉnh chính sách khi cần phải có chính sách thuế để điều tiết. Bên cạnh đó, “thời gian miễn dài sẽ tăng áp lực lên ngân sách nhà nước”, báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính nêu rõ.
Trên cơ sở phân tích các tác động tích cực và tiêu cực của các giải pháp, Bộ Tài chính nghiêng về phương án giảm thuế trong vòng 5 năm tới./.
Chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn đến hết ngày 31/12/2025 Thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, đồng thời hỗ trợ đối với nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN được thực hiện từ năm 2001 đến nay. Theo quy định hiện hành thì chính sách thuế SDĐNN đang được miễn đến hết ngày 31/12/2025, trừ diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp. |
Minh Anh