Trước sự phát triển của các hình thức thương mại điện tử những năm gần đây, cơ quan thuế đã liên tục tăng cường truyền thông, kiểm tra, giám sát. Năm 2023, doanh thu quản lý thuế thương mại điện tử, bao gồm cả livestream bán hàng là 3,5 triệu tỷ đồng và số thuế đã thu khoảng 97.000 tỷ đồng.
Chiều 1/6, tại cuộc họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã thông tin về nhiều vấn đề được các phóng viên quan tâm đặt câu hỏi.
Liên quan đến quản lý thuế, phóng viên nêu hiện tượng gần đây đã diễn ra hàng loạt buổi livestream có doanh thu hàng tỷ đồng, vậy việc quản lý chống thất thu thuế đối với những buổi livestream bán hàng này ra sao?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay, khi đã có hoạt động kinh tế, thương mại như vậy, nếu phát sinh doanh thu, thu nhập thì phải chịu sự điều chỉnh của các quy định của luật thuế và các sắc thuế, phải chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan thuế.
Đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung hay hoạt động livestream bán hàng trên mạng, hiện nay Bộ Tài chính đang thực hiện quản lý và giám sát theo hai sắc thuế.
Nếu là cá nhân thực hiện hoạt động này, có phát sinh doanh thu và phát sinh thu nhập thì sẽ phải chịu thuế đối với thu nhập của bản thân mình điều chỉnh bởi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, các cá nhân thực hiện bán hàng trên mạng được quản lý thuế và thu thuế theo sắc thuế thu nhập cá nhân.
Đối với trường hợp các hộ kinh doanh gia đình thực hiện các hoạt động bán hàng này và có phát sinh doanh thu thì được quản lý và thu thuế theo quy định liên quan đến quản lý đối với hộ kinh doanh. Nếu hộ thực hiện theo hình thức khoán thì nằm trong mức khoán thu thuế, nếu hộ có kê khai thì thực hiện theo hoạt động kê khai về thuế.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin cùng với các hình thức thương mại điện tử thời gian gần đây, cơ quan thuế đã truyền thông rất nhiều đến tất cả những đối tượng tham gia hoạt động này để họ hiểu rõ các quy định về thuế và tự giác tiến hành kê khai và nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật.
Về kết quả thanh tra xử lý vi phạm, trong 3 năm 2021, 2022, 2023, đã có 31.570 đối tượng là các tổ chức, cá nhân được đưa vào rà soát, bao gồm cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân. Cơ quan thuế đã xử lý vi phạm với 22.159 trường hợp, số thuế thu tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng. |
Cùng với đó, các cơ quan thuế cũng tiến hành giám sát và kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh này của các cá nhân và hộ kinh doanh.
Chia sẻ số liệu 2 năm gần đây về quản lý thuế thương mại điện tử, bao gồm cả livestream bán hàng, Thứ trưởng cho biết, doanh thu quản lý thuế năm 2022 là 3,1 triệu tỷ đồng và số thuế đã nộp là 83.000 tỷ đồng. Năm 2023, doanh thu quản lý thuế là 3,5 triệu tỷ đồng và số thuế đã thu khoảng 97.000 tỷ đồng.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng đề nghị các cơ quan truyền thông tăng cường phối hợp với cơ quan thuế truyền thông các quy định về quản lý thuế để các đối tượng liên quan chủ động thực hiện đúng quy định của pháp luật về thuế, tránh xảy ra các trường hợp vi phạm phải kiểm tra, xử lý như trong thời gian vừa qua.
Một vấn đề khác được nêu tại cuộc họp báo là việc Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ (HUBT) đã sử dụng chữ ký khô trên chứng từ kế toán nhưng theo quy định của Luật Kế toán chỉ công nhận hợp pháp 2 loại là chữ ký là ký tươi và chữ ký điện tử.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ
Trả lời về vụ việc này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thời gian qua theo phản ánh, Trường Đại học HUBT có sử dụng chữ ký khô trên chứng từ kế toán và có một số hoạt động sai phạm khác.
Về khía cạnh sử dụng chữ ký trên chứng từ kế toán, theo Điều 19 Luật Kế toán năm 2015, chữ ký trên chứng từ kế toán phải đăng ký bằng loại mực không phai, không dùng mực đỏ, hoặc đóng dấu khắc sẵn chữ ký. Chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử, chữ ký trên chứng từ điện tử có giá trị như chữ ký chứng từ bằng giấy.
Đối chiếu với quy định của Luật Kế toán năm 2015 thì Trường HUBT dùng chữ ký khô trên chứng từ là trái với quy định của pháp luật về kế toán, Thứ trưởng nêu rõ.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ sẽ chỉ đạo cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác của Bộ Tài chính thực hiện giám sát kiểm tra đối với HUBT trong việc thực hiện pháp luật về tài chính, kế toán, trong đó, đặc biệt thực hiện pháp luật về kế toán.
“Chúng tôi khẳng định, sẽ phải bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về tài chính kế toán với các cơ sở giáo dục cũng như các các cơ sở sản xuất kinh doanh của người dân. Bộ Tài chính bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đối tượng có liên quan, nếu việc sai phạm này của HUBT làm ảnh hưởng đến quyền lợi giáo viên sinh viên, các đối tượng khác có liên quan” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định.
Theo Tổng cục Thuế, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử nói riêng, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thông qua việc ký kết các văn bản thỏa thuận phối hợp công tác, tham mưu trình Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ. Trong đó, Bộ Công an và Bộ Tài chính đã hoàn thành việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện việc rà soát đồng bộ về mã số thuế. Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) cũng đã hoàn thành việc tích hợp sử dụng tài khoản định danh điện tử (VneID) với các nền tảng quản lý thuế của cơ quan thuế. Kết quả đến nay có 663.157 lượt kết nối, tổng số công dân truy cập là 400.791 lượt. |
Hoàng Yến-Thời Báo Tài Chính