Diễn biến lãi suất huy động đang liên tục tăng thời gian gần đây, trong khi đó, thông điệp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn kiên trì quan điểm khuyến khích các ngân hàng giảm lãi suất cho vay khiến các ngân hàng đang đối diện với… “thế kẹt”.
Từ đầu tháng 7 đến nay, nhiều ngân hàng tiếp tục công bố bảng lãi suất mới với xu hướng điều chỉnh tăng thêm. Ảnh tư liệu
Từ đầu tháng 7 đến nay, nhiều ngân hàng tiếp tục công bố bảng lãi suất mới với xu hướng điều chỉnh tăng thêm. Chẳng hạn như, VietBank vừa công bố biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ 9/7/2024 tăng thêm 0,3%/năm cho các kỳ hạn 1 – 6 tháng và tăng 0,1%/năm cho các kỳ hạn 7 – 36 tháng.
Các ngân hàng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệSố liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, hạ tầng công nghệ của các ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp và đến nay, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày. Các công nghệ số mới cũng được ứng dụng để phục vụ nhu cầu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và đáp ứng nhu cầu thị trường. |
Trước đó, một số ngân hàng khác cũng đã tăng lãi suất như Eximbank, NCB, SeABank, BaoVietBank, Saigonbank... Trong đó, có ngân hàng đã tăng lãi suất huy động tiền gửi dưới 6 tháng lên mức 4,7%/năm, tiệm cận với trần lãi suất 4,75%/năm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định. Đà tăng lãi suất trong tháng 7 theo đó đã không dừng lại sau khi các ngân hàng liên tục điều chỉnh tăng lãi suất trong tháng 6. Riêng trong tháng 6, thị trường đã ghi nhận 24 ngân hàng thương mại trong nước tăng lãi suất huy động.
Hiện tại, nhiều ngân hàng đã có mức lãi suất vượt ngưỡng 6%, nhưng chủ yếu là ở các kỳ hạn dài. Chẳng hạn như, các ngân hàng Ocean Bank, SHB, NCB đều có lãi suất tiền gửi online kỳ hạn 36 tháng là 6,1%. Với kỳ hạn 18 tháng, lãi suất cao nhất thuộc về các ngân hàng như Ocean Bank, NCB, HD Bank với cùng mức 6,1%.năm. Riêng HD Bank đưa lãi suất kỳ hạn 18 tháng cao hơn so với các kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng.
Không chỉ ở thị trường dân cư, lãi suất thị trường liên ngân hàng cũng duy trì ở mặt bằng khá cao. Hiện tại, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng là 4,87%, trong khi đó, lãi suất mua bán tín phiếu của NHNN trên thị trường mở cũng phổ biến ở mức 4,5%. Theo quy định hiện hành, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 5%. Đây là quy định tại Quyết định 1123/QĐ-NHNN ngày 16/6/2023 của Thống đốc NHNN Việt Nam.
Trong bối cảnh lãi suất huy động chịu áp lực tăng liên tục thời gian qua, các ngân hàng vẫn phải thực hiện các mục tiêu giữ mặt bằng lãi suất cho vay thấp, thậm chí có thể tiếp tục giảm thêm. Tại Hội nghị đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024 vừa diễn ra, một trong những quan điểm quan trọng được NHNN đưa là tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đồng thời cơ quan này vẫn tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, hạ lãi suất là chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều năm qua và năm nay vẫn quyết liệt. Ở góc độ ngân hàng thương mại, ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc Ngân hàng MB cho biết, các ngân hàng cũng đã giảm lãi suất sâu nhất, có lẽ là trong vòng 10 năm trở lại đây. Điều này cũng mở ra kỳ vọng lãi suất thấp sẽ thúc đẩy nhu cầu vay vốn nhiều hơn.
Với quan điểm điều hành trên, NHNN cho biết luôn có giải pháp đảm bảo thanh khoản của các ngân hàng, không để ngân hàng nào thiếu vốn. NHNN sẵn sàng có biện pháp hỗ trợ thanh khoản khi cần thiết. Riêng trong năm 2024, câu chuyện hạn mức tín dụng (room) cũng không còn là đề tài “nóng” như các năm trước, vì NHNN đã giao đủ room tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm và nếu ngân hàng nào chỉ tiêu tín dụng gần hết mà cho vay hiệu quả thì NHNN sẵn sàng mở thêm trên cơ sở vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Mặc dù chủ trương khuyến khích đẩy mạnh tín dụng là một yếu tố thuận lợi cho các ngân hàng, nhưng đồng thời các ngân hàng cũng đang phải đi tìm giải pháp cho vấn đề chênh lệch lãi suất 2 đầu bị thu hẹp và điều này nếu không được giải quyết, các ngân hàng sẽ bị giảm biên lợi nhuận. Trong bối cảnh này, ông Ánh cho rằng, các ngân hàng sẽ cần phải tiếp tục tiết giảm chi phí để giải quyết vấn đề lãi suất đầu ra.
Đứng trước bài toán chung này, lời giải được nhiều ngân hàng đưa ra là đẩy mạnh các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt và qua đó, gia tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Điều này cũng đang được hậu thuẫn bởi cơ sở pháp lý cho các ngân hàng phát triển hoạt động thanh toán cũng đang được hoàn thiện khá đồng bộ.
Từ tháng 7/2024, Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt chính thức có hiệu lực. NHNN cho biết, các nội dung của Nghị định phù hợp hơn với các văn bản pháp lý hiện hành, đồng thời chỉnh sửa một số quy định nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.
Ngoài ra, NHNN cũng đã ban hành Thông tư số 17/2024/TT-NHNN (cũng có hiệu lực từ tháng 7/2024) quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Nội dung Thông tư có bổ sung quy định về đảm bảo an toàn, bảo mật trong mở, sử dụng tài khoản thanh toán, trong đó quy định trách nhiệm của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng quy trình quản lý kiểm soát rủi ro trong quá trình mở, sử dụng tài khoản thanh toán…
Dự báo lãi suất cho vay tiếp tục giảmTheo kết quả điều tra “Xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý III/2024” vừa được Vụ Dự báo thống kê thuộc NHNN thực hiện, nhiều tổ chức tín dụng đã hoặc dự kiến tăng nhẹ lãi suất huy động, tuy nhiên, dự kiến giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của NHNN vừa được công bố có khoảng 70 - 75,5% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý III và cả năm 2024. Tính trong cả năm 2024, 86,2% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023, bên cạnh đó, vẫn có 11% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm và 2,8% ước tính lợi nhuận không thay đổi. Các tổ chức tín dụng cho biết, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng (nhu cầu gửi tiền, sử dụng dịch vụ thanh toán, thẻ và nhu cầu thanh toán) chỉ phục hồi nhẹ trong quý II/2024, thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng. Trong đó, nhu cầu gửi tiền, sử dụng dịch vụ thanh toán và thẻ được nhận định cải thiện nhiều hơn so với nhu cầu vay vốn trong cùng kỳ. Tại thời điểm cuối quý II/2024, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp được nhận định cao hơn nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân và tổ chức tín dụng khác. Các tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có thể cải thiện tốt hơn trong quý III/2024 so với quý II/2024 và trong năm 2024 so với năm 2023, khi nền kinh tế có nhiều diễn biến tích cực và phục hồi. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý II/2024 vẫn duy trì trạng thái tốt, có cải thiện, gần đạt mức dự báo ở kỳ trước. Các tổ chức tín dụng dự báo tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục cải thiện trong qúy III/2024 và cả năm 2024 so với năm 2023. Về huy động vốn, kết quả điều tra cho biết, huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,3% trong quý III/2024 và tăng 10,1% trong năm 2024, điều chỉnh cao hơn mức dự báo 9,9% ghi nhận tại kỳ điều tra trước. |
Chí Tín