![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Ông Phan Tấn Đạt - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Khoáng sản Bình Dương nhận định, việc sáp nhập TP. Hồ Chí Minh với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tạo nên một siêu đô thị với dân số khoảng 13 triệu người và hệ sinh thái khu công nghiệp trải dài từ trung tâm tài chính, sản xuất đến cảng biển chiến lược. Trong bối cảnh đó, bất động sản công nghiệp không chỉ đứng trước cơ hội mở rộng quy mô, mà còn chuyển mình theo hướng hiện đại, bền vững và tích hợp đa giá trị.
Trả lời PV TBTCVN, ông Phan Tấn Đạt - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Khoáng sản Bình Dương, kiêm Chủ tịch Tập đoàn KSB cho rằng, siêu đô thị TP. Hồ Chí Minh mới sẽ hội tụ những yếu tố lý tưởng để phát triển bất động sản công nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang là điểm đến chiến lược của dòng vốn FDI chuyển dịch toàn cầu.
Theo ông Đạt, việc sáp nhập TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bà Rịa Vũng Tàu sẽ giúp cho kết nối hạ tầng vùng được nâng tầm. Trong đó, các tuyến cao tốc huyết mạch như TP. Hồ Chí Minh -Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3, đường vành đai 4 và hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải sẽ góp phần rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí logistics, tạo nên lợi thế cạnh tranh rõ nét cho các khu công nghiệp trong vùng.
Đồng thời, dư địa quỹ đất công nghiệp vẫn còn dồi dào, đặc biệt ở Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực phía Bắc tỉnh Bình Dương. Với tầm nhìn quy hoạch đồng bộ, vùng siêu đô thị có thể phân bố hợp lý các khu công nghiệp theo cụm chức năng: công nghiệp công nghệ cao, logistics, công nghiệp nặng và công nghiệp phụ trợ.
Việc sáp nhập TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bà Rịa Vũng Tàu sẽ giúp cho kết nối hạ tầng vùng được nâng tầm. Trong đó, các tuyến cao tốc huyết mạch như TP. Hồ Chí Minh -Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3, đường vành đai 4 và hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải sẽ góp phần rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí logistics, tạo nên lợi thế cạnh tranh rõ nét cho các khu công nghiệp trong vùng. |
Song song đó, lực lượng lao động chất lượng cao và dồi dào là một lợi thế. Với quy mô dân số dự kiến vào khoảng 13 triệu người là nền tảng để phát triển các khu công nghiệp theo hướng chuyên môn hóa, gắn liền với trung tâm đào tạo, R&D và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Để khai thác tối đa tiềm năng bất động sản công nghiệp trong siêu đô thị, địa phương và doanh nghiệp cần hướng tới những giải pháp mang tính chiến lược và bền vững.
Theo ông Phan Tấn Đạt, để phát triển bất động sản công nghiệp của siêu thành phố phía Nam, giải pháp chiến lược không chỉ mở rộng mà cần đột phá, chung tay từ doanh nghiệp đến các cấp chính quyền.
Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Khoáng sản Bình Dương cho biết, đầu tiên, cần quy hoạch khu công nghiệp tích hợp theo mô hình cụm liên kết ngành. Việc phân bố các khu công nghiệp cần dựa trên lợi thế so sánh của từng địa phương.
TP. Hồ Chí Minh là trung tâm R&D và công nghệ cao; Bình Dương dẫn đầu về sản xuất thông minh và công nghiệp phụ trợ; Bà Rịa - Vũng Tàu là đầu mối logistics và công nghiệp nặng gắn với cảng biển. Mô hình “vệ tinh - trung tâm” này sẽ giúp tối ưu chuỗi giá trị và tăng tính kết nối vùng.
Thứ hai, phát triển khu công nghiệp sinh thái và khu công nghiệp thông minh. Đây là xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững. Các khu công nghiệp cần ứng dụng công nghệ số vào quản lý và vận hành (IoT, AI, Big Data), đồng thời tuân thủ tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt như xử lý nước thải tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo.
Thứ ba, đầu tư hạ tầng giao thông và logistics đồng bộ. Việc nâng cấp hệ thống giao thông liên kết các khu công nghiệp với sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải và mạng lưới đường sắt - đường thủy là yếu tố quyết định thành công. Đây cũng là điểm thu hút các nhà đầu tư quốc tế có yêu cầu cao về hạ tầng hậu cần.
Thứ tư, phát triển bất động sản đô thị phục vụ khu công nghiệp. Một hệ sinh thái công nghiệp hiện đại không thể thiếu không gian sống chất lượng cho công nhân và chuyên gia. Nhà ở xã hội, trường học, bệnh viện, khu vui chơi cần được tích hợp trong quy hoạch tổng thể nhằm giữ chân lao động và nâng cao chất lượng sống.
Cuối cùng, chính sách ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Ngoài việc thu hút các tập đoàn lớn, vùng siêu đô thị cần có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp SMEs với các khu nhà xưởng xây sẵn, thủ tục đầu tư đơn giản, và gói hỗ trợ chuyển đổi số - tài chính - pháp lý.
Nâng tầm vị thế Việt Nam “Việc hình thành một siêu đô thị công nghiệp không chỉ mang lại lợi thế quy mô, mà còn tạo điều kiện hiện thực hóa mô hình hệ sinh thái công nghiệp thông minh đầu tiên tại Việt Nam. Với quy hoạch đồng bộ, chính sách hấp dẫn và tư duy phát triển bền vững, bất động sản công nghiệp sẽ là phân khúc tiên phong, không chỉ dẫn dắt tăng trưởng kinh tế vùng, mà còn nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ sản xuất toàn cầu”, ông Phan Tấn Đạt - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Khoáng sản Bình Dương, kiêm Chủ tịch Tập đoàn KSB nói. |