024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Từ 1/7, 10 khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ được tăng theo lương cơ sở

 

Từ ngày 1/7 sẽ áp dụng mức lương cơ sở mới, điểm nổi bật của chính sách cải cách tiền lương lần này là xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới. Khi lương cơ sở tăng thì mức trợ cấp của 10 chế độ này cũng tăng theo.

Khi tăng lương cơ sở, mức trợ cấp của 10 chế độ bảo hiểm xã hội sẽ tăng theo. Ảnh tư liệu

Thông tin từ Bộ Nội vụ cho biết, Bộ Chính trị đã thống nhất từ ngày 1/7 sẽ tăng lương cơ sở từ 1.800.000 đồng lên 2.234.000 đồng cho tất cả cán bộ, công chức.

Do Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện hành có 10 chế độ BHXH được tính toán dựa trên lương cơ sở. Do vậy, khi lương cơ sở được điều chỉnh lên 2.340.000 đồng thì các chế độ gắn với lương cơ sở dự kiến được điều chỉnh tăng theo.

1. Trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau

Luật BHXH năm 2014 quy định, người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong 1 năm theo quy định tại Điều 26 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 - 10 ngày trong 1 năm.

Thời gian nghỉ này bao gồm cả ngày lễ, tết và nghỉ hàng tuần.

Người lao động khi nghỉ dưỡng sức không được doanh nghiệp trả nhưng sẽ được cơ quan BHXH thanh toán tiền chế độ trợ cấp BHXH.

Mức trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau/ngày = 30% x Mức lương cơ sở.

Như vậy, sau 1/7/2024, mức trợ cấp dưỡng sức ốm đau sẽ tăng 702.000 đồng/ngày so với mức 540.000 đồng/ngày trước 1/7/2024.

2. Trợ cấp một lần khi sinh con

Luật BHXH năm 2014 quy định, lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Trợ cấp một lần khi sinh con được tính với công thức:

Trợ cấp 1 lần/con = 2 x Mức lương cơ sở

Như vậy, từ 1/7 khi lương cơ sở tăng lên 2.340.000 đồng, trợ cấp một lần khi sinh con sẽ tăng lên 4.680.000 đồng so với mức 3.600.000 đồng trước ngày 1/7/2024.

3. Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản

Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định, lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 5 - 10 ngày.

Thời gian này bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hàng tuần. Nếu có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.

Thời gian nghỉ dưỡng sức sau thai sản, người lao động không được doanh nghiệp trả lương nhưng được cơ quan BHXH thanh toán tiền chế độ trợ cấp BHXH.

Mức trợ cấp dưỡng sức sau thai sản/ngày = 30% x Mức lương cơ sở.

Như vậy, mức hưởng chế độ dưỡng sức sau thai sản của người lao động sau 1/7/2024 khi lương cơ sở tăng sẽ được điều chỉnh tăng lên 702.000 đồng/ngày, so với mức trước 1/7/2024 là 540.000 đồng/ngày.

4. Điều chỉnh tăng trợ cấp mai táng

Luật BHXH hiện hành quy định, thân nhân sẽ được trợ cấp mai táng khi người lao động chết thuộc một trong các trường hợp: Đang tham gia BHXH, đang bảo lưu quá trình đóng BHXH, đang hưởng lương hưu, đang hưởng trợ cấp cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng hay chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trợ cấp mai táng = 10 x Mức lương cơ sở.

Như vậy, khi lương cơ sở tăng, khoản tiền trợ cấp mai táng cũng tăng từ 18 triệu đồng lên 23,4 triệu đồng.

5. Trợ cấp tuất hàng tháng

Điều 68 Luật BHXH hiện hành quy định, mức trợ cấp tuất hàng tháng chi trả cho thân nhân người lao động như sau:

Thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng: Trợ cấp tuất hàng tháng = 70% x Mức lương cơ sở. Theo công thức tính trên khi lương cơ sở tăng lên 2.340.000 đồng mức này sẽ tăng lên 1.683.000 đồng sau 1/7/2024 (mức này trước 1/7/2024 là 1.260.000 đồng).

Trường hợp còn lại: Trợ cấp tuất hàng tháng = 50% x Mức lương cơ sở. Mức này sau 1/7/2024 sẽ tăng lên 1.170.000 đồng so với mức 900.000 đồng trước ngày 1/7/2024.

6. Trợ cấp một lần khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.

Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:

Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.

Trước 1/7/2024 suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 9.000.000 đồng. Sau đó cứ suy giảm thêm 1% được hưởng thêm 900.000 đồng.

Sau 1/7/2024 suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 11.700.000 đồng. Sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 1.170.000 đồng.

7. Trợ cấp hàng tháng khi bị suy giảm khả năng lao động

Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định: Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Mức trợ cấp hàng tháng được quy định cụ thể: Suy giảm khả năng lao động 31% thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở. Sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở…

Như vậy, trước 1/7/2024 suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng 540.000 đồng/tháng. Sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 36.000 đồng/ tháng.

Sau 1/7/2024, suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng 702.000 đồng/tháng. Sau đó cứ suy giảm thêm 1% được hưởng thêm 46.800 đồng/tháng.

8. Trợ cấp phục vụ người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Điều 52 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định: Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng quy định tại Điều 49 của Luật này, hàng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.

Trợ cấp phục vụ/tháng = Mức lương cơ sở.

Như vậy, trước 1/7/2024 mức trợ cấp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 1.800.000 đồng. Sau 1/7/2024 mức này sẽ được tăng 2.340.000 đồng khi lương cơ sở được điều chỉnh tăng.

9. Trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Điều 53 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định, người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân sẽ được thanh toán trợ cấp một lần:

Trợ cấp 1 lần = 36 x Mức lương cơ sở.

Khi lương cơ sở được điều chỉnh từ 1/7/2024 lên 2.340.000 đồng thì trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ tăng 84.240.000 đồng. Mức chi trả này trước 1/7/2024 là 64.800.000 đồng.

10. Mức dưỡng sức sau điều trị

Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động, sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà trong thời gian 30 ngày đầu mà sức khỏe chưa phục hồi thì người lao động được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Mức trợ cấp dưỡng sức sau điều trị/ngày = 30% x Mức lương cơ sở

Theo đó, mức dưỡng sức sau điều trị năm 2024 từ 1/7/2024 là 702.000 đồng/ngày so với mức trước 1/7/2024 là 540.000 đồng/ngày./.

Hà Anh (tổng hợp)

28/06/2024
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    P.Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 3, tòa B Cao ốc Văn phòng VG Building. Số 235 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân, TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368