024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Cổ phiếu ngành nào hưởng lợi, ngành nào gặp khó

 

co phieu nganh nao huong loi nganh nao gap kho

Cổ phiếu ngành nào hưởng lợi, ngành nào gặp khó (Ảnh minh họa)

Thị trường chứng khoán đang ở mức thấp nhất của năm 2022, VN-Index lùi dần về mức 1.140 điểm. Thanh khoản sụt giảm vì dòng tiền hạn hẹp. Với tình hình vĩ mô đang có những bất lợi cho thị trường từ nay đến cuối năm thì hai nhóm cổ phiếu được dự báo gặp khó nhất là dệt may và cảng biển.

GDP tăng trưởng ấn tượng

Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III ước tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức cao nhất trong 12 năm qua. Sự bật tăng mạnh của quý III đã giúp GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 12 năm trở lại đây, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.

Thế nhưng, thị trường chứng khoán vẫn giảm ở mức thấp nhất của năm 2022. Đặc biệt nhiều dấu hiệu cho thấy sự sụt giảm chưa dừng lại. Cụ thể đóng cửa phiên giao dịch 29/9, VN-Index còn 1.126, 07 điểm khi giảm thêm 17,55 điểm. Với mức này, VN-Index đã giảm gần 28% tính từ đỉnh ngày 6/1 là 1.528 điểm.

Mặc dù thị trường đang diễn biến tiêu cực, nhưng theo ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT, đây lại là cơ hội cho nhà đầu tư chọn lọc, tích lũy cổ phiếu để có thể “thắng lớn”. Theo ông Tuấn, bức tranh trong trung hạn của nền kinh tế vẫn rất hấp dẫn, bởi duy trì một mức tăng trưởng GDP cao (dự phóng tăng trưởng GDP 7% năm 2022). Dòng vốn FDI, FII vào Việt Nam đều nhìn vào các chính sách và các chỉ số như trên.

Ngành nào gặp khó?

Tuy nhiên không phủ nhận là rủi ro đối với nền kinh tế vẫn rất lớn. Đặc biệt vẫn còn lĩnh vực gặp nhiều khó khăn. Theo SSI Reach ngành dệt may sẽ là nơi bị “khó khăn bủa vây cho đến nửa đầu năm 2023” dù kết quả quý III khả quan. Mặc dù, trong tháng 8/2022, xuất khẩu hàng may mặc đạt 3,7 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ, mức cao kỷ lục cả về tốc độ tăng trưởng và con số tuyệt đối. Tuy nhiên, do lo ngại lạm phát và lượng hàng tồn kho ở mức cao của khách hàng mà trong nửa đầu tháng 9/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may chỉ đạt 1,2 tỷ USD, giảm 48% so với nửa đầu tháng 8 năm 2022.

Theo SSI Reach, các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước có số lượng đơn hàng trong quý IV/2022 thấp hơn 25-50% so với quý II; doanh thu giảm 15-20% so với cùng kỳ theo ước tính, do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao. Tác động sẽ nghiêm trọng hơn đối với những doanh nghiệp có khách hàng chủ yếu ở Hoa Kỳ và EU. Xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có xu hướng giảm, nhưng ở mức độ thấp hơn nhiều.

Theo SSI Reach, các đơn đặt hàng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về lạm phát và suy thoái cho đến nửa đầu năm 2023 và khuyến nghị các nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu ngành này.

Cùng với đó, ngành cảng biển cũng không mấy sáng sủa khi thị trường vận tải biển đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng xấu đi theo biến động toàn cầu. Sản lượng vận tải biển đã giảm tốc, trong khi giá cước vận tải có thể sẽ vẫn chịu áp lực cao cho đến năm 2023. Với triển vọng kém lạc quan hơn, SSI Reach đã điều chỉnh kỳ vọng ước tính đối với các mã chứng khoán HAH và GMD. Cụ thể, dự đoán tăng trưởng lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ của HAH và GMD sẽ giảm về mức -12% và +7,6 cho năm 2023.

Xây dựng, bất động sản sẽ hưởng lợi nhờ đầu tư công

Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, trong 9 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư công mới đạt gần 47%. Theo Bộ này, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 được Quốc hội quyết nghị là trên 526.105 tỷ đồng. Nhưng đến 23/9, chỉ có 508.362 tỷ đồng được phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điền kiện giải ngân. Số liệu giải ngân vốn ngân sách Nhà nước từ Bộ Tài chính cho thấy, từ đầu năm đến ngày 30/9, chỉ có trên 253.148 tỷ đồng được giải ngân, đạt 46,7% kế hoạch năm. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng vừa ký ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công các tháng cuối năm 2022 với mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt 95 - 100% kế hoạch được giao; giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương.

Công ty Chứng khoán KB (KBSV) cho rằng, các nhóm ngành được hưởng lợi từ yếu tố đầu tư công bao gồm nhóm hưởng lợi trực tiếp như vật liệu xây dựng, thi công và nhóm hưởng lợi gián tiếp như bất động sản, bất động sản khu công nghiệp.

Theo đó, nhóm doanh nghiệp ngành thép sẽ được hưởng lợi nếu các dự án hạ tầng xây dựng được đẩy mạnh như Tập đoàn Hòa Phát (HPG), nhờ thị phần thép lớn nhất Việt Nam cùng lợi thế cạnh tranh bền vững. Nhóm đá xây dựng sẽ có lợi ích sát sườn, nhất là các doanh nghiệp sở hữu mỏ đá gần các dự án trọng điểm có trữ lượng lớn tại Đồng Nai và Long Thành. Lĩnh vực sản xuất nhựa đường cũng được kỳ vọng hưởng lợi ở giai đoạn cuối của dự án đầu tư công, như Công ty cổ phần hóa dầu Petrolimex (PLC). Nhóm lĩnh vực hạ tầng cũng có các doanh nghiệp góp mặt như các tên tuổi Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV), Cienco4 (C$G); Vinaconex (VCG) khi trúng thầu thi công dự án đầu tư công.

Trích nguồn

Nhung Sơn

30/09/2022
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368